Bác sĩ hai bệnh viện ở TPHCM phối hợp cứu sống sản phụ suy tim, tăng áp phổi nặng

08-11-2023 09:42 | Y tế
google news

SKĐS - Ca mổ được cho là cân não bởi sản phụ có thể đối diện với nguy cơ bất ngờ lên cơn suy tim cấp và đột tử, các bác sĩ của hai bệnh viện đã phải chuẩn bị chu đáo mọi phương án xử trí.

Sáng 8/11, thông tin từ Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với Viện tim Tâm Đức thực hiện ca mổ khẩn để kịp cứu sống cả mẹ lẫn con sản phụ mang thai 31 tuần, mắc bệnh tim mạch.

Theo đó, chị N.T.D., 33 tuổi, ngụ tại Cái Bè (Tiền Giang) có tiền sử hở van 3 lá 4/4 và tăng áp động mạch phổi cách đây 4 năm. Người bệnh được bác sĩ xếp vào nhóm sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm khi mang thai nhưng do có thai ngoài ý muốn và lại quá mong con nên chị D. quyết định giữ thai. Thai phụ khám thai tại phòng khám tư.

Giữa tháng 10/2023, chị D. thấy mệt, khó thở tăng dần kèm ho khan nhiều, đi tái khám tại Viện tim Tâm Đức ghi nhận tình trạng suy tim tăng cần theo dõi sát thai kỳ và lâm sàng. Bệnh nhân sau đó tiếp tục ở nhà, thấy mệt và khó thở tăng dần, phải ngồi, không ngủ được.

Ngày 23/10, chị D. đến khám lại tại Viện tim Tâm Đức và được siêu âm tim với kết quả hở van 3 lá nặng mức độ 4/4, tăng áp lực động mạch phổi nặng, giãn buồng tim phải, suy tim mức độ 4, được chẩn đoán tình trạng suy tim tăng, có chỉ định mổ sinh khi tình trạng bệnh nặng hơn.

Bác sĩ hai bệnh viện ở TPHCM phối hợp cứu sống sản phụ suy tim, tăng áp phổi nặng - Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương và Viện tim Tâm Đức phối hợp mổ bắt con cho sản phụ.

Bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Hùng Vương lúc 18g20, ngày 26/10 với chẩn đoán: Con đầu, thai 31 tuần, ngôi đầu, chưa chuyển dạ. Sản phụ hở van 3 lá nặng, tăng áp động mạch phổi nặng.

Sau khi nhập viện tại Bệnh viện Hùng Vương, bệnh nhân được theo dõi sức khỏe thai, siêu âm ước lượng cân thai khoảng 1600-1700 gram và tiêm hỗ trợ phổi, truyền thuốc bảo vệ não thai nhi vì thai non tháng.

Nhận thấy sản phụ trong tình trạng khó thở, mức độ suy tim tăng dần, ngày 27/10, Ban chủ nhiệm khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương đã hội chẩn khẩn cấp với Viện tim Tâm Đức. Cuộc hội chẩn liên viện gồm có bác sĩ sản khoa, bác sĩ gây mê Bệnh viện Hùng Vương và bác sĩ chuyên khoa Tim mạch của Viện tim Tâm Đức.

Sau hội chẩn, BS.CKII Thái Minh Thiện - Phó giám đốc Hồi sức Cấp cứu, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nội tim mạch (Bệnh viện tim Tâm Đức) đánh giá, tình trạng bệnh nhân rất nặng cần mổ lấy thai cấp cứu và hồi sức tim mạch trước, trong và sau mổ liên hệ ê-kip hồi sức và ngoại khoa Bệnh viện Tim Tâm Đức chuẩn bị sẵn sàng mổ lấy thai ngay trong đêm.

Trước tình huống tim mạch của người mẹ nguy kịch, cần chấm dứt thai kỳ ngay dù thai còn non tháng, sản phụ cần sự hỗ trợ chuyên khoa tim mạch trong và sau khi mổ và em bé cần sự hỗ trợ hô hấp của bác sĩ Sơ sinh ngay khi ra đời, các bác sĩ của cả 2 bệnh viện thống nhất chuyển bệnh nhân qua Viện tim Tâm Đức để chấm dứt thai kỳ.

Đi cùng xe cấp cứu với thai phụ là ê-kíp Bệnh viện Hùng Vương gồm bác sĩ sản, bác sĩ nhi - sơ sinh và bác sĩ gây mê. Tại phòng mổ của Viện tim Tâm Đức, các bác sĩ Viện tim Tâm Đức và bác sĩ gây mê của Bệnh viện Hùng Vương cùng giúp ổn định tình trạng bệnh nhân trong khi bác sĩ sản tiến hành mổ sinh.

Ca mổ được cho là cân não bởi sản phụ có thể đối diện với nguy cơ bất ngờ lên cơn suy tim cấp và đột tử, chính vì thế bác sĩ của hai bệnh viện đã phải chuẩn bị chu đáo mọi phương án xử trí trước mổ và tập trung cao độ để giữ huyết áp của bệnh nhân ổn định trong thời gian phẫu thuật. May mắn, mọi thứ diễn thuận lợi.

Bác sĩ hai bệnh viện ở TPHCM phối hợp cứu sống sản phụ suy tim, tăng áp phổi nặng - Ảnh 2.

Sau 10 ngày phẫu thuật, sức khỏe của con gái sản phụ đã ổn định.

Bé gái chào đời nặng 1.700 gram. Ngay sau khi rời cơ thể mẹ đã được các bác sĩ nhi, Bệnh viện Hùng Vương hỗ trợ hô hấp tại phòng mổ của Viện tim Tâm Đức trước khi đưa về khoa Sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương áp dụng chế độ chăm sóc dành cho trẻ chào đời non tháng.

Sau 10 ngày phẫu thuật và theo dõi, tình trạng sức khỏe của em bé đã ổn định. Riêng người mẹ sau khi được chăm sóc và theo dõi diễn tiến suy tim cấp tại Viện tim Tâm Đức, đến sáng 7/11 cũng đã được xuất viện.

Theo các bác sĩ, bệnh lý tăng áp phổi là tình trạng tăng bất thường áp lực động mạch phổi. Nếu không được điều trị, tăng áp phổi vô căn có thể dẫn đến tử vong. Có 3 mức độ tăng áp động mạch phổi: Tăng áp lực động mạch phổi nhẹ khi áp lực động mạch phổi tâm thu từ 25 tới 45 mmHg; Tăng áp lực động mạch phổi trung bình khi áp lực động mạch phổi tâm thu từ 46 tới 65 mmHg; Tăng áp lực động mạch phổi nặng khi áp lực động mạch phổi tâm thu > 65 mmHg.

BSCKII Nguyễn Thị Anh Phương - Phó khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương cho biết, tăng áp phổi trên phụ nữ mang thai nên được theo dõi và điều trị tại các trung tâm chuyên khoa có đội ngũ chuyên gia sản khoa, tăng áp phổi và bệnh tim mạch. Bệnh lý tăng áp phổi có thể trở nặng trong thai kỳ.

  1. Nguy cơ của mẹ: Tử vong khi tăng áp phổi nặng, nhập viện trễ hoặc khi gây mê toàn thân.
  2. Nguy cơ của thai và sơ sinh (0-30%): Non tháng do phải can thiệp chấm dứt thai kỳ sớm, suy thai, thai lưu.

Trong trường hợp này, áp lực động mạch phổi tăng rất cao (130mmHg) nên sản phụ có thể tử vong đột ngột bất cứ lúc nào. Nếu trường hợp nhập viện muộn có thể tử vong cả mẹ và thai.

Còn theo BS.CKI Lê Thị Huyền Trang - Phó khoa Hồi sức Tim mạch, Viện tim Tâm Đức, rất hiếm có trường hợp như sản phụ nêu trên, bởi thông thường, các phụ nữ mắc bệnh lý tương tự luôn được bác sĩ khuyến cáo không nên mang thai.

"Sẽ rất nguy hiểm bởi thứ nhất, thuốc điều trị bệnh lý tim mạch sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Kế đến nguy cơ đột tử của mẹ trong quá trình mang thai rất cao", bác sĩ Trang nói.

Cứu thành công sản phụ mắc bệnh tim 20 năm không chữa, mang thai đến 3 lầnCứu thành công sản phụ mắc bệnh tim 20 năm không chữa, mang thai đến 3 lần

SKĐS - 3 chuyên khoa Sản, Tim mạch, Gây mê hồi sức, của BV E đã cứu sống sản phụ có bệnh lý tim mạch hiếm gặp, điều đặc biệt bà mẹ này chưa từng chữa bệnh tim và mang thai lần 3.


Kim Vân
Ý kiến của bạn