Hà Nội

Bác sĩ 'giải cứu' bệnh nhân tâm thần phân liệt bị 'cấm túc' trong phòng do người thân chưa hiểu về bệnh

07-06-2024 15:12 | Y tế
google news

SKĐS - Theo TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền - Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, việc bệnh nhân tâm thần bị người nhà cố định, khóa kín cửa, chỉ cho ở trong phòng không phải là tình trạng hiếm gặp.

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền – Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, năm 2023 bác sĩ đã từng thăm khám và điều trị cho một bệnh nhân nữ (25 tuổi, ở Hải Dương) mắc bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn hành vi. Trước khi được đưa đến bệnh viện, bệnh nhân đã bị gia đình cố định trong phòng, khóa kín cửa không cho ra ngoài tới 3 tháng, khiến chân tay có biểu hiện bị teo, liệt.

Sau khi được giải thích và tư vấn, người nhà mới đưa nữ bệnh nhân đến Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai để điều trị.

Bác sĩ 'giải cứu' bệnh nhân tâm thần phân liệt bị 'cấm túc' trong phòng do người thân chưa hiểu về bệnh- Ảnh 1.

TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền – Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Quỳnh Mai.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt, phải nằm viện điều trị nội trú. Sau 1 tháng, bệnh nhân được ra viện khi tình trạng đã ổn định, tiếp tục điều trị ngoại trú tại nhà. Hiện, bệnh nhân đã trở lại sinh hoạt bình thường, tuy nhiên với căn bệnh tâm thần phân liệt, bệnh nhân vẫn phải duy trì dùng thuốc đều đặn hằng ngày.

Theo TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền, việc bệnh nhân tâm thần bị người nhà cố định, khóa kín cửa, chỉ cho ở trong phòng như trường hợp nêu trên không phải là tình trạng hiếm gặp. Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Huyền cho rằng, do nhiều người còn có nhận thức chưa đầy đủ về bệnh tâm thần, lo lắng người bệnh có thể gây ảnh hưởng đến những người xung quanh hay do kinh tế một số gia đình vẫn còn khó khăn…nên đã cách ly người bệnh.

Cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân chuyển bảo hiểm trong 1 năm

Cũng theo TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền, ở Việt Nam hiện đã có mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, từ tuyến xã, huyện, tỉnh. Các tỉnh đều có bệnh viện tâm thần, các huyện đều có trung tâm y tế dự phòng và đây là những nơi quản lý hồ sơ về các bệnh lý tâm thần mãn tính.

Ngoài ra, chương trình Sức khỏe tâm thần Quốc gia hiện cũng được phủ rộng trên khắp cả nước. Từ chương trình này, những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh cũng sẽ được quản lý. Bệnh nhân sẽ được phát thuốc đều đặn sau khi nộp hồ sơ bệnh án, giấy ra viện về các Trung tâm y tế quận, huyện hoặc Bệnh viện tâm thần tỉnh. Từ tuyến tỉnh, huyện, thuốc cũng sẽ được phân bổ về các tuyến xã, phường, thị trấn.

Còn riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, chương trình quản lý bệnh tâm thần mãn tính cũng đã được thực hiện từ lâu. Bệnh nhân chỉ cần chuyển bảo hiểm y tế 1 lần vào đầu năm thì sẽ được hưởng bảo hiểm y tế trong cả năm. Hàng tháng bệnh nhân sẽ đến bệnh viện Bạch Mai để thăm khám, sau đó sẽ được cấp thuốc miễn phí. Còn trong trường hợp không chuyển bảo hiểm thì bệnh nhân sẽ nộp giấy ra viện, hồ sơ bệnh án về các Trung tâm y tế địa phương để được quản lý, theo dõi.

Bác sĩ 'giải cứu' bệnh nhân tâm thần phân liệt bị 'cấm túc' trong phòng do người thân chưa hiểu về bệnh- Ảnh 2.

Bệnh nhân tâm thần cần được phát hiện sớm, thăm khám và điều trị kịp thời. Ảnh: Quỳnh Mai.

Người nhà phải làm gì khi gia đình có người mắc bệnh lý về tâm thần?

Cũng theo TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền, hiện chỉ có bác sĩ được đào tạo chuyên khoa tâm thần mới có quyền thăm khám, điều trị và kê đơn cho bệnh nhân. Còn với những người được trang bị những kiến thức về bệnh tâm thần nhưng không phải là bác sĩ chuyên khoa tâm thần thì chỉ được định hướng bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần hay không.

"Để được chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị thì bệnh nhân cần được khám bởi các bác sĩ chuyên khoa đã có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực tâm thần học, hoặc đến những cơ sở y tế như Bệnh viện tâm thần tỉnh. Y tế cấp xã, huyện gần như chưa có đội ngũ y bác sĩ thăm khám đối với những bệnh về tâm thần. Điều này cũng gây khó khăn hơn trong việc thăm khám và điều trị, nhất là đối với những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa, cách xa trung tâm tỉnh, gây khó khăn trong việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm…

Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể khắc phục bằng cách đến Bệnh viện tâm thần tỉnh hoặc y tế tuyến trên để thăm khám, điều trị, sau đó nộp hồ sơ bệnh án, giấy ra viện về tuyến cơ sở để hàng tháng sẽ được cấp thuốc. Việc bệnh nhân được cấp thuốc hằng tháng đều đặn là vô cùng quan trọng, vì đối với bệnh nhân tâm thần thường sẽ phải duy trì thuốc thời gian rất dài, gần như là cả đời", TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền cho hay.

TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền khuyến cáo, việc phát hiện bệnh tâm thần ở giai đoạn sớm là điều hết sức cần thiết. Giúp cho việc điều trị bệnh có hiệu quả hơn, cũng như tránh được những sự việc đau lòng có thể xảy ra đối với bản thân bệnh nhân và mọi người xung quanh.

"Cần xem xét xem bệnh nhân có tiền sử gia đình hay không. Quan sát thành viên trong gia đình thấy có những vấn đề về sức khỏe tâm thần như mất ngủ hay hành vi khác thường thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần để thăm khám và điều trị. Đặc biệt không cúng bái hay làm những việc mê tín dị đoan, khiến bệnh tình ngày càng trở nên tồi tệ hơn", TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền khuyến cáo.

Theo phân loại bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới, chuyên khoa tâm thần có khoảng 300 mã bệnh. Tại Việt Nam, mới chỉ có duy nhất 1 nghiên cứu cấp Bộ do Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 chủ trì nghiên cứu năm 2002 về tỷ lệ mắc 10 loại rối loạn tâm thần phổ biến.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mới chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần phổ biến như tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, mất trí, nghiện rượu, … đã chiếm tỷ lệ 14,9% dân số. Nếu tính theo dân số của nước ta khoảng 96 triệu người thì số người mắc khoảng trên 14 triệu người.

Tuy nhiên, số người bệnh được quản lý, điều trị tại cộng đồng mới chỉ được triển khai ở 3 mặt bệnh là tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh với khoảng 320.000 người. Chiếm tỷ lệ rất thấp so với số mắc.


Xem thêm bài viết:

Cô gái vào khách sạn 5 sao ăn hết 11 triệu đồng từng điều trị tâm thầnCô gái vào khách sạn 5 sao ăn hết 11 triệu đồng từng điều trị tâm thần

SKĐS - Vừa qua, mạng xã hội lan truyền bài viết về cô gái gọi đồ ăn hết 11 triệu tại một khách sạn 5 sao ở Hà Nội nhưng sau đó không trả tiền. Qua xác minh được biết cô đã từng điều trị bệnh tâm thần.


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn