Bác sĩ Êđê của thị xã Buôn Hồ

17-06-2015 17:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ba thường dặn tôi rằng: “Đừng bao giờ đánh giá con người bằng hình thức bên ngoài, học vị hay vì người đó là dân tộc, đối tượng đặc biệt trong xã hội... mà phải đánh giá khách quan

Ba thường dặn tôi rằng: “Đừng bao giờ đánh giá con người bằng hình thức bên ngoài, học vị hay vì người đó là dân tộc, đối tượng đặc biệt trong xã hội... mà phải đánh giá khách quan và chỉ khi ta làm người trong cuộc thì mới hiểu hết để đánh giá về một con người”. Câu nói ấy có lẽ là bài học quý giá, lớn lao cho tôi trong suốt cuộc đời của mình và giúp tôi điều hành, quản lý công việc của mình cũng như giao tiếp xã hội tốt hơn. Ngày nay, nghề bác sĩ là nghề cao quý nhưng cũng nhạy cảm. Nhưng với tôi thì dù mới hơn 30 tuổi nhưng những tháng ngày ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, đi được nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều bệnh viện vẫn được gặp nhiều lương y như từ mẫu. Một trong số đó là bác sĩ người dân tộc Y Nhân, hiện nay là Giám đốc Bệnh viện đa khoa thị xã Buôn Hồ.

Giám đốc BV đa khoa thị xã Buôn Hồ - Y Nhân MLô.

Trở lại câu chuyện của tôi, cách đây gần 15 năm. Tôi sinh ra và lớn lên tại Quy Nhơn. Khi tôi còn bé, ba má đi kinh tế mới ở Đăk Lăk nhưng tôi không theo mà ở lại với bà. Từ nhỏ tôi đã là con bé hay ốm, hay bệnh. Và rồi năm học lớp 12, một trận bạo bệnh khiến tôi phải bỏ học trước kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, bao nhiêu hoài bão ước mơ của cô gái 18 tuổi bỗng chốc tan thành mây khói khi căn bệnh quái ác làm tôi sụt cân, gầy còm ốm yếu phải nghỉ học để điều trị lâu dài tại bệnh viện. Tôi chỉ còn 38kg, bắp chân đau nhức và bác sĩ nói tôi có dấu hiệu teo cơ. Sau bao nhiêu tháng trời chữa chạy tại các bệnh viện trong tỉnh, bác sĩ vẫn không tìm ra bệnh. Thời gian điều trị quá dài, ba má tôi nghỉ việc không đi làm, đến mức ba phải bán những tài sản nhỏ trong nhà để có tiền đóng viện phí. Cuối cùng, ba má quyết định dẫn tôi lên Đăk Lăk để bán nhà lấy tiền vào TP.HCM chữa chạy. Thời ấy ở quê tôi bệnh mà đi Sài Gòn là coi như hết đời, vì bệnh viện Sài Gòn là cái gì đó vô cùng lạ lẫm, giá cả cao, xa lạ mà những người nông dân như gia đình tôi thì để đi điều trị là phải nghĩ đến chuyện bán nhà mới đủ.

Trong thời gian chờ ba má bán nhà, tôi được đưa đến Bệnh viện Buôn Hồ (Đăk Lăk) nằm điều trị, vì bệnh viện gần nhà nên ba má dễ chăm sóc cho tôi. Tôi thường khó thở, ăn uống không được nên phải nằm viện truyền nước, tiêm thuốc cả tháng mà không thể về nhà. Còn nhớ, lúc ấy là mùa mưa. Mùa mưa Tây Nguyên không giống như miền Trung, nó dai dẳng, kéo dài suốt mấy tháng liền, cộng với những cơn đau nhức, nôn ói và khó thở, nhiều lúc tôi nghĩ mình nên tìm đến cái chết. Tư tưởng của con bé mười tám đôi mươi chỉ nghĩ đến vậy, tôi gần như buông xuôi mặc cho căn bệnh hành hạ bản thân mình.

Bác sĩ Y Nhân MLô (thứ 2 từ trái sang) nhận quyết định công bố BV Buôn Hồ lên hạng II.

Mùa mưa, việc bán nhà không dễ dàng nên chưa thể có một số tiền lớn để đưa tôi vào Sài Gòn chữa bệnh, ba má đành cho tôi cầm cự ở bệnh viện này. Những ngày nằm viện, ngoài được người thân an ủi, tôi may mắn gặp vị bác sĩ trưởng khoa, ông ấy là người dân tộc, làn da đen ngăm nhưng mắt to, sáng, gương mặt phúc hậu, giọng nói ấm áp và tôi biết ông tên là Y Nhân MLô. Hàng ngày, nằm trên giường bệnh hình ảnh của ông cứ lặp đi lặp lại: ông đến khám bệnh, ân cần chăm sóc hỏi han từng người. Biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn và tôi đang phải từ bỏ giấc mơ vào đại học của mình, buồn bã chết dần với căn bệnh hành hạ mà vẫn chưa tìm ra được chứng bệnh chính xác để chữa trị, ông thường an ủi tôi vài câu trước khi hết lượt khám bệnh. Nghe ba má tôi trao đổi về bệnh tình và tài chính của gia đình, ông bác sĩ khuyên ba tôi nên để tôi ở lại để ông tìm ra một liệu trình điều trị mới, hy vọng đón đúng bệnh. Thú thật thời ấy, gia đình tôi không mấy tin tưởng trong khi tôi đã đi hết các bệnh viện miền xuôi còn chưa tìm ra bệnh và điều trị khỏi thì huống gì tin một bệnh viện miền núi, heo hút và một ông bác sĩ người dân tộc. Nhưng vì không còn tiền đi bệnh viện lớn nên ba má tôi đành nghe, hơn nữa thấy được sự chân thành của ông bác sĩ dân tộc, ngày đêm mày mò nghiên cứu theo dõi đơn thuốc Tây lẫn thuốc Đông y và cả những bài thuốc gia truyền của dân tộc mà ông sưu tầm được.

Thời gian nằm viện khá dài, thỉnh thoảng, ông bác sĩ mua tặng tôi một vài quyển truyện hay một quyển tạp chí, báo Hoa học trò, mà thời ấy tôi rất thích nhưng không dám nói mẹ mua. Và chiều chiều trong lúc mẹ tôi về nhà nấu cơm thì bọn trẻ như tôi được gửi cho ông... trông. Ông đẩy xe ra hành lang bệnh viện cho bọn tôi chơi, giúp bớt ngột ngạt sau một ngày dài nằm trên giường bệnh, động viên chúng tôi cố lên các cô bé, phải hết bệnh nhanh cho ba mẹ nhờ nhen! Với tôi, ông thường nói: nhanh hết bệnh để năm sau còn thi vào đại học chứ, cô bé học giỏi, thông minh mà bỏ cuộc là tiếc lắm đấy. Nụ cười hiền từ và ánh mắt của ông đã động viên tôi hàng ngày, giúp tôi vui khỏe hơn. Biết tôi sợ tiêm, hàng ngày ông luôn trò chuyện trong lúc tiêm thuốc để giúp tôi quên cảm giác đau. Tôi là bệnh nhân ở lại bệnh viện lâu nhất và nhỏ tuổi nhất khu điều trị nên được ông rất quan tâm, hơn nữa vì bệnh kéo dài, hay bị sốc thuốc, sức khỏe yếu nên hầu như việc tiêm thuốc, cho uống thuốc hàng ngày đều được ông tự tay làm mà không giao cho y tá.

Nhà ông ở gần bệnh viện. Những ngày không có ca trực ông vẫn vào bệnh viện thăm bệnh nhân. Ông không mặc áo blu, bệnh nhân như cũng bớt sợ. Trên người tôi không còn chỗ nào có thể lấy ven tiêm được nữa vì vậy chỉ có ông mới lấy được còn y tá thì phải đâm kim vào vài ba lần mới tìm được đúng ven tiêm. Cả tay chân đều tím, xanh do vỡ mạch máu vì thời gian điều trị quá dài ngày. Những buổi chiều như thế ông hay vào bệnh viện hỏi thăm, trò chuyện cùng bệnh nhân, có khi chơi cờ cá ngựa với những bạn nhỏ. Những câu chuyện vui về cuộc sống, về nghị lực của một người  trẻ khiến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thêm lạc quan tin tưởng vào tương lai.

Thật may mắn, sau hơn một năm điều trị tại Bệnh viện Buôn Hồ, tôi dần hết bệnh, mập mạp khỏe mạnh và không còn bị teo cơ như trước. Những liệu trình điều trị của ông dần đem lại kết quả khả quan hơn. Những ngày nằm viện cho đợt điều trị cuối cùng chuẩn bị ra viện, ông luôn khuyên gia đình nên động viên và tạo điều kiện để tôi tiếp tục đi học lại. Phần tôi sau khi nằm viện một năm, có lúc đã từ bỏ ý nghĩ sẽ đi học lại vì nghĩ giờ bạn bè đã vào đại học, đứa cũng đã đi làm, tích lũy được một số vốn khiến tôi nản chí.

Ngày ra viện, ông tặng tôi một bó hoa và nói: “Chúc cô bé khỏe mạnh và về chuẩn bị bài vở cho ngày khai trường sắp tới nhé. Chậm hơn bạn bè một năm thì sẽ đuổi kịp, đừng nản chí mà để phải chậm một đời người, sau này hối tiếc. Tôi tin cô bé sẽ làm được và nhớ liên lạc với tôi nếu cần giúp đỡ nhé”. Trước hôm xuất viện, ông dặn ba má tôi rất nhiều về bệnh tình của tôi, cho những đơn thuốc cũng như những bài thuốc dân tộc gia truyền của ông để sau khi về nhà mẹ tôi tiếp tục cho tôi uống phòng ngừa bệnh tái phát.

Sau khi hết bệnh, tôi nghe lời khuyên của ông tiếp tục đi học lại lớp 12 còn dang dở và năm đó tôi thi học sinh giỏi Văn cấp thành phố đạt giải Khuyến khích. Năm đó, tôi đậu đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chuyên ngành Báo chí với số điểm khá cao, ngành học mà tôi yêu thích. Ngày tôi có dịp trở lại Buôn Hồ sau đợt nghỉ hè năm nhất đại học để đưa người nhà đi khám bệnh, tôi vẫn bắt gặp nụ cười hiền từ ấy và những lời động viên bệnh nhân trong khoa của bệnh viện. Với tôi, trải qua những tháng ngày nằm viện, ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với vị bác sĩ dân tộc đáng kính là người thầy, người bạn, người anh và người cứu sống tôi, cho tôi lại một cuộc đời, giúp tôi bước vào trang mới đầy tự tin.

Bác sĩ Y Nhân MLô đang khám bệnh cho bệnh nhân tại bệnh viện.

Giờ đây tôi đã là một cán bộ Nhà nước, so với nhiều người thì có thể tôi được tạm cho là người phụ nữ thành đạt, viên mãn với cuộc sống hiện tại. Sau khi tốt nghiệp, ra trường đi làm một thời gian tôi về công tác tại một xã nghèo tỉnh Phú yên và yên ấm bên gia đình chồng con. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ về người bác sĩ đáng kính đã cho tôi một bài học và phương châm sống “Có thể bạn không giỏi nhưng bạn nên làm việc hết sức mình bằng cả tấm lòng và trái tim, vì nếu làm việc bằng lương tâm chắc chắn không chỉ bạn thấy thoải mái không hối hận mà còn giúp người khác sống tốt hơn”. Nếu ngày ấy tôi không được bác sĩ Y Nhân tận tình cứu chữa và không được ông động viên tinh thần thì giờ nếu hết bệnh tôi cũng không đủ bản lĩnh, ý chí để đeo đuổi ước mơ để trở thành người công dân có ích cho xã hội. Và biết đâu cũng còn rất nhiều người từng là bệnh nhân khác cũng có suy nghĩ như vậy. Cuộc sống ai rồi cũng bệnh tật, cũng chết một lần nhưng nếu còn sống được hãy cố theo đuổi giấc mơ của mình, hãy cố gắng làm cuộc sống này tốt hơn cho mình và cho cả người xung quanh...

Sau gần 15 năm kể từ ngày gặp bác sĩ Y Nhân tôi vẫn thấy lời khuyên ấy như một chân lý, bác sĩ không chỉ chữa bệnh cứu người mà quan trọng hơn là làm cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tin tưởng mình, lạc quan vào tương lai, vào sự sống dù biết rằng họ đang cận kề với cái chết. Một bác sĩ ngoài tay nghề giỏi thì cũng rất cần có một tấm lòng, một nụ cười, một ánh mắt gieo cho người bệnh một năng lượng sống và một niềm tin. Với tôi, bác sĩ Y Nhân MLô là một người như thế!

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Đào

 

Bác sĩ Y Nhân MLô (thứ 2 từ trái sang) nhận quyết định công bố BV Buôn Hồ lên hạn II.


Ý kiến của bạn