“Cái gì không biết thì... tra google”
Là một người dùng Internet, chắc chắn bạn sẽ không còn xa lạ gì với Google. Có thể nói Google đã xuất hiện và len lỏi vào trong cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Từ trình duyệt web, nền tảng phát video trực tuyến, thiết bị di động, thế nhưng nơi người ta biết đến Google nhiều nhất chính là thông qua công cụ tìm kiếm. Thống kê năm 2019 cho thấy Google là sự lựa chọn hàng đầu hiện nay khi nói về công cụ tìm kiếm, 10 người sử dụng thiết bị di động thì có 9 người lựa chọn Google. Ở vị trí thứ 2 là nền tảng Baidu, với lượng người dùng đến từ Trung Quốc chiếm 9,31% tổng lượng truy cập từ người dùng thiết bị di động trên toàn cầu. Mỗi ngày trung bình Google xử lý khoảng 77,500 lượt tìm kiếm mỗi giây. Con số này tương đương khoảng 2,4 nghìn tỷ lượt tìm kiếm mỗi năm trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, chưa có những số liệu thống kê chính xác về việc sử dụng công cụ tìm kiếm Google của người dân, tuy nhiên dựa trên sự phổ biến của công cụ cũng như sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị di động thông minh đặc biệt là các thiết bị Android thật không khó để đánh giá mức độ phổ biến của công cụ này tại Việt Nam.
Theo chị N.T.H sống tại TP.HCM chia sẻ, chị thường xuyên tìm kiếm thông trên mạng Internet thông qua công cụ Google, các nội dung tìm kiếm của chị có thể từ đơn giản như hôm nay nấu món gì?. Mua đồ gì ở đâu?. Cho đến những thông tin quan trọng hơn như bệnh tật, dùng thuốc, dinh dưỡng… Việc tìm kiếm trên Google có thể mang đến cho chị những thông tin cần thiết, nhưng đôi khi có quá nhiều nguồn thông tin khác nhau gây nhiều khó khăn khi tham khảo và áp dụng.
Nguồn thông tin khổng lồ
Với sự phát triển nhanh chóng của hệ thông dữ liệu trên Internet, nguồn thông tin được cung cấp cho hệ thống tìm kiếm của Google gần như là vô tận. Trên hệ thống tìm kiếm của Google bạn có thể tìm kiếm hầu hết tất cả các thông tin trong hay ngoài nước; từ thời tiết hôm nay, thông tin thời sự cho đến những kiến thức chuyên ngành, những luận văn, luận án. Với lĩnh vực y tế, nếu biết cách sử dụng thông tin từ Google, người dùng dễ dàng tìm thấy và truy cập đến các trang thông tin cần thiết và hữu dụng.
Đơn giản có thể kể đến việc tìm hiểu về các loại thuốc đang được kê toa và sử dụng; chỉ bằng viêc nhập vào công cụ Google thông tin về loại thuốc như tên thuốc, tên biệt dược hoặc thậm chí là sử dụng hình ảnh về loại thuốc cần tìm kiếm thông tin thì người dùng sẽ tìm được một lượng lớn thông tin từ công dụng, liều dùng, tương tác thuốc, những lưu ý khi dùng thuốc cho đến thông tin như giá bán, địa điểm bán.
Ví dụ như trường hợp tìm kiếm thông tin về Paracetamol, một trong những loại thuốc thông dụng và được cho là an toàn nhất thì công cụ Google đã trả về hơn 22 triệu kết quả trong 0.33 giây với nhiều thông tin khác nhau như công dụng, liều dùng, cẩn trọng, các cảnh báo về tình trạng mất an toàn khi sử dụng thuốc cũng như các thông tin khoa học chuyên sâu như điều chế, bào chế, lịch sử của thuốc từ nhiều trang web khác nhau từ trong và ngoài nước. Trong đó có không ít các trang thông tin chính thống từ các cơ quan quản lý, báo chí, bệnh viện.
Với trường hợp tìm kiếm thông tin về một căn bệnh hay một tình trạng bất thường của cơ thể công cụ Google cũng cho nhiều kết quả khác nhau từ mức độ nguy hiểm của dấu hiệu, các căn bệnh có liên quan đến dấu hiệu bất thường, các chú ý… cho đến lời khuyên dùng thuốc, lời khuyên điều trị, các thông tin về phòng khám cũng như chi phí điều trị cần thiết.
Tiện nhưng nhiều nguy hại
Sự thuận tiện khi tra cứu các thông tin trên Google là điều không thể phủ nhận, nếu có bất cứ điều gì chúng ta muốn tìm hiểu thì chỉ cần vài cú nhấp chuột trên Google đã có ngay câu trả lời. Chính vì sự tiện lợi này mà không ít người còn sử dụng Google cho việc chẩn đoán các triệu chứng y tế. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến một chẩn đoán sai bởi vì rõ ràng, những người bình thường như chúng ta không phải là bác sĩ. Các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể phức tạp hơn rất nhiều mà những thông tin ta nhận được cũng như những “triệu chứng” mà ta nhận thấy. Đồng thời các thông tin trên mạng cho dù từ những trang uy tín nhất thì cũng không nên tự tiện áp dụng vì những thông tin đó có thể đúng cho trường hợp được nêu nhưng với đặc điểm bệnh lý, cá thể, vùng miền khác nhau thì những thông tin đó không hoàn toàn phù hợp.
Viện Tim mạch Quốc gia đã từng cấp cứu và đặt stent vội cho nữ bệnh nhân 61 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội bị hẹp động mạch vành, mà bệnh nhân không hề biết mình mang căn bệnh nguy hiểm này. Theo thông tin ghi nhận, nữ bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp đang điều trị. Bệnh nhân đang áp dụng chế độ ăn chay trên mạng, kéo dài 45 ngày, thuần túy ăn gạo lứt và muối vừng. Đến ngày thứ 41, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, đau ngực trái, sau giảm ý thức.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện tim mạch Quốc gia cho biết, bệnh nhân này là một trường hợp điển hình của việc tự tra Google chữa bệnh. Bệnh nhân mắc bệnh mạch vành và do không hiểu về bệnh lý, việc áp dụng chế độ ăn chay làm giảm điện giải trong máu, kích thích gây ngừng tim. Trường hợp bệnh nhân nói trên chỉ là một trong những trường hợp các bác sĩ Viện tim mạch Quốc gia đã phải cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm vì tự ý làm bác sĩ, theo kiểu tra “bác sĩ Google”, hoặc tự ý đổi đơn thuốc, điều chỉnh thuốc. Thậm chí, có người bệnh còn tự ý dùng các thuốc trôi nổi theo mách bảo, hay điều chỉnh ăn uống theo kiểu thực dưỡng.
Việc chủ động tìm kiếm thông tin về các vấn đề bệnh tật, dùng thuốc để nâng cao hiểu biết cho bản thân cũng như giúp ích cho việc theo dõi, tuân thủ, lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên các thông tin này chỉ nên dừng lại ở mức độ tham khảo thay vì tự chẩn đoán và sau đó là tự điều trị. Sức khỏe, tính mạng của mỗi con người là vô cùng quý giá, thay vì tin tưởng hoàn toàn vào các thông tin từ “bác sĩ mạng” nói chung hay “bác sĩ Google” nói riêng, chúng ta cần nên nhận được sự tư vấn và chỉnh định từ những bác sĩ có trình độ chuyên môn để đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như an toàn tính mạng, sức khỏe của bản thân mình.