Lần lượt ra mắt khán giả truyền hình VTV1 bắt đầu từ tối 22/10, 10 tập phim Phá vỡ im lặng như một bài ca nhân ái, góp một tiếng nói nghệ thuật chân thực và mạnh mẽ trong công cuộc phòng chống bạo lực gia đình của toàn xã hội. Một cuộc trò chuyện ngắn giữa phóng viên với "Bác sĩ hoa súng" Hoàng Nhuận Cầm - biên kịch, đạo diễn của bộ phim.
Chắc hẳn để xây dựng bộ phim về đề tài phòng chống bạo lực gia đình, đoàn làm phim đã phải mất nhiều thời gian thâm nhập thực tế, tìm hiểu về nạn bạo hành gia đình?
Chúng tôi đã có hàng tháng trời tập huấn ở trung tâm CSAGA, lắng nghe những câu chuyện của chính những nạn nhân của bạo lực gia đình và nhận ra rằng sở dĩ bạo lực gia đình mặc nhiên hoành hành phần nhiều là vì lý do tâm lý xã hội Xấu chàng hổ ai, Đóng cửa bảo nhau...hay khi nạn nhân bị chồng đánh mặc nhiên nghĩ rằng chồng có quyền đánh mình còn người phạm tội cũng không biết mình phạm tội, cứ nghĩ mình là chồng, có quyền đập bàn đập ghế... Vậy nên, muốn Phá vỡ im lặng chúng ta phải lên tiếng và sự phá vỡ này sẽ không phải của riêng ai.
Cảnh trong phim Phá vỡ im lặng. |
Khi xây dựng kịch bản, chúng tôi đã làm việc rất công phu, nhất là đối với phim truyền hình phải chuẩn bị thật kỹ. Nhóm biên kịch sau khi đi tập huấn thâm nhập thực tế đã ngồi lại với nhau, dựng đề cương kỹ từng phân cảnh, đoạn này phải thế nào...thậm chí có những vấn đề phải đưa ra bỏ phiếu. Hiếm có một kịch bản nào mà chúng tôi lại làm kỹ đến mức độ câu kết của bộ phim đã nhìn thấy ngay từ khi đặt bút, đó là câu nói hay nhất của Nhấn và cũng là hay nhất của bộ phim: "Đẻ con như thế thì đẻ làm gì, hai đứa con trai nhà chú không bằng một đứa con gái nhà tôi đâu nhé".
Anh có thể chia sẻ đôi điều về những vất vả mà đoàn phim gặp phải trong quá trình xây dựng bộ phim?
Bối cảnh phim được chúng tôi quay ở rất nhiều nơi với mong muốn bộ phim có chất fonklore (chất dân gian) của làng quê Việt Nam với dòng sông, lũy tre, điếm canh đê... để làm sao khán giả có thể nhận ra đây là câu chuyện xảy ra ở làng quê VN chứ không phải xảy ra ở Hàn Quốc. Nói thì có vẻ dễ nhưng chúng tôi đã phải đi tìm rất vất vả... Nhiều khi phóng xe ra khỏi Hà Nội hơn 60 km vẫn không tìm được một dòng sông và lũy tre ưng ý. Một anh trong đoàn vỗ vai tôi nói "Tỉnh lại đi, không đủ tiền cho từng này con người đi xa như thế này đâu!"
Trường đoạn trong phim gây ấn tượng nhất đối với anh?
Đó là cảnh cô Na đi bán bánh mì, thấy trước mắt hiện ra hình ảnh người chồng vẫn đuổi đánh mình công kênh đứa con gái của mình lên vai và tự nhiên cô cười mắt lấp lánh niềm vui niềm hy vọng. Nhưng đến khi cô tiến đến gần họ thì hóa ra không phải ông chồng mình mà lại là một người đàn ông ngoại quốc đang công kênh con gái của ông ấy ở trên vai... Đó cũng là thông điệp khát vọng mà những người làm phim muốn gửi tới mọi người - hãy công kênh người phụ nữ...
Ở cảnh sinh hoạt của câu lạc bộ phòng chống gia đình, có ai trong số họ là nhân vật thật ngoài đời?
Rất nhiều nhân vật trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ trong phim là nạn nhân thật ở ngoài đời, họ ngồi lẫn với các diễn viên. Khi ấy diễn viên khóc thật sự vì cuộc đời của những nạn nhân còn nạn nhân thì chảy nước mắt thương xót cho các số phận nhân vật. Họ cứ ôm lấy nhau mà khóc...
Những mẩu chuyện vui trong quá trình làm phim anh có thể chia sẻ với khán giả?
Cảnh Nhấn tát Na. Lúc đầu diễn viên Quốc Trị (vai Nhấn) thấy thương Điệp Vân tát nhè nhẹ nhưng Vân lại nói anh cứ tát mạnh vào để em diễn. Ông Trị nói "tôi sợ ông Cầm". Tôi bảo: "Không sợ gì cả, tát thật mạnh vào". Thế là, vì mấy lần trước bị chê tát không được nên đúp cuối cùng Quốc Trị tát thật "bốp" một cái, Điệp Vân quay đơ mặt ra. Lúc ấy tôi cũng xót nhưng cái bạo lực này vì nghệ thuật nên có lẽ cũng tha thứ được. Hoặc cảnh Vân ngã, tôi đã bắt phải ngã đến lần thứ năm.
Khi ấy anh có thấy xót bà xã không?
Với cương vị đạo diễn, lúc ấy tôi thấy mình hơi "dã man".
Như vậy phải chăng là anh đã "bạo lực" quá không?
(Cười). Bạo lực diễn viên. Bạo lực này vì nghệ thuật nên có lẽ cũng tha thứ được.
Khánh Phương (thực hiện)