Bác sĩ hơn 60 năm ngồi xe lăn

29-12-2019 15:31 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Là người khuyết tật sinh năm 1948, bà Helena Pyz, bác sĩ nội khoa đã hơn 60 năm ngồi trên xe lăn. Ít người biết, hơn 30 năm bà vui vẻ, tình nguyện rời quê hương Ba Lan, hết mình làm việc tại Trung tâm Điều trị và Phục hồi chức năng bệnh nhân phong Jeevodaya, Ấn Độ.

Từ nhiều năm, đã là chuyện thường nhật, không chỉ người mắc bệnh phong tại Trung tâm Jeevodaya, mà nạn nhân ngàn lẻ một thứ bệnh và dân nghèo toàn khu vực tìm kiếm sự giúp đỡ của bà Helena.

“Người ta hoảng hốt gọi tôi giữa đêm. Một ca đẻ non trước 3 tháng. Người mẹ không biết, bản thân mang thai đôi. Khi đã lôi được đứa trẻ thứ nhất, tôi biết chắc, sẽ còn đứa thứ hai. Cả hai sinh linh đều nhỏ xíu. Buồng phổi hoàn toàn chưa phát triển đầy đủ, chúng không có gì để thở, cả hai đều tím tái, lạnh ngắt, chỉ có trái tim nhỏ bé rung nhẹ dưới xương sườn, nhưng chậm chạp và loạn nhịp. Lập tức tôi biết, mình không thể làm gì để cứu mạng sống hai đứa trẻ. Cảm giác bất lực, cái chết quá thương tâm...” - đó là ký ức đau buồn nhất năm qua của bác sĩ Helena Pyz. Nhưng tại trung tâm này cũng chứng kiến không ít điều kỳ diệu.

“Đối với tôi, mỗi bệnh nhân phong nhỏ tuổi sau thời gian điều trị tại trung tâm được xuất viện, là điều kỳ diệu nhỏ” - bác sĩ Helena, nhân vật chứng kiến không ít “điều kỳ diệu nhỏ” đã trưởng thành nhiệt tình trở lại ghé thăm trung tâm, chân thành chia sẻ - “Chúng quay lại để khoe thành quả của bản thân. Nhiều bệnh nhân nhí ngày nào đã có gia đình riêng, nghề nghiệp đàng hoàng, công việc mang lại thu nhập ổn định”.

Đôi lúc bà Helena không nhớ hết tên bệnh nhân của mình. Người bệnh và dân nghèo toàn khu vực tìm đến bác sĩ Helena với hy vọng được cứu chữa. Thậm chí 300 người/ngày.

“Trung tâm này không bắt buộc phải tồn tại, nếu như tất cả người mắc bệnh phong, những người đói ăn, dân nghèo tìm được trong thế giới này điều kiện đủ, để duy trì cuộc sống bình thường, cho dù còn thiếu thốn” - người thầy thuốc hết lòng vì đồng loại chia sẻ.

Nhưng trung tâm vẫn tồn tại. Và trung tâm sẽ được duy trì, cho đến ngày bà Helena còn có sức làm việc. Bà đã có thể chia tay trung tâm hơn chục năm trước, thụ hưởng chế độ hưu trí, song đối với bà việc ấy là quá khó.

“Nếu như quyết định rời xa Ấn Độ, nghỉ ngơi ở Ba Lan, ngồi bên bàn đầy ắp thức ăn, hoặc ngả lưng trên ghế sô-pha mềm, tôi sẽ không thể sống thanh thản bởi câu hỏi, chuyện gì đang diễn ra ở Trung tâm Jeevodaya?” - nữ bác sĩ tuổi ngoài 70 tâm sự.

BS Helena Pyz trò chuyện với bệnh nhân nhỏ tuổi ở Trung tâm Jeevodaya, Ấn Độ.

BS Helena Pyz trò chuyện với bệnh nhân nhỏ tuổi ở Trung tâm Jeevodaya, Ấn Độ.

Tuổi thơ nghiệt ngã

Bà Helena thực hiện nghĩa vụ của mình một cách tận tụy. Giống như bố mẹ đã dạy bà, bố mẹ đã đặt giới hạn, xác định nhiệm vụ cho con gái, cho dù bé Helena 10 tuổi đã mắc bệnh Poliomyelitis (bại liệt trẻ em).

Bây giờ thi thoảng ôn lại quá khứ, bà vẫn nhớ tình trạng liệt hẳn chân phải, chân trái chỉ có thể cử động nhúc nhắc sau hơn một tuần sốt cao, nhức đầu, rồi cứng cổ, cứng lưng.

“Và đến lúc tôi không thể đi lại bình thường. Đến nay tôi còn nhớ, những ngày đầu nằm viện, tôi không thể đứng dậy. Khát nước cháy họng, bố mẹ đã về nhà, phòng có một mình, tôi liều lĩnh tụt xuống khỏi giường, bởi không biết có thể ấn nút gọi nhân viên y tế. Sau một hồi vất vả, tôi bò được vào toilet và ghé miệng vào chiếc vòi nước... nhưng sau đó không thể làm cách nào leo lên giường.

Sau ca phẫu thuật là thời gian dài và buồn tẻ phục hồi chức năng. Đến nay, ngoài hai tay cử động bình thường, chân trái nhúc nhắc, chân phải vẫn liệt. Tôi phải ngồi xe lăn.

Tôi xuất viện trong tâm trạng ủ rũ và đau buồn. Cả nhà, bố mẹ, hai anh trai, chị gái và em gái - mọi người đều lo lắng. Trong khi bố tôi vừa động viên vừa có ý giao nhiệm vụ: - Con không được phép yếu đuối, ngày mai đi học bình thường, không có chế độ ưu đãi, không được phép học đúp. Thậm chí cả năm tôi học lớp 9 và lần thứ hai phải tiến hành phẫu thuật”.

Sứ mệnh cuộc đời

Những cuộc phẫu thuật, các đợt nằm viện đối với Helena là thời gian chiêm nghiệm những đau buồn của người khác, nhưng cũng là cơ hội thấu hiểu nỗi vất vả và tình cảm của bác sĩ. Vì thế, sau tốt nghiệp phổ thông trung học, Helena quyết định thi vào Đại học Y và sau đó đăng ký học chuyên khoa Nội tổng quát, để có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

Tốt nghiệp đại học, ngồi trên xe lăn, bác sĩ Helena Pyz lần lượt phụ trách phòng khám tại quận Wola, trung tâm thành phố Warszawa (1974 - 1983) và quận ngoại ô Zabki (1984 - 1988). Không ít bệnh nhân của bà Helena thuở ấy đến nay vẫn nhắc đến bà với tình cảm trìu mến. Bác sĩ Helena coi công việc ở phòng khám như sứ mệnh, giống như công việc và nghĩa vụ gia đình, có nghĩa, cần phải hoàn thành đầy đủ và với chất lượng cao nhất.

Thời gian ngắn sau đó Helena tự nguyện làm quen sứ mệnh mới. Cuối năm 1986, tại cuộc vui sinh nhật người bạn, bà biết chuyện viện thiện nguyện mang tên Tổng giám mục Wyszynski đang tìm một bác sĩ sang Ấn Độ phụ trách Trung tâm Điều trị và Phục hồi chức năng bệnh nhân phong Jeevodaya. Lý do: bác sĩ, linh mục Adam Wisniewski, người sáng lập kiêm giám đốc trung tâm lâm bệnh nặng, nhiều khả năng không qua khỏi. Là con chiên ngoan đạo, Helena coi đây là cơ hội để bản thân thực hiện nghĩa vụ với cộng đồng. Không có kiến thức gì về bệnh phong, nhưng nữ bác sĩ khuyết tật 38 tuổi chưa chồng đã quyết định, dứt khoát sẽ đi Ấn Độ.

Ngay hôm sau Helena tìm đến viện thiện nguyện mang tên Tổng giám mục Wyszynski, trình bày nguyện vọng. Các vị linh mục ở đây hết sức vui và mời nữ tình nguyện viên đăng ký tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ và huấn luyện chuyên môn, trước khi lên đường. Ngày 14/2/1989, bác sĩ Helena đã có mặt tại đất nước Ấn Độ xa lạ.

Đến Trung tâm Jeevodaya, bác sĩ Helena ngỡ ngàng với tất cả. Văn hóa khác, cách sống khác, con người xa lạ, ngôn ngữ bất đồng, bụi bặm, ồn ào. Nhưng bà tin, đó là một phần công việc của sứ mệnh cao cả dành cho bản thân. Và bà quyết bám trụ.

- Dĩ nhiên, ở Ấn Độ tôi thiếu gần như tất cả những gì bản thân yêu quý ở quê hương Ba Lan, song thực tế đó vô nghĩa - bác sĩ Helena quả quyết - Tôi không nuối tiếc. Phần lớn cuộc đời tôi đang và sẽ gắn bó với Trung tâm Jeevodaya - bà Helena nhấn mạnh.

Mang hy vọng cho người bệnh

Tại Ấn Độ, bác sĩ Helena hỗ trợ, cứu mạng sống đồng loại, điều hành Trung tâm Jeevodaya, tổ chức các chiến dịch quyên góp, khai thác nguồn tài chính duy trì hoạt động của đơn vị. Hơn 30 năm làm việc tại đây, bà đã quen với tình cảnh, cho dù bản thân là nhân vật cần thiết, song không phải lúc nào cũng được tất cả mọi người chấp nhận.

Bệnh bại liệt Poliomyelitis từng hành hạ bác sĩ Helena tuổi ấu thơ để lại di chứng nặng nề. Việc đi lại bằng xe lăn khó khăn hơn vì sau chân phải liệt hẳn, chân trái bây giờ ngày càng trơ lỳ, mất cảm giác. Tuy nhiên tất cả không thể cản trở bà thực hiện những cuộc thăm khám người bệnh, đôi lúc phải đi xa trung tâm, đến các địa bàn hiểm trở.

“Tôi cảm thấy mình khỏe mạnh và còn dư sức để phục vụ người bệnh” - bác sĩ Helena chia sẻ.

Thường ngày trong giờ làm việc, lúc nào bác sĩ Helena cũng có mặt tại trung tâm. Buổi tối bà trả lời thư điện tử. Với cương vị giám đốc, bà đã quen với nếp đặt kế hoạch dài hạn, quản lý nghiêm túc các phòng ban và trước hết, mang lại hy vọng cho người bệnh. Tạo cho họ cảm giác có mái ấm gia đình.

“Những đứa trẻ từng được trung tâm nuôi dưỡng, hiện sống với chúng tôi, hoặc ở gần đây vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động của trung tâm là niềm vui lớn” - bà Helena nhấn mạnh - “Đó là lực lượng đóng góp nhiều ý tưởng mới, rất hữu ích, bởi trung tâm vẫn là ngôi nhà của chúng. Chủ yếu là đối tượng mồ côi, trước khi trưởng thành và đã là “người của chúng tôi”.

Patrycja là một trong số đó. Mẹ bé qua đời trong lúc sinh nở, 4 tháng tuổi, bé được đưa đến trung tâm.

“Sinh linh nhỏ bé được nuôi sống bằng nước đường, sữa bột đã chớm mốc, đó là những gì người thân của bé có thể” - bà Helena nhớ lại - “Bé cân nặng 1,85 kilogam, người đầy mụn nhọt, da tím tái và lạnh ngắt, liên tục ho và sốt. Tôi e ngại, không thể cứu sống Patrycja, bởi chưa đầy 10 ngày trước, bé Filipek sinh thiếu tháng đã qua đời trên tay tôi. Tuy nhiên ý thức tin rằng, nếu tôi từ chối, bé gái sẽ chết vì đói và tình trạng mất vệ sinh trong làng, đã giúp tôi vượt qua mọi e ngại”.

Liên tục 3 tháng tôi tự tay chăm sóc bé. Thoạt đầu bé uống 30-40ml bột dinh dưỡng hợp chuẩn dành cho lứa tuổi của bé và ngủ thiếp vì mệt mỏi. Tuy nhiên cân nặng của bé tăng sau mỗi tuần, làn da căng dần, bé đã hồi sinh. Nay Patrycja 21 tuổi, người gày, thỉnh thoảng sổ mũi nhức đầu, song thiếu nữ vẫn có thể sống tự lập.

Tại xứ sở xa quê hương, bà Helena không quan tâm đến tình trạng khuyết tật của bản thân. Đối với bà, quan trọng nhất là con số người bệnh và những đứa trẻ nhận được cơ may sống tại Trung tâm Jeevodaya.

Gần đây bác sĩ Helena Pyz được báo điện tử dành cho người khuyết tật Ba Lan Niepełnosprawni.pl,  bình chọn là “Người vượt qua mọi rào cản 2019”.


Ngọc Báu
Ý kiến của bạn