Hà Nội

Bác sĩ gia đình: Kinh nghiệm từ Vương quốc Bỉ và nhu cầu ở Việt Nam

19-11-2009 11:28 | Quốc tế
google news

Bác sĩ gia đình (BSGĐ) là một lĩnh vực hoạt động y tế phổ biến ở các nước phát triển nhưng ở Việt Nam đây là khái niệm còn rất mới mẻ.

Bác sĩ gia đình (BSGĐ) là một lĩnh vực hoạt động y tế phổ biến ở các nước phát triển nhưng ở Việt Nam đây là khái niệm còn rất mới mẻ. Với những kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình, các chuyên gia về lĩnh vực này của Vương quốc Bỉ đang giúp đỡ Việt Nam bắt tay vào xây dựng mô hình y tế thiết thực này, nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng tốt hơn và giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

Khi ốm người Bỉ biết đến BSGĐ đầu tiên

Phát biểu tại hội nghị bác sĩ gia đình do Bệnh viện Bộ Nông nghiệp vừa tổ chức, GS. Didier - Trưởng Khoa y học tổng quát (Đại học Liege - Vương quốc Bỉ) cho biết, tại các nước phát triển trong đó có Vương quốc Bỉ, chăm sóc sức khỏe ban đầu và y học gia đình là những hoạt động rất được ưu tiên phát triển trong hệ thống y tế. Hơn 30 năm qua (kể từ năm 1978) hệ thống BSGĐ không ngừng hoàn thiện và ngày càng phát huy vai trò quan trọng của mình. Tại Bỉ có tới 95% dân số được chăm sóc bởi đội ngũ BSGĐ, đây là những người bác sĩ gần gũi nhất với mọi lứa tuổi.

Tại Bỉ, có tới 95% dân số được chăm sóc bởi đội ngũ BSGĐ.

GS. Didier chia sẻ, để trở thành một BSGĐ ở Bỉ phải trải qua 7 năm học đa khoa, sau đó được đào tạo tiếp 2 năm chuyên khoa BSGĐ. Những bác sĩ này làm việc tại tuyến gần dân nhất, có thể quản lý về sức khỏe cho một khu vực khoảng vài nghìn người. Để có thể làm việc tốt, họ phải có một kiến thức đa dạng ở tất cả các lĩnh vực, kể cả nhi khoa, sản khoa và lão khoa... Không chỉ thế, những bác sĩ này phải có chuyên môn tốt về y học cộng đồng và phải có kỹ năng tiếp xúc tốt với người bệnh, biết lắng nghe người bệnh và tư vấn cho họ. Với những bệnh lý đơn giản, mức độ nhẹ, BSGĐ sẽ theo dõi và kê đơn. Trong trường hợp bệnh vượt quá giới hạn của BSGĐ họ sẽ giới thiệu bệnh nhân đến các bệnh viện chuyên khoa phù hợp. Khi bệnh nhân chuyển lên tuyến trên, bác sĩ chuyên khoa sẽ có được đầy đủ những thông tin sức khỏe của người bệnh từ bệnh án mà BSGĐ đã ghi nhận, như tiền sử bệnh, các yếu tố bệnh mang tính gia đình, thuốc đã dùng... và ý kiến hướng điều trị của chính BSGĐ. Điều đó sẽ giúp cho các bác sĩ chuyên khoa có cơ sở để chỉ định điều trị tốt hơn.

Cần thiết có BSGĐ ở Việt Nam

Các chuyên gia Bỉ cho rằng, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống BSGĐ, đó là những ưu tiên của Chính phủ về y tế cộng đồng, điển hình là thành công của Chương trình Tiêm chủng mở rộng và phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Nhưng một thực tế đang tồn tại ở Việt Nam là khi ốm người bệnh thường tự mua thuốc ở các hiệu thuốc, trong khi những người bán thuốc không có kiến thức về bệnh lý, điều này rất nguy hiểm. Người dân cũng tự vượt tuyến lên các bệnh viện Trung ương gây quá tải trầm trọng.

"Khi làm việc tại TP. Hồ Chí Minh tôi nhận thấy các bệnh viện đa khoa và phòng cấp cứu hoạt động rất vất vả để có thể đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho hơn 9 triệu dân của thành phố và còn nhiều tỉnh khác đến. Thật khó để đòi hỏi một chất lượng chăm sóc cho ngần ấy người bệnh", ông Didier bày tỏ. Theo ông, nếu có một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả với vai trò của BSGĐ như các  nước phương Tây sẽ giải quyết được tới hơn 80% nhu cầu chăm sóc y tế của người dân. Vì khi đó các bệnh viện chuyên khoa chỉ tập trung xử trí những ca bệnh khó và đóng vai trò là tuyến trên thực sự.

Các chuyên gia cũng cảnh báo sự phát triển kinh tế của một nước đi kèm với sự già đi của dân số và thay đổi cách sống là điều không thể tránh khỏi. Đây là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp gia tăng... Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này. Chăm sóc cho bệnh nhân mạn tính lâu dài, cần sự hỗ trợ của gia đình người bệnh, theo dõi điều trị và giáo dục sức khỏe. Vai trò của BSGĐ là vô cùng quan trọng với những bệnh nhân này. Tại Việt Nam, giống như các nước đang có nền kinh tế bùng nổ, quản lý bệnh nhân mạn tính là không tránh khỏi và việc quản lý này cần thực sự dựa vào BSGĐ.

GS. Didier cho rằng, Việt Nam đang có những bước đi ban đầu xây dựng đội ngũ cán bộ y tế này vì thế không hề dễ dàng, bản thân ông và những chuyên gia về lĩnh vực này của Vương quốc Bỉ sẽ giúp đỡ Việt Nam trong mọi điều kiện về kinh phí, đào tạo... để sớm mang lại một thay đổi tích cực cho hoạt động y tế ở Việt Nam.

Hà Anh


Ý kiến của bạn