Bác sĩ trẻ nặng lòng với vùng cao
Sau những năm tháng miệt mài đèn sách tại Trường Đại học Y dược Thái Nguyên, năm 2014 tốt nghiệp, anh Tòng Văn Phong được nhận vào làm việc tại Khoa ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai. Sau đó, anh hoàn thành chương trình chuyên khoa I ngành ngoại khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội rồi lại quay về vùng đất khó khăn Quỳnh Nhai để chăm sóc sức khỏe cho bà con.
"Cả huyện này cứ nhắc đến bác sĩ Phong khoa Ngoại không ai mà không biết. Vừa mát tay lại coi bệnh nhân như người nhà" - chị Đào Thị Hiếu (xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai) chia sẻ khi chúng tôi hỏi về bác sĩ Tòng Văn Phong.
Sinh ra và lớn lên tại vùng lòng hồ, hơn ai hết, bác sĩ Phong thấu hiểu rõ những khó khăn, vất vả và hạn chế về việc chăm sóc sức khỏe của người dân vùng cao nơi đây.
Nhiều người hỏi lý do sau khi tốt nghiệp Đại học Y - Dược không đến các thành phố lớn tìm kiếm cơ hội việc làm với mức thu nhập hấp dẫn, chàng trai sinh năm 1989 tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng lòng hồ, ăn khoai, ăn sắn mà lớn lên. Hơn ai hết, bản thân tôi thấu hiểu rõ những khó khăn, vất vả và hạn chế về việc chăm sóc sức khỏe của người dân vùng cao nơi đây. Mọi sự cố gắng của tôi cũng vì tâm nguyện muốn góp được một phần nhỏ bé cho quê hương, nơi mình đã chôn rau cắt rốn".
Năm 2019, sau khi học xong chuyên khoa I tại Đại học Y Hà Nội, anh Tòng Văn Phong trở thành bác sĩ duy nhất của Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Nhai có thể thực hiện được kỹ thuật mổ nội soi.
"Có ca được chẩn đoán viêm ruột thừa sau khi mổ cắt ruột thừa viêm kiểm tra ổ bụng thì có cả tổn thương kèm theo là dây chằng bên hố chậu trái gây thắt đoạn ruột, tắc ruột. Nếu không thực hiện phẫu thuật nội soi thì không thể thấy tổn thương như vậy", bác sĩ Phong nói và cho biết, phẫu thuật nội soi trường rộng có thể quan sát hết trong ổ bụng tránh bỏ sót tổn thương kèm theo giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh.
Nói về niềm tự hào có bác sĩ trẻ nhất, duy nhất biết mổ nội soi, bác sĩ Vũ Duy Khang - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai chia sẻ: "Mỗi năm, trung bình bác sĩ Phong thực hiện khoảng 400 ca mổ, đồng thời triển khai nhiều kỹ thuật mới, lần đầu tiên có ở bệnh viện. Cùng với đó, bác sĩ Tòng Văn Phong còn tham gia chương trình phát cháo miễn phí tại bệnh viện vào thứ 5 hàng tuần và chương trình khám phát thuốc miễn phí các xã hàng tháng".
Không ngại khó, ngại khổ
Nhớ lại những chuỗi ngày bám bản để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu khiến bác sĩ Phong không khỏi rùng mình. Thời điểm đó đang mở đường, giao thông đi lại khó khăn, phương tiện chủ yếu là vừa đi vừa dắt. Những ngày mưa, đường lầy lội, bùn đất sình lên ngập quá nửa bánh xe, đường trơn trượt, một bên là dốc đứng, đèo cao, một bên là vực sâu hun hút, chẳng may trượt chân là rơi xuống vực thẳm…
Tuy nhiên không vì vậy mà anh nản lòng. Có lẽ với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và cũng là một người dân tộc thiểu số, nên phần nào anh thấu hiểu được tâm lý người dân. Chính vì vậy, anh kiên trì, cố gắng từng ngày để thay đổi những quan niệm xưa cũ, lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống bà con vùng cao...
Đến nay, bác sĩ Tòng Văn Phong đã có gần 10 năm gắn bó với công tác khám chữa bệnh ở vùng cao. Kể về những kỷ niệm công tác, anh chia sẻ: "Năm 2016, có một bệnh nhân tại xã Mường Giôn, cách trung tâm huyện 30km bị u nang buồng trứng. Một phần do khoảng cách xa, đường đi lại khó khăn nên ngại không đi khám lại tưởng mình béo lên. Đến khi khối u rất to mới đi đến viện khám và được chỉ định mổ cấp cứu. Sau khi mổ lấy ra được khối u nặng 6,1kg.
Rồi đến năm 2021, khi đó thiết bị máy móc mổ nội soi mới được đưa về Quỳnh Nhai, có bệnh nhân tại xã lòng hồ Chiềng Bằng nhập viện cấp cứu trong tình trạng bụng đau dữ dội. Khi ấy tôi ấn điểm túi mật thấy đau và xác định phải thực hiện thủ thuật cắt túi mật.
Với những trường hợp này, trước đây toàn bộ phải chuyển lên tuyến trên để điều trị. Nhưng hiện nay có thể thực hiện ngay tại bệnh viện huyện, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại cho người dân".
"Làm ngành y, lại công tác ở vùng cao, nói không vất vả thì không đúng. Nhưng mình yêu ngành yêu nghề, muốn cống hiến cho bà con nên mỗi ngày cố gắng một chút, cố gắng học những kỹ thuật y học tiên tiến để về phục vụ người dân", bác sĩ Phong bày tỏ.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y dược Thái Nguyên, không chỉ bác sĩ Tòng Văn Phong quay trở về huyện vùng sâu, vùng xa khó khăn công tác mà một nửa của anh - bác sĩ La Thị Dương (quê ở Tuyên Quang) cũng theo chồng về Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) để đồng lòng, dốc sức thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe người dân.