Trung tâm y tế Yên Lập có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai hoạt động mô hình Bác sĩ gia đình trên nguyên tắc tích hợp mô hình Bác sĩ gia đình tại Khoa Khám bệnh thuộc Trung tâm y tế huyện và hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã, thị trấn. Đây được đánh giá là một trong những giải pháp trọng tâm trong tăng cường y tế cơ sở, nâng cao uy tín cho y tế cơ sở.
Theo đó, 4 bệnh viện ở Hà Nội gồm Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Viện Nội tiết - đái tháo đường, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã ký kết với Sở Y tế tỉnh Phú Thọ về việc hợp tác khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình. Bốn bệnh viện này sẽ đưa các chuyên gia y tế lên giảng dạy, đào tạo cán bộ y tế cơ sở tại huyện Yên Lập. Trong khóa học đầu tiên, đã có 50 học viên tham gia, trong đó có 8 bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ và 42 cán bộ y tế tuyến xã.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, người dân trước nay khi đề cập đến hoạt động khám chữa bệnh, hành vi tìm kiếm chăm sóc sức khỏe vẫn chỉ mới hướng đến các bệnh viện, điều này rất lãng phí. Với việc triển khai mô hình Bác sĩ gia đình, các thầy thuốc giỏi sẽ đồng hành cùng trạm y tế, tạo sự thay đổi về chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến y tế cơ sở, nhất là trong việc kiểm soát các bệnh mạn tính không lây nhiễm. Mô hình này sẽ giúp người dân không phải đi xa để tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, phòng tránh được lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đồng thời giúp nâng cao uy tín của cán bộ y tế tại cơ sở.
Khám bệnh cho người dân tại Trạm y tế xã Đồng Thịnh, Yên Lập, Phú Thọ.
Chia sẻ về việc nếu có bác sĩ quản lý sức khỏe và hướng dẫn điều trị các bệnh mạn tính ngay tại trạm y tế thì người dân thấy thế nào?, bà N.T.Q - một người dân thuộc xã Đồng Thịnh, Yên Lập cho biết, bà bị bệnh tăng huyết áp, hàng tháng phải lên trung tâm y tế huyện để khám và lĩnh thuốc, mặc dù nhà không quá xa nhưng con cháu vẫn mất ngày mất buổi để đưa đi, đón về. Nếu được kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp và hướng dẫn của y bác sĩ tại trạm y tế xã thì rất tiện lợi. Hơn nữa, vì là người trong cùng một xã, nên các cán bộ trạm y tế xã hầu như quen biết hết người dân, sẽ hiểu được thói quen sinh hoạt, ăn uống… của các bệnh nhân để kịp thời nhắc nhở nếu bệnh nhân “vi phạm”.
Y sĩ Đỗ Thị Xuân Thu - Phó Trạm trưởng Trạm y tế xã Đồng Thịnh chia sẻ, hàng ngày, trạm tiếp nhận khoảng 20 - 30 bệnh nhân đến khám, hầu hết là các bệnh thông thường (như sốt, viêm họng, viêm đường hô hấp trên…), nếu các bệnh cần phải thực hiện các xét nghiệm lâm sàng thì bệnh nhân sẽ được chuyển lên tuyến trên. Do đó, theo y sĩ Thu, nếu đầu tư máy móc, trang thiết bị siêu âm, điện tim, xét nghiệm, thuốc… đồng thời cán bộ y tế lại được tập huấn nâng cao trình độ tầm soát, quản lý các bệnh mạn tính không lây nhiễm, đào tạo sử dụng máy thì các chị “tự tin sẽ làm được”.
BS. Hồ Đức Hải - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ khẳng định, sau khi triển khai Đề án Bác sĩ gia đình tại huyện Yên Lập, Phú Thọ sẽ triển khai tại các huyện trong năm 2017-2018. Từ nay đến năm 2020, Phú Thọ sẽ triển khai đạt kết quả tốt mô hình bác sĩ gia đình như mô hình đã triển khai tại Sóc Sơn, Hà Nội (từ năm 2014) - địa phương được đánh giá là triển khai thành công theo Đề án lồng ghép nguyên lý Y học gia đình nhằm nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ tuyến y tế cơ sở.
Được biết, huyện Yên Lập đã triển khai mô hình Quản lý sức khỏe đến từng người dân vào cuối năm 2016. Do đó, theo lãnh đạo Sở y tế Phú Thọ, thông qua việc ký kết hợp tác của các bệnh viện tuyến Trung ương, đội ngũ y tế của huyện Yên Lập sẽ được đào tạo, tập huấn bổ sung kiến thức thêm nhiệm vụ làm bác sĩ gia đình, tăng cường thêm năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở.