Hà Nội

Bác sĩ gia đình: Hiệu quả cao, chi phí thấp

27-03-2013 22:10 | Tin nóng y tế
google news

Ngày 22/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký Quyết định số 935/QĐ-BYT phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2013 – 2020.

Ngày 22/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký Quyết định số 935/QĐ-BYT phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2013 – 2020. Mục tiêu của Đề án là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ trong hệ thống y tế của cả nước nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện. Để hiểu rõ hơn về Đề án quan trọng này, phóng viên báo SK&ĐS đã phỏng vấn TS. Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế.
Bác sĩ gia đình: Hiệu quả cao, chi phí thấp 1
 TS. Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế.

PV: BSGĐ đã xuất hiện và có ở nước ta từ hơn 10 năm nay và thực tế là những năm qua chúng ta đã đào tạo được hơn 500 bác sĩ chuyên khoa cấp 1, 70 bác sĩ định hướng y học gia đình, nhưng vì sao hoạt động của BSGĐ vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, thưa ông?

TS. Trần Quý Tường: Chúng ta cần hiểu rằng, BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. BSGĐ là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. Từ năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Đến nay có hơn 500 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 70 bác sĩ định hướng Y học gia đình đã được đào tạo. Phần lớn các bác sĩ chuyên khoa Y học gia đình sau khi tốt nghiệp trở về làm việc ở tuyến y tế cơ sở. Hoạt động BSGĐ ở nước ta hiện nay vẫn là mô hình mới, chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, chưa có chức danh BSGĐ ở các cơ sở y tế, hoạt động còn tản mạn, nhiều hạn chế, bất cập, chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý và hiệu quả chưa cao.

PV: Hiện nay ở các đô thị lớn hoạt động của phòng khám tư nhân rất mạnh và công bằng đánh giá hoạt động của phòng khám này đã giúp người dân có điều kiện tiếp cận được dịch vụ y tế nhanh nhất, vậy khi Đề án BSGĐ ra đời hoạt động có trùng lặp và lãng phí nguồn lực không, thưa ông?

TS. Trần Quý Tường: Năm 2003, thực hiện Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân, mạng lưới y tế tư nhân đã chính thức hình thành, đóng góp một phần quan trọng trong việc chăm sóc ban đầu tại cộng đồng, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người dân thuận lợi, dễ dàng ngay tại cộng đồng, góp phần chia sẻ nhiệm vụ khám chữa bệnh với hệ thống công lập. Tuy nhiên, cho tới nay hầu hết phòng khám tư nhân chưa được tham gia khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, việc khám bệnh, chữa bệnh của các phòng khám tư nhân mới chỉ đáp ứng tức thời nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân mà chưa có theo dõi điều trị bệnh một cách toàn diện, liên tục, chưa tham gia vào hệ thống chuyển tuyến người bệnh, vì vậy, hiệu quả chưa cao và chưa góp đóng góp nhiều vào việc giảm tải bệnh viện. Trong khi đó, phòng khám BSGĐ có thể giúp sàng lọc giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Hoạt động BSGĐ sẽ giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, kinh phí BHYT, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội; tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm đi những vấn đề bức xúc của xã hội.
Bác sĩ gia đình: Hiệu quả cao, chi phí thấp 2 
Hoạt động chăm sóc, khám chữa bệnh tại nhà.

PV: Vậy theo ông, phòng khám BSGĐ có quyền lợi và nhiệm vụ như thế nào?

TS. Trần Quý Tường: Phòng khám BSGĐ được tham gia khám chữa bệnh cho người bệnh nói chung và khám bệnh, chữa bệnh BHYT nói riêng nếu có đủ điều kiện; Phòng khám BSGĐ có nhiệm vụ thực hiện sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; tham gia hệ thống chuyển tuyến: Là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị; tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cuối đời...

PV: Sau khi Đề án BSGĐ ra đời, nếu có phòng khám tư nhân muốn được chuyển đổi hoạt động theo mô hình BSGĐ họ sẽ phải đáp ứng các điều kiện gì?

TS. Trần Quý Tường: Phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc và các điều kiện khác theo quy định của Bộ Y tế. Trong đó, người đứng đầu phòng khám BSGĐ phải có chứng chỉ hành nghề y học gia đình được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Giám đốc Sở Y tế tổ chức thẩm định và cấp phép hoạt động cho phòng khám BSGĐ theo quy định. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối để tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước về hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi cả nước. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể về các điều kiện hoạt động của phòng khám BSGĐ. Trong giai đoạn 2013-2015, Bộ Y tế sẽ thí điểm thành lập phòng khám BSGĐ theo các mô hình: phòng khám BSGĐ tại khoa khám bệnh của BVĐK; phòng khám BSGĐ lồng ghép với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám BSGĐ tư nhân theo cụm dân cư. Mục tiêu đặt ra là thành lập được ít nhất 80 phòng khám BSGĐ (trong đó có khoảng 56 phòng khám BSGĐ tư nhân) tại các tỉnh, thành phố tham gia dự án sau đó, từ năm 2016-2020 sẽ nhân rộng mô hình ra toàn quốc.

PV: Xin cảm ơn ông!

Anh Tuệ (thực hiện)


Ý kiến của bạn