Bác sĩ gia đình khó đến với gia đình, vì sao?

22-05-2015 09:25 | Thời sự

SKĐS - Với mục tiêu chăm sóc toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng ngay tại cơ sở và cũng là xu hướng phù hợp giúp tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, hạn chế diễn biến tăng nặng của người bệnh ngay tại nhà.

Với mục tiêu chăm sóc toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng ngay tại cơ sở và cũng là xu hướng phù hợp giúp tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, hạn chế diễn biến tăng nặng của người bệnh ngay tại nhà. Bộ Y tế đã có chủ trương thí điểm mô hình Bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại 8 tỉnh, thành phố, trong đó Hải Phòng là một trong 8 địa phương được đưa vào thí điểm thực hiện mô hình này. Mục tiêu của ngành y tế Hải Phòng là đến hết năm 2015, sẽ thành lập 5 phòng khám BSGĐ. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có duy nhất một trung tâm BSGĐ được thành lập.

Mô hình KCB bác sĩ gia đình nếu được triển khai tốt sẽ giảm áp lực quá tải cho các cơ sở y tế tuyến trên. Ảnh: TM

Khó thu hút nhân lực

BS. Nguyễn Quang Thịnh, phụ trách chuyên môn của Phòng khám BSGĐ duy nhất tại Hải Phòng cho biết, thu hút nhân lực vẫn là yếu tố khó khăn nhất đối với mô hình BSGĐ. BS. Thịnh lý giải, hiện tại, những người tham gia làm BSGĐ tại trung tâm của ông đều là những bác sĩ đã nghỉ hưu. Còn các bác sĩ trẻ thì hầu như không có. Nhiều lần, trung tâm tuyển bác sĩ trẻ nhưng điều này không hề đơn giản. Một số bác sĩ cũng tìm đến trung tâm chỉ như một chỗ trú chân, chờ cơ hội khác. Nguyên nhân là bởi BSGĐ tập trung vào khám, hướng dẫn điều trị các bệnh thông thường tại nhà. Thời gian làm việc không cố định. Do đó, bác sĩ trẻ khó có cơ hội được tiếp xúc với nhiều mặt bệnh phức tạp cũng như bố trí thời gian tiếp tục học nâng cao trình độ. Điều này có thể khắc phục hoàn toàn khi bác sĩ trẻ làm việc trong một cơ sở điều trị. Hơn nữa, theo BS. Nguyễn Quang Thịnh, tiếng là cơ sở y tế tư nhân tự quyết định giá dịch vụ nhưng do chủ yếu khám bệnh thông thường, nên chi phí cho dịch vụ BSGĐ không thể cao được. Trong khi đó, tại các cơ sở điều trị công lập đang thiếu bác sĩ, còn những cơ sở tư nhân liên tục có những chính sách thu hút bác sĩ trẻ về công tác. Với mức thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng, không đáp ứng nhu cầu cuộc sống, mô hình BSGĐ không thu hút được nhân lực cũng không khó lý giải. Mặt khác, ngay tại những cơ sở đào tạo nhân lực ngành y, công tác đào tạo BSGĐ gần như chưa bắt đầu. Cả Trường đại học Y Dược Hải Phòng và Trường cao đẳng Y tế Hải Phòng chưa hình thành chuyên khoa y học gia đình, mới chỉ dừng lại là một bộ môn đào tạo 2 đơn vị học trình trong quá trình đào tạo bác sĩ đa khoa. Với tấm bằng bác sĩ đa khoa, không khó để các bác sĩ trẻ tìm việc tại các cơ sở điều trị cả trong và ngoài công lập.

Chưa tạo được niềm tin?

Sợ không đủ hành trang để hành nghề khi gặp những biến cố bệnh tật bất thường là ý kiến của đa số người dân khi sử dụng mô hình BSGĐ. Anh Nguyễn Tất Hà, ở 114 phố Tôn Đức Thắng (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: “Gia đình thường chỉ yêu cầu nhân viên y tế đến nhà để truyền dịch, tiêm. Cán bộ y tế đi làm việc này chỉ mang theo một túi dụng cụ nhỏ, sợ không đủ cơ số thuốc xử lý những trường hợp bệnh diễn biến nhanh bất thường. Cùng quan điểm này, Phó Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng Nguyễn Tuấn Tú cũng cho hay, dịch vụ khám, chữa bệnh tại nhà hiện mới dừng lại ở một nhóm bệnh được xác định trước. Với những bệnh mới khởi phát, thường người bệnh được đưa thẳng ra cơ sở y tế do người dân chưa có niềm tin vào dịch vụ BSGĐ.

Tuấn Minh

 

TS. Trần Quý Tường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế: Tăng tính hấp dẫn cho mô hình bác sĩ gia đình

Bác sĩ gia đình hiện nay vẫn đang là mô hình mới, người dân chưa biết đến nhiều, vì vậy chúng ta cần tăng cường công tác truyền thông để người dân biết đến mô hình khám chữa bệnh này, đó là: chăm sóc dự phòng, giúp người dân nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh thông thường và quản lý sức khỏe theo hộ gia đình. Tăng tính hấp dẫn cho mô hình bác sĩ gia đình ngoài việc chi trả bằng bảo hiểm y tế thì cần phải có mức giá dịch vụ phù hợp nhằm tạo động lực hấp dẫn để các địa phương triển khai rộng mô hình bác sĩ gia đình.

Mô hình khám chữa bệnh bác sĩ gia đình nếu được triển khai tốt tại các địa phương sẽ giảm áp lực quá tải cho các cơ sở y tế tuyến trên. Ðúng là hiện nay việc thu hút nguồn nhân lực cho bác sĩ gia đình vẫn đang rất khó khăn, chưa có chương trình đào tạo dài hạn. Vấn đề này, Bộ Y tế đã biết và tới đây sẽ xem xét việc ban hành chương trình đào tạo để thu hút sinh viên.

 

 

 


Ý kiến của bạn