Hà Nội

Bác sĩ Hồ Văn Hoài: Người “vác tù và hàng tổng”

18-06-2019 14:14 | Y tế
google news

SKĐS - Lần đầu tiên tại Đồng Nai, một bác sĩ trưởng trạm y tế xã vinh dự được Bộ Y tế trao danh hiệu Thầy thuốc ưu tú - đó là BS. Hồ Văn Hoài, Trưởng Trạm y tế xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu).

“Học” để “trả nợ” bà con

35 năm trước, khi còn là một y sĩ đa khoa từ An Giang về, thanh niên trẻ Hồ Văn Hoài đã chọn vùng đất “Mã Đà sơn cước anh hùng tận” - giang sơn của các bộ tộc người S’Tiêng và Châu Mạ, được coi là cõi “ma thiêng, nước độc”, là vùng đất “đi dễ khó về” với ước mơ muốn thỏa niềm khao khát khám phá thiên nhiên ở vùng đất chiến khu  đất thép thành đồng mà anh đã từng nghe nhắc đến.

Ngày ấy, miền sơn cước này chưa có trạm y tế, xã giáp ranh với Mã Đà là Phú Lý thì có một điểm trạm y tế với nhiều cái “không”. Đời sống của đồng bào dân tộc ở đây thuộc diện khó khăn nhất tỉnh với kinh tế chủ yếu trồng trọt, làm nương làm rẫy. Quen sống với những tập tục bản địa hủ tục và tà ma, nên nhận thức của bà con dân tộc trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe rất kém. Ngoài cái ống nghe y sĩ Hoài đem theo, trạm y tế không có bất kỳ thiết bị y tế nào, vì thế mỗi khi khám bệnh cho người dân, anh rất lúng túng vì rất khó chẩn đoán được bệnh cho người dân. Một lần trong một ca trực đêm, anh tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị đau bụng quằn quại, qua thăm khám, anh chẩn đoán “nghi viêm ruột thừa cấp” và cho chuyển viện gấp lên tuyến trên. Vừa chuyển bệnh nhân đi lúc nửa đêm, sáng sớm hôm sau, anh đã thấy bệnh nhân chờ trước cửa trạm y tế để “mắng vốn”: “Bác sĩ chẩn đoán sai làm gia đình đêm hôm phải thuê xe đi gấp, tốn hết số tiền một tháng làm rẫy kiếm được. Tôi chỉ bị đau bụng tháng thôi”.

BS. Hồ Văn Hoài nhận danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”.

BS. Hồ Văn Hoài nhận danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”.

Nghe bệnh nhân mắng mà buồn. Dù nhiệt tình với công việc, nhưng lúc đó, với trình độ chuyên môn của một y sĩ mới ra trường còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm, việc chẩn đoán sai bệnh đã khiến anh áy náy mãi. Anh ước ao giá như tay nghề của mình vững hơn, trạm y tế có thêm phương tiện máy móc hỗ trợ và nhất là có được một bác sĩ thì tốt biết mấy. Nghĩ mãi, cuối cùng anh chọn giải pháp học để nâng cao tay nghề và học để... “trả nợ” bà con. Suốt mấy năm trời, từ một y sĩ, anh miệt mài vừa làm vừa luyện và anh đã thi đậu vào Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh năm 1994, sau đó anh tiếp tục theo học chuyên khoa 1 và tham gia nhiều lớp đào tạo ngắn hạn ở TP. Hồ Chí Minh và các bệnh viện lớn trong tỉnh... Từ đó, chất lượng khám và điều trị bệnh của anh ngày càng được nâng lên, bệnh nhân tin tưởng và đến với trạm y tế ngày một đông hơn, số ca chuyển viện cũng giảm đi đáng kể.

BS. Hồ Văn Hoài kể, khi mới về vùng rừng thiêng nước độc này, đối mặt với những khó khăn, vợ chồng anh đều nản lòng. Nhưng được sự động viên của vợ - cũng là một nữ hộ sinh công tác cùng trạm y tế, anh đã yên tâm cắm dùi. Khó khăn về năng lực chuyên môn là một chuyện, mà ngay cả việc xây dựng các mối quan hệ với địa phương, với bà con cũng chẳng dễ dàng gì. Người dân nơi đây phần lớn là người dân tộc quen với nếp sống và những tập tục bản địa lạc hậu, mông muội nên việc tuyên truyền, vận động người dân phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe đúng cách, không chữa bệnh bằng tà ma... trở thành thách thức đối với người ngành y.

Thế nhưng, với tâm nguyện của một thầy thuốc, anh đã nhờ người có uy tín như già làng, trưởng bản, trưởng ấp để làm quen và gần gũi hơn với bà con. BS. Hoài nhớ lại: “Ngày ấy, Phú Lý là vùng trọng điểm của bệnh sốt rét. Bà con hiểu chưa đúng về nguyên nhân gây bệnh. Những cái chết do sốt rét ngày càng nhiều, trong khi việc chẩn đoán căn bệnh này rất dễ nhầm lẫn với những bệnh khác. Biết bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mà không cứu được là nỗi đau lớn của người thầy thuốc...”. Để chặn đứng dịch sốt rét, những năm 1993-1995, BS. Hồ Văn Hoài đã cùng những cộng sự âm thầm tiến hành điều tra, khảo sát địa bàn để quản lý, giám sát dịch bệnh. Từ đây, việc phòng chống dịch bệnh đã bắt đầu có chuyển biến. Sau 3 năm, số người mắc bệnh sốt rét giảm mạnh và gần như không còn người tử vong.

35 năm gắn bó với bà con xã Phú Lý, BS. Hoài nói rằng, anh đã thân thuộc và yêu quý nơi này đến nỗi không dám đánh đổi để đến một vùng đất khác đỡ khó khăn hơn và con cái có điều kiện học hành, phát triển tốt hơn. Dường như anh đã quá quen với tiếng gọi cửa lúc nửa đêm của những bệnh nhân vùng quê này. Anh sẽ không đành đoạn bỏ những người bệnh mà niềm tin của họ vào anh còn hơn cả vào Giàng...

Phòng bệnh bằng... internet

Làm hết tinh thần trách nhiệm trong chức năng người “thầy thuốc như mẹ hiền”, BS. Hoài còn mong muốn làm sao để người dân ngày càng tiếp cận nhiều hơn với thông tin y học để cùng phòng chống dịch bệnh, tự bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.

Trở lại 20 năm trước khi internet còn khá xa lạ với người dân, lại càng lạ lẫm hơn với đồng bào dân tộc nơi vùng sâu vùng xa này, anh muốn lắp đặt internet tại trạm để cập nhật thông tin y tế của ngành. Tất nhiên, trạm không có chi phí, anh về “mượn vợ” số tiền mừng dành dụm được sau ngày cưới để kéo đường truyền internet về trạm. Sau này, khi chương trình đưa thông tin khoa học - kỹ thuật về nông thôn do tỉnh triển khai, điểm này lại được đặt tại trạm y tế, anh mới thôi làm phiền vợ về số tiền hàng tháng phải trả thuê bao internet. Mất tiền, bị vợ cằn nhằn nhưng cái được của anh là niềm vui khi thấy hàng ngày từ ít rồi nhiều người dân đến tìm hiểu thông tin về sức khỏe, chăn nuôi, trồng trọt...

Ở vùng quê nghèo khó này, đường đi lại xa xôi, hiểm trở, khi có người phải cấp cứu thật khổ, vì thế công tác phòng bệnh phải được tăng cường. Nghĩ và làm, với chút ít kinh nghiệm công nghệ thông tin, anh đã tự lập một website riêng cho Trạm y tế xã Phú Lý. Đây là trạm y tế xã đầu tiên của Đồng Nai có website riêng nhằm đưa thông tin y tế gần hơn, nhanh hơn và nhiều hơn đến với người dân.

Dù là trang web của một trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa nhưng giao diện website BS. Hoài lập khá đẹp với thông tin, hình ảnh phong phú. Chúng tôi clik xem thử, website cập nhật khá đầy đủ thông tin về các dịch bệnh đang bùng phát, kiến thức phổ thông y học và cách tự phòng bệnh; các thông báo của trạm về lịch tiêm chủng, triển khai các chương trình, dịch vụ mới trong khám và điều trị bệnh. Ngoài ra, còn có đường dây nóng để người dân có thể tư vấn và được giải đáp trực tiếp các thắc mắc liên quan đến bệnh tật; có đường link kết nối với các website của Bộ Y tế, Sở Y tế và Trung tâm y tế huyện...

Chúng tôi ghé nhà chị Văn Thị Liên ở ấp 2, thấy chị vừa bế con 9 tháng tuổi, vừa cầm chuột vi tính. Bàn tay thô ráp của người phụ nữ quanh năm suốt tháng làm rẫy rà con chuột máy tính một cách khó khăn. Nhưng cuối cùng chị cũng vào được website của trạm để đọc thông tin về lịch tiêm chủng. Chị Liên nói: “Thằng nhỏ có ở nhà thì mở máy nhanh lắm. Không có nó, tui mò lâu hơn nhưng cũng vào được vì đã vào trang “goét” này mấy lần rồi. Đọc để biết ngày mấy sẽ tới lượt ấp mình tiêm chủng”...

8 năm ra mắt, trung bình mỗi ngày có khoảng 300-500 lượt truy cập vào trang web của trạm để đọc thông tin liên quan đến y tế.  “Mình muốn tận dụng mạng internet tỉnh kéo về cho xã để “lôi” người dân vào cuộc. Việc truyền thông này đơn giản, ít tốn kinh phí, thời gian nhưng hiệu quả khá cao”, BS. Hoài nói. Vì thế, từ ngày có trang web này, công tác phòng bệnh trong dân cũng hiệu quả hơn khi số người bệnh giảm đi. 3 năm sau đó, anh đã cùng cộng sự xây dựng được phần mềm quản lý sức khỏe của nhân dân địa phương. Với mã số riêng, người dân có thể xem các thông tin liên quan đến bệnh tật của mình, nhóm máu, tiền sử bệnh của gia đình, từng điều trị những bệnh gì, ở đâu... một cách đầy đủ và chi tiết, giống như hồ sơ bệnh án điện tử bây giờ. Với sự sáng tạo này, BS. Hoài đã được Chủ tịch UBND tỉnh khen ngợi vì đã làm những việc... đi trước thiên hạ cả chục năm.

Chống suy dinh dưỡng bằng... rau

Công tác dự phòng và khám chữa bệnh ở trạm y tế vốn rất bận rộn, nhưng chuyện BS. Hoài lập “dự án” trồng chùm ngây và nuôi tảo xoắn Spirulina để cung cấp miễn phí cho trẻ em suy dinh dưỡng và người già nghèo trong xã được nhiều người cho là... “khùng” - bởi chẳng ai rỗi công, bỏ tiền, bỏ sức để làm cho người khác hưởng.

Ngót 35 gắn bó nơi vùng quê nghèo với phần lớn dân là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống khó khăn của các hộ dân khiến trẻ em thiệt thòi. Với 14% số trẻ em trong xã bị suy dinh dưỡng và thấp còi, cùng hơn 60% số trẻ thiếu các vi chất cần thiết khiến BS. Hoài trăn trở. Dù là bác sĩ, công việc chính của anh là chữa bệnh, nhưng mỗi khi thấy trẻ được cha mẹ đưa đến khám những bệnh mà anh biết chính xác nguyên nhân là do suy dinh dưỡng mà ra - BS. Hoài lại chạnh lòng. Ý tưởng làm một điều gì đó cho những trẻ em còi cọc này đã lóe lên trong trái tim ông bác sĩ “làng”.

Năm 2011, anh được BS. Phạm Văn Long, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai tặng 200 hạt giống cây chùm ngây - một loại cây thuốc có giá trị dinh dưỡng cao cũng như tác dụng chữa được nhiều thứ bệnh, đã như một “cú huých” giúp BS. Hoài thực hiện được ước mơ của mình.

Dù vùng đất Phú Lý khá màu mỡ, nhưng 200 hạt giống đầu tiên chỉ sống được 5 cây. Kiên trì chăm sóc, sau hơn một năm vườn ươm của anh đã có khoảng 1.500 cây giống. Mảnh vườn của gia đình rộng 5 hecta đã bắt đầu chật chội với những luống chùm ngây mọc khỏe, xanh mát mắt bắt đầu cho thu hoạch. Dù giá thị trường lúc ấy, chùm ngây được bán đến hơn trăm ngàn đồng 1kg, nhưng mỗi tuần, anh lại cắt đem phát cho những hộ dân nghèo có trẻ suy dinh dưỡng trong xã.

Đi cùng BS. Hoài và đứa con gái nhỏ của anh đem rau chùm ngây cho nhà chị K’Châu có 3 đứa con đều suy dinh dưỡng. Chị K’Châu cho biết: “Nhà nghèo không có nhiều cá, thịt cho mấy đứa nhỏ ăn nên chúng suy dinh dưỡng độ 3. Từ ngày được BS. Hoài cho rau chùm ngây, tôi thấy các cháu  bớt xanh xao, ăn ngon, ngủ khỏe và nhất là không bị tiêu chảy”.

Nhìn những luống chùm ngây xanh mơn mởn với hy vọng loại rau này sẽ giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em ở xã nghèo Phú Lý, song ít ai biết, ngoài sự giúp đỡ về hạt giống của BS. Long, còn có một người đã “truyền” cho BS. Hoài nhiệt huyết để vượt qua những khó khăn ban đầu, người đó là sơ Christine Vũ Thị Thảo - một nữ tu người Pháp gốc Việt chuyên hoạt động từ thiện tại nhiều nước nghèo trên thế giới, lúc đó bà đang phép nghỉ tại Việt Nam. Với 50 triệu đồng hỗ trợ ban đầu của sơ Thảo, anh đã xây dựng và phát triển diện tích trồng chùm ngây ra rộng hơn, để có lượng rau nhiều hơn với mục đích, không chỉ cung cấp thực phẩm bổ dưỡng cho trẻ em suy dinh dưỡng trong xã mà còn cho trẻ em những xã nghèo lân cận nữa. Thấy được tâm nguyện tốt đẹp của BS. Hoài, Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu cũng giao thêm cho anh 1,2 hecta đất để trồng cây thuốc, trong đó có chùm ngây để mở rộng phạm vi phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em trong huyện.

BS. Hoài tâm sự: “Thực ra, ý tưởng ban đầu của mình rất nhỏ thôi, chỉ trồng đủ để cung cấp cho những hộ nghèo trong ấp, trong xã nhằm cải thiện dinh dưỡng cho một số trẻ em nghèo. Nhưng càng đi sâu, với sự động viên của BS. Long, sơ Thảo, mình thấy cần phải mở rộng vùng nguyên liệu để có lượng rau lớn hơn, để cấp phát được cho nhiều người hơn và nhất là có thể phát triển thành vùng nguyên liệu lớn để ai cũng có cơ hội dùng”. Vì thế, ngoài 1,2 hecta đất Trung tâm giao, 5 hecta m2 đất của gia đình, BS. Hoài còn hợp tác với bạn bè phát triển thêm 3 hecta chùm ngây nữa.

Sau 2 năm nghiên cứu thử nghiệm loại tảo xoắn chống suy dinh dưỡng cho trẻ em đã được nuôi thành công.

Sau 2 năm nghiên cứu thử nghiệm loại tảo xoắn chống suy dinh dưỡng cho trẻ em đã được nuôi thành công.

“Thực phẩm xanh” cho người nghèo

Công việc của BS. Hoài ở Trạm y tế xã vốn bận rộn, anh còn “bật mí”: Ngoài chùm ngây, anh và một người bạn vừa nuôi thành công tảo xoắn Spirulina - một loại tảo biển của Nhật Bản cũng có giá trị phòng bệnh và dinh dưỡng rất cao, cũng nhằm mục đích cung cấp thực phẩm dinh dưỡng, bổ ích cho người nghèo. Anh tâm sự: “Người hỗ trợ kinh tế, chia sẻ và truyền đạt kinh nghiệm nuôi tảo quý báu này cũng vẫn là sơ Thảo. Bằng thực tế những dự án dinh dưỡng cho người nghèo ở các nước kém phát triển mà bà đã trải qua, sơ Thảo động viên tôi nên làm giúp người nghèo, trước hết ở đất Phú Lý  được hưởng thụ nguồn thực phẩm dinh dưỡng cao, nhưng mua với giá thành thấp. Chứ tảo Spirulina nhập khẩu bây giờ rất đắt, đến 3-4 triệu đồng/kg, người nghèo sao với tới”.

Thấy sơ Thảo tâm huyết, bản thân anh cũng muốn làm vì người nghèo, BS. Hoài lại tiếp tục “xin” tiền tiết kiệm của vợ và cùng người bạn triển khai nuôi tảo. BS. Hoài chia sẻ: “Những lần nuôi đầu, thất bại liên tục khiến hai anh em muốn từ bỏ ước mơ, vì tảo xoắn rất khó nuôi do đòi hỏi môi trường nước độ sạch rất cao. Thấy tôi nản chí, sơ Thảo lại động viên, cung cấp thêm tảo giống và hướng dẫn kỹ thuật chi tiết hơn. Mày mò thử nghiệm suốt gần hai năm, đến nay mới dám nói đã nuôi thành công loại tảo xoắn này”. Hiện nay, lượng tảo xoắn thu hoạch chưa nhiều nên cũng mới chỉ chia sẻ cho ít người...

Từ 2 hồ nuôi ban đầu rộng 100m2, đến nay BS. Hoài và anh bạn đang cho xây dựng thêm 30 hồ nuôi tảo cùng máy móc, thiết bị được đầu tư với tổng kinh phí ban đầu hơn 5 tỷ đồng. Những nỗ lực của BS. Hoài và người bạn cũng chỉ nhằm thực hiện ước mơ: trước là để có nguồn thực phẩm dinh dưỡng phục vụ dân nghèo, sau là tạo hướng canh tác mới cho bà con địa phương, sau nữa mới nghĩ đến quyền lợi bản thân.

Phòng chống sốt xuất  huyết bằng... dơi

Xã Phú lý chủ yếu là rừng, đây cũng là địa bàn từng là trọng điểm về căn bệnh sốt rét và sốt xuất huyết. Là người làm công tác y tế dự phòng ở tuyến đầu, BS. Hồ Văn Hoài luôn coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm.

Anh tâm sự, trong cộng đồng những loại bệnh do muỗi truyền ngày càng phổ biến và khó kiểm soát như: sốt xuất huyết, sốt rét, Zika, viêm não Nhật bản, bệnh sốt vàng da, giun chỉ - phù chân voi... Trong khi đó, chi phí để diệt muỗi, diệt lăng quăng là rất tốn kém, lại gây độc hại, ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe nhân viên dự phòng mỗi khi đi phun xịt hóa chất... Đến nay, xã Phú Lý đã có hàng trăm chuồng nuôi với hàng ngàn con dơi. BS. Hoài phấn khích: “Một con dơi có thể bắt được 5.000 con muỗi trong một đêm cũng như các loại côn trùng trung gian truyền bệnh khác, chúng tôi không phải tốn chi phí, công sức, ảnh hưởng khi tiếp xúc với hóa chất độc hại mà lại rất thân thiện với môi trường”.

Quả thực, hiệu quả của việc nuôi dơi diệt muỗi đã cải thiện đáng kể dịch bệnh sốt xuất huyết cũng như sốt rét ở xã Phú Lý, kể cả một số xã lân cận với Phú Lý. Số ca bệnh sốt xuất huyết năm đầu tiên nuôi dơi đã giảm được 30%, sang năm thứ hai và thứ ba giảm được đến 60% và đặc biệt là không còn ca sốt rét ác tính nào nữa.

Nuôi dơi diệt trừ muỗi là biện pháp sinh học, không dùng hóa chất, không tốn công và chi phí phun tẩm thuốc và cũng là biện pháp “bao vây khoanh vùng” dập dịch rất tốt. Vui với những thành công từ những việc làm nhỏ bé nhưng hiệu quả rất thực tế trong công tác phòng bệnh này, BS. Hoài cho biết hiện anh đang tiếp tục thu thập, giám sát, theo dõi các chỉ số bọ gậy, muỗi và tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm tại địa phương để có kết luận khoa học về sáng kiến này. Nếu khả quan, sẽ đề nghị ngành y tế cho nhân rộng hoặc ít nhất triển khai mô hình ở những địa bàn rừng núi - nơi có tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền do muỗi ở mức cao.


Nguyễn Phương Liễu
Ý kiến của bạn