Trước khi trở thành phẫu thuật viên ung bướu, đặc biệt là phẫu thuật tuyến giáp như bây giờ, ThS.BS nội trú Nguyễn Xuân Tuấn - chuyên khoa ung bướu - đã trải qua những năm tháng học tập, rèn luyện tại trường Đại học Y Hà Nội. Hiện tại, bác sĩ đang hợp tác chuyên môn tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt. Đồng thời, đang là giảng viên trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia, Hà Nội).
Sau nhiều năm làm việc, nhớ lại những kỷ niệm trong nghề, ThS.BS nội trú Nguyễn Xuân Tuấn không khỏi xúc động với những hỉ nộ ái ố mà mình đã trải qua.
Bác sĩ lần đầu kể chuyện vui - buồn cùng bệnh nhân ung bướu
ThS.BS nội trú chuyên khoa ung bướu Nguyễn Xuân Tuấn kể: Công việc của các bác sĩ chuyên khoa ung bướu không chỉ là khám, tư vấn điều trị, phẫu thuật bóc tách u hạch bất thường, mà đôi khi còn là phải đấu tranh với những quan điểm sai lệch về bệnh ung thư.
Trong những năm tháng làm nghề, đã có lúc bác sĩ Tuấn có cảm giác buồn bã vì bệnh nhân của mình không có đủ điều kiện kinh tế để tiếp tục chữa trị. Khi thì anh bất lực vì người bệnh dù giải thích đến đâu cũng dứt khoát tin vào các cách chữa bệnh truyền miệng. Hoặc có khi, bác sĩ lại hạnh phúc lây cho người bệnh vì sức khỏe của họ ngày càng có tiên lượng tốt.
"Có nhiều người bệnh vì sợ không đủ điều kiện tài chính, hoặc có những định kiến sai lầm về bệnh ung thư mà quyết định không điều trị theo phác đồ, bác sĩ giải thích mãi cũng không chịu nghe", bác sĩ kể lại.
Tuy vậy, trong ngành y đôi khi cũng có không ít những câu chuyện bất ngờ: "Tôi từng chứng kiến nhiều bệnh nhân ung thư phổi nhưng được phẫu thuật tốt, sau 11 năm khám lại vẫn khỏe bình thường. Có bác bị ung thư gan giai đoạn không còn quá sớm để mổ, ban đầu cứ ngỡ chỉ sống thêm 1-2 năm, vậy mà cuối cùng lần mà tôi gặp đã là năm thứ 10, vẫn tiếp tục chiến đấu".
Hay có câu chuyện cả 2 cha con cùng lúc phát hiện mắc ung thư dạ dày, cùng được chỉ định phẫu thuật vì bệnh ung thư cũng có tính di truyền. Lúc ấy, cô con gái mới chỉ có 20 tuổi. May sao, kết quả điều trị vẫn tốt.
Bác sĩ Tuấn nói, điều trị bệnh ung thư cũng là một nghệ thuật, vì nó là đa mô thức, tức là có thể cần kết hợp nhiều phương pháp lại với nhau. Thế nên bác sĩ phải hiểu về từng phương pháp và đưa ra các chỉ định hợp lý tùy theo từng cá thể người bệnh để có kết quả tốt nhất.
"Chẩn đoán bệnh ung thư thường thì đơn giản, nhưng cũng có nhiều khi rất phức tạp mà phải hội chẩn lên hội chẩn xuống mới tìm ra bệnh. Khi một người bệnh tới khám vì một khối u hoặc hạch, nếu nói vội là ung thư thì tinh thần người bệnh sụp đổ, như một án tử treo trên đầu. Còn nếu nói vội là lành tính ngay thì đôi khi chưa đủ bằng chứng xác thực, vẫn cần theo dõi hoặc kiểm tra thêm. Nhiều khi để chẩn đoán một trường hợp u phổi lành hay ác có thể mất cả tháng trời mới ra", bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, nghề của các bác sĩ đó là phải lấy áp lực trở thành động lực. Tôn chỉ làm việc của bác sĩ Tuấn là: Đề cao quyền của người bệnh và người nhà bệnh nhân, do đó anh luôn cố gắng tư vấn đầy đủ và chi tiết nhất có thể.
Vừa làm bác sĩ, vừa giảng dạy - Mục tiêu cuối là giúp cộng đồng khỏe hơn!
Ngoài làm bác sĩ phẫu thuật ung bướu, bác sĩ Tuấn còn tham gia vào công tác giảng dạy tại trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia, Hà Nội) với hy vọng truyền đạt được kiến thức và kinh nghiệm của mình cho những thế hệ sinh viên ngành Y. Mục tiêu cuối cùng là giúp được người bệnh và cộng đồng có sức khỏe tốt hơn.
Sau 7 năm công tác trong ngành y, với anh có lẽ "trái ngọt" lớn nhất nhận được đó là được bệnh nhân luôn yêu mến, tin tưởng. Trong tương lai, bác sĩ Tuấn có dự định trau dồi kinh nghiệm kiến thức khám và điều trị. Đồng thời, phát triển nhiều hơn các nội dung hướng tới chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống ung thư và hỗ trợ người bệnh ung thư.