Bác sĩ hướng dẫn cách xử trí cơn hen phế quản tại nhà cho trẻ

25-09-2019 14:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Hen phế quản hay còn gọi là suyễn là tình trạng viêm đường hô hấp mạn tính thường gặp nhất ở trẻ em. Đây là bệnh lý mạn tính khiến nhiều trẻ phải nghỉ học và nhập viện trong tình trạng cấp cứu, chính vì vậy, cha mẹ và người trực tiếp chăm sóc trẻ cần có kiến thức về quản lý cơn suyễn cho trẻ em tại nhà.

Theo Bs. Võ Huỳnh Ngọc Trâm, Khoa Hô hấp- Bệnh viện Nhi đồng 1, quản lý cơn suyễn tại nhà bao gồm một kế hoạch hành động cho phép cha mẹ hoặc người trực tiếp chăm sóc trẻ nhận biết cơn suyễn, xử trí ban đầu và đặc biệt là phát hiện dấu hiệu suyễn nặng để có thể nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại bệnh viện.

Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí

Hiện tại, tỷ lệ mắc bệnh hen ở trẻ em Việt Nam cao nhất châu Á, với gần 30% trẻ dưới 13 tuổi đang mắc hoặc phải sống chung với bệnh suốt cuộc đời. Hầu hết phụ huynh các em phải thức trắng nhiều đêm, canh chừng con lên cơn hen suyễn cấp để  kịp thời xử trí.

Cũng theo BS. Trâm, triệu chứng điển hình của hen suyễn là trình trạng ho, khò khè, khó thở tái đi tái lại ở trẻ nhỏ. Ho tăng lên đặc biệt là khi trẻ ngủ;Trẻ mệt mỏi, giảm các hoạt động thể thao;Trẻ giảm các hoạt động thường ngày, kể cả ăn và bú Thường xuất hiện vào chiều tối, sáng sớm hoặc khi chơi giỡn, gắng sức. Đây là bệnh mạn tính (suốt đời) có thể phá hủy cấu trúc của đường hô hấp.

Khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng gợi ý cơn suyễn, cha mẹ và người trực tiếp chăm sóc trẻ cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh ( theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ). Tránh xa (nếu có thể được) những yếu tố làm cơn hen xuất hiện, đó là những yếu tố gây nên tình trạng dị ứng ví dụ như phấn hoa, lông thú vật, mùi khói thuốc lá, hóa chất...

Trẻ cần được cha mẹ, người trực tiếp chăm sóc trẻ theo dõi. Và phải cho trẻ đi tái khám trong vòng 24 – 48 giờ.

Trẻ bị ho được test suyễn

Khi nào trẻ cần được đưa đến bệnh viện?

Bác sĩ khuyến cáo thời điểm mùa mưa nhiều, thời tiết thay đổi thất thường nên gia tăng nguy cơ bệnh về hô hấp, nhất là bệnh hen suyễn. Người bệnh cần chủ động đến bệnh viện khám định kỳ, không bỏ hẹn. Tuân thủ theo hướng dẫn bác sĩ điều trị và sử dụng thuốc đầy đủ theo toa.

Khi có cơn khó thở, không đáp ứng thuốc xịt giãn phế quản cần nhập viện ngay. Nếu gặp những trường hợp này nên sơ cứu bằng cách cho bệnh nhân ở nơi thoáng mát, cởi bớt áo cho cơ thể thông thoáng, sử dụng thuốc xịt giãn phế quản của người bệnh nếu có thể, sau đó chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài ra, sau khi xử trí trẻ không giảm triệu chứng còn thở nhanh, trẻ nói chuyện khó khăn, đứt đoạn, từng từ.  Trẻ phải ngồi thở, co kéo các cơ hô hấp phụ (giữa các xương sườn, vùng cổ, cánh mũi phập phồng); Trẻ lơ mơ, tím tái môi hay đầu ngón tay là dấu hiệu nguy kịch... cần phải đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

Cần làm gì để phòng tránh các yếu tố khởi phát cơn suyễn?

  • Tránh tiếp xúc các dị nguyên không khí. Không để trẻ tiếp xúc khói thuốc lá, khói xe, ô nhiễm môi trường
  • Cần dọn dẹp nhà cửa, nơi trẻ sống sạch sẽ, ngăn nắp, không trải thảm.
  • Thường xuyên giặt giũ khăn trải giường, mền trẻ sử dụng bằng nước nóng và phơi khô ngoài nắng.
  • Phát hiện dọn dẹp chất nặng mùi kích thích
  • Chế độ dinh dưỡng tốt tăng sức đề kháng phòng tránh nhiễm trùng hô hấp cấp ở trẻ.

Trẻ cần tránh các yếu tố khởi phát cơn suyễn bằng cách

Yếu tố môi trường sống: Dị nguyên không khí: mạt nhà, chó mèo, gián, phấn hoa,...;Khói thuốc lá, nhang khói, khói bụi, khói bếp trong nhà,...;Những hóa chất nặng mùi trong nhà hay ngoài đường;Các sản phẩm nước hoa xịt phòng, xịt muỗi, xịt sâu rầy/côn trùng.
Các yếu tố nguy cơ khác:Thay đổi thời tiết, khí hậu, đặc biệt khi trời lạnh.Nhiễm trùng hô hấp do nhiễm virus.Trẻ vận động quá sức, gắng sức .Khi trẻ xúc cảm mạnh.


Nguyễn Vũ
Ý kiến của bạn