Hà Nội

Những trải nghiệm chỉ học Y mới hiểu

22-12-2024 09:30 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Những lần trực đêm, hành lang bệnh viện trở nên vắng lặng, chỉ còn lại ánh đèn mờ. Mình và các bác sĩ cùng làm việc, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống và nghề nghiệp. Những câu chuyện ấy không chỉ giúp mình hiểu thêm về áp lực và trách nhiệm của nghề y mà còn làm cho mình thấy yêu nghề hơn.

Những hành lang bệnh viện dài và đầy áp lực, nhưng cũng là nơi mình học được rất nhiều điều quý giá từ các bác sĩ, những người thầy tận tụy. Từng ngày, từng giờ, họ chỉ bảo và hướng dẫn mình với tất cả tâm huyết và kinh nghiệm. Mình học được từ họ không chỉ là kiến thức y học, mà còn là cách đối diện với những tình huống khó khăn, cách an ủi và đồng cảm với bệnh nhân.

Nhiều lần, mình phải chứng kiến cảnh bệnh nhân đau đớn vì bệnh tật, và đó là lúc mình hiểu rằng sự hiện diện của mình, dù chỉ là một sinh viên y khoa, cũng có thể mang lại hy vọng và sự an tâm cho họ. Những lời động viên, những cái nắm tay ấm áp, dù nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa vô cùng.

Ngày ngày tiếp xúc với bệnh nhân, với mùi thuốc, cồn và máu, tụi mình đã chai sạn hơn nhiều. Nhưng cảm xúc mới mẻ của những ngày đầu Lâm sàng có lẽ không bao giờ mình có thể quên được. Và có lẽ, những trải nghiệm trong bệnh viện chỉ có ai học y mới thấu hiểu.

Sáu kỳ đi bệnh viện, số người mình gặp còn nhiều hơn cả cuộc đời trước đó cộng lại. Chứng kiến nhiều cảnh người, cảnh đời, Huế càng nhỏ và buồn tênh.

Bà cụ 80 tuổi, cả đời vất vả chưa thoát khỏi nghèo khổ, ngứa lâu ngày tự dùng mảnh chai bẩn chích lễ, bệnh viện chẩn đoán viêm khớp ức đòn, biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm khớp thái dương hàm, viêm màng não. Bà không nói được, không ăn được vì đau. Hình ảnh bà cố gắng há miệng cắn miếng bánh mì nguội ngắt, rồi ôm chặt đầu khóc không thành tiếng còn tiếp tục ám ảnh tụi mình về sau. Mỗi tối lên cơn bà chỉ biết lăn lộn, cho bao nhiêu paracetamol và thuốc an thần vẫn không đỡ. Ông cụ chân tay run rẩy, đứng một bên chẳng biết phải làm gì cho phải...

Rất lâu sau này mình mới nhận mới nhận ra, có những việc vĩnh viễn sẽ phải làm một mình. Ví dụ chiến đấu với nỗi đau là một ví dụ.

Cô bé lớp bảy từ Quảng Nam ra nằm viện, viêm cầu thận lupus, phù toàn thân, khuôn mặt tròn vành vạnh, mắt híp lại, tóc rụng còn lưa thưa, hai má nổi ban đỏ. Vẫn mang trong mình khát khao kiến thức, ngày ngày ôn toán, ôn văn, lấy đề nâng cao ra làm khó tụi sinh viên to đầu. Đôi mắt trong veo của bé nay lại đầy những băn khoăn: em uống thuốc đều đặn ngày mấy chục viên mà mấy tháng rồi chưa hết phù, bệnh em khó chữa khỏi lắm hả, em có còn đi học được nữa không... Chẳng đứa nào dám nhìn thẳng vào đôi mắt đó, đây không phải là những câu hỏi khó nhất, nhưng thực sự là quá khó để trả lời.

Bỗng dưng mình suy nghĩ, phải chăng cuộc đời này là quá bất công, khi những con người lành lặn phải tự hủy hoại mình bằng những hơi men và thuốc phiện, những cung đường tốc độ cao để thỏa mãn cơn say, rồi vào viện đòi hỏi được chăm sóc. Còn những người đang khao khát được sống thì lại vĩnh viễn giam tuổi xuân của mình trong thuốc men và bệnh tật...

Cô gái 24 tuổi còn nằm trong lòng mẹ, chân tay dị dạng, co quắp, vào viện vì viêm phổi tái diễn. Ở vùng xa, kinh tế lại khó khăn, khi cô ấy 5 tuổi bị viêm não nhưng vì mẹ lúc đó chỉ miệt mài kiếm ăn từng bữa nên bị phát hiện muộn. Khi phát hiện ra, người thì cứu được nhưng di chứng để lại là bại não, động kinh. Cô ấy 24 tuổi vẫn đang tồn tại với ý thức về cuộc đời dừng lại ở năm lên 5 tuổi, còn người mẹ ấy thì bao năm nay sống với nỗi giày vo chưa nguôi.

Cặp vợ chồng chưa đầy 30, yêu nhau, chờ nhau cả chục năm mới cưới, anh sắp được thăng chức. Rồi chị nằm viện, bệnh viện chẩn đoán K màng bụng di căn, cho về. Ngày về, chị vui lắm, niềm vui ánh lên cả khóe mắt, bảo chị uống thuốc lành rồi sẽ sinh cho anh một gái một trai. Tụi mình cười ngậm ngùi, anh quay mặt đi, mắt hoe hoe đỏ. Sau này mình có đọc được một câu, đại ý rằng cuộc đời mỗi con người là một chuyến đi, có những chuyến đi gập ghềnh đầy nuối tiếc, đầy những dự định dang dở, nhưng cuộc đời đó ngắn hay dài ta không phải là người quyết định.

Những tối cuối tuần, cảm thấy nhàm chán và buồn bã, mình lại lên viện. Bệnh nhân xuất huyết não đang ổn định, nửa đêm đột ngột tái phát, hôn mê, cả bệnh viện nháo nhào cấp cứu, 2 đứa bạn mình bóp bóng, thở giùm từng nhịp thở cho bệnh nhân trong lúc chuyển Hồi sức. Mới thấy giữa sự sống và cái chết thật ra gần lắm. Và nếu muốn làm điều gì, cho ai đừng chờ đợi. Ai biết ngày mai sẽ có những chuyện gì?

Nhiều lần, mình thấy cực kỳ ghét mùi bệnh viện, mệt mỏi vì sinh viên đông, bệnh nhân khó tính, ghét những hôm trực trắng đêm làm bệnh án giao ban. Nhưng rồi, trời vẫn đẹp, cây vẫn xanh, nắng vẫn vàng ươm khắp nẻo về. Có nghĩa là cuộc sống của chúng ta vẫn thế, vẫn bận bịu và vô tâm. Nhưng dù sao thì mình vẫn luôn biết ơn những người thầy đầu tiên - thầm lặng dạy mình từ những điều đau đớn nhất.

Những bước chân đầu tiên vào hành lang bệnh viện, mình không thể ngờ rằng mình lại sớm trở thành một phần của nơi này. Và dù rất ghét cái 'mùi' bệnh viện nhưng là sinh viên y khoa, nhiệm vụ của mình không chỉ gói gọn trong những trang sách lý thuyết mà còn là những giờ thực hành trên hành lang bệnh viện - nơi mình tiếp xúc với thực tế nghề y một cách chân thực nhất.

Bài viết thể hiện quan điểm và trải nghiệm riêng của tác giả!


Bác sĩ Đoàn Ngọc Hiếu
Ý kiến của bạn