Mới đây, các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng đã phẫu thuật thành công cứu sống bệnh nhân tên N (46 tuổi) bị vết thương xuyên thấu bụng, đùi do hỏa khí gây tổn thương phức tạp gan.
Thời điểm vào viện, người bệnh mang vết thương vùng khoang liên sườn VIII cạnh xương ức bên trái khoảng 1cm và vết thương đùi trái kích thước 1cm. Qua khai thác thông tin, bệnh nhân bị bắn vào người. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đa chấn thương gồm: vết thương thấu ngực, bụng, vết thương đùi trái do hỏa khí. Trước tình thế khẩn cấp, kíp trực Ngoại chỉ định mổ cấp cứu xử trí tổn thương cho người bệnh.
Bác sĩ CKII Nguyễn Việt Dũng-Trưởng Khoa Phẫu thuật kỹ thuật cao theo yêu cầu, trưởng kíp trực thông tin cho biết, khi mở bụng bệnh nhân thám sát toàn diện, kíp mổ phát hiện dị vật hỏa khí đi vào chân cơ hoành, xuyên thấu gan ở mặt trước và mặt dưới phân thùy III đi sát tam giác mật, tụ máu vùng cuống gan. Đây là vùng đặc biệt nguy hiểm vì chứa đường mật và các mạch máu lớn nguy cơ gây chảy máu dữ dội ngập máu ổ bụng có thể khiến người bệnh tử vong tức khắc, rò mật vào ổ bụng.
Sau đó, các bác sĩ đã phẫu thuật cầm máu vết thương gan, bảo tồn nguyên vẹn các thành phần của gan, khâu lại vết thương chân cơ hoành; đồng thời lấy bỏ dị vật hoả khí nằm ở vị trí tam giác mật và trong phần mềm vùng đùi trái. Sau mổ, người bệnh đã được hồi sức tích cực và điều trị hậu phẫu tại Khoa Phẫu thuật kỹ thuật cao theo yêu cầu.
Hiện tình trạng sức khỏe người bệnh đã ổn định và được xuất viện về nhà.
Theo BSCKII Nguyễn Việt Dũng, các tổn thương dạng hỏa khí thường ít gặp trong điều kiện thời bình. Đây là loại tổn thương do tác nhân vũ khí nổ có vận tốc lớn gây ra, vết thương rất đa dạng, phức tạp, có thể kết hợp thương tổn nhiều bộ phận cơ quan cùng một lúc và dễ nhiễm khuẩn bởi tính chất ô nhiễm lớn, dập nát mô tế bào.
Đối với vết thương do hỏa khí thì tổn thương nặng, do đó khó tiên đoán được mức độ tổn thương khi bị xuyên thấu và hình thái thương tổn của vết thương do hỏa khí rất phức tạp. Khi xuyên thấu vào trong ổ bụng có thể bị dồn ép ra xa vết thương, dịch và hơi các tạng rỗng đột ngột bị nén, bị giãn rộng nên tạng có thể bị vỡ, rách tuy không bị đạn chạm trực tiếp vào…
Do đó, khi nghi ngờ bị vết thương do hỏa khí, người bệnh cần được sơ cứu kịp thời, băng ép vết thương cẩn thận bằng gạc sạch và nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa để được xử trí. Mọi người không cố lấy viên đạn ra dù miệng vết thương nhỏ và không thể dựa vào vết thương bề mặt để đánh giá những tổn thương. Mức độ phức tạp của tổn thương phụ thuộc vào đường di chuyển của viên đạn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thương Tâm: Cha Ruột Lái Xe Ôtô Đi Làm Về, Vô Tình Tông Trúng Con Gái 2 Tuổi Tử Vong | SKĐS