Hà Nội

Bác sĩ “đắm đuối” với thể thao Việt Nam

02-03-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ông là người nước ngoài, một năm chỉ vài lần có mặt tại Việt Nam. Thế nhưng với ngành thể thao, chuyên gia Moos đã được coi như vị bác sĩ số 1 của mình

Ông là người nước ngoài, một năm chỉ vài lần có mặt tại Việt Nam. Thế nhưng với ngành thể thao, chuyên gia Moos đã được coi như vị bác sĩ số 1 của mình, với sự tâm huyết cùng những đóng góp bền bỉ, lớn lao suốt hơn một thập kỷ.

TS. Moos được ví như chuyên gia số 1 của ngành y học thể thao Việt Nam.

Từng xuống đường  biểu tình ủng hộ Việt Nam

Mãi đến năm 1998 mới lần đầu sang nước ta, song với chuyên gia chấn thương hàng đầu thế giới người Đức này, đất nước - con người Việt Nam từ lâu đã thật đặc biệt, gắn với những kỷ niệm thời trai trẻ. Ngay từ những năm 1960, chàng sinh viên y khoa Moos đã nhiều lần xuống đường sôi nổi hòa vào các cuộc biểu tình phản đối Mỹ, ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam. Thậm chí, ông còn có những sáng tác tranh - một niềm đam mê không kém y học -  tham gia triển lãm, liên quan đến tinh thần cùng chủ đề Việt Nam bất khuất anh hùng.

Cho đến khi đã trở thành “người bạn đích thực của thể thao Việt Nam” bằng thực tế, trực tiếp trong các hoạt động thể thao, điều mà ông Moos càng tâm đắc với suy nghĩ ngay từ đầu của mình: người Việt Nam khi tập trung, quyết tâm cho công việc gì, nhất là các sự kiện lớn, thì nhất định thành công.

7 năm “đeo đuổi” Dự án Bệnh viện Thể thao Việt Nam

Khi công trình quan trọng này khai trương vào tháng 5/2007, chuyên gia Moos được mời sang dự và ông chính là người... vui nhất. Đơn giản, bởi ông đã “đeo đuổi” nó, với tư cách người trong cuộc, suốt 7 năm, kể từ khi ngành thể thao mới khởi động. Ít ai biết, công trình rất hiện đại, có tính thẩm mỹ cao là do chính ông cùng một cộng sự bên Đức thiết kế, chỉ phải chỉnh sửa một chút cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Với cương vị Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Thể thao danh tiếng St Josep, ngay từ lúc Bệnh viện Thể thao Việt Nam mới còn đang thi ông, chuyên gia Moos đã ủng hộ trực tiếp, rồi tích cực vận động để hỗ trợ chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực... Qua ông, mà Bệnh viện Thể thao Việt Nam mới được phía Đức tài trợ lô thiết bị máy móc trị giá 1 tỷ đồng, toàn trang thiết bị dụng cụ thuộc loại “xịn” nhất. Còn giá trị hơn thế, ông đã làm “cầu nối” để Bệnh viện Thể thao Việt Nam tiến hành ký kết hợp tác toàn diện với Bệnh viện St Josep với thời hạn lên tới 20 năm.

Còn nhớ, khi việc xây dựng bệnh viện bị chậm tiến độ, ông đã sốt ruột và lo lắng như thế nào, thường xuyên liên hệ sang Viện Khoa học TDTT (đơn vị chủ đầu tư) để hỏi thăm, đốc thúc. Chưa kể, những lần có dịp được lãnh đạo ngành thể thao tiếp, ông chẳng bao giờ quên đề nghị hết sức quan tâm đến dự án, vì sự ra đời của bệnh viện có vai trò lớn đối với bước tiến của thể thao Việt Nam.

Chấn thương trong thể thao cần được chữa trị kịp thời. Ảnh: CTV

“Cứu tinh” của trên 200 tuyển thủ quốc gia

Bây giờ, nhiều người vẫn tiếc rằng, nếu như thể thao Việt Nam có sự liên hệ sớm với chuyên gia Moos, rất có thể đã cứu được sự nghiệp của tuyển thủ bóng đá Trần Minh Chiến, dính chấn thương khi đang ở đỉnh cao.

Tính đến nay đã có trên 200 tuyển thủ quốc gia từng được ông trực tiếp khám, điều trị, phẫu thuật, đảm bảo có thể tiếp tục trở lại thảm đấu, hay chí ít cũng tránh được hậu quả của chấn thương trong trường hợp phải giải nghệ... Nếu tính cả các VĐV từng được ông khám, tư vấn theo hình thức “online”, con số này phải vào cỡ gấp đôi.

Trong đó, tiêu biểu là trường hợp của các cựu danh thủ Hồng Sơn, Huỳnh Đức, hay mới đây nhất là đô vật Mẫn Bá Xuân hồi năm 2009. Qua bàn tay tuyệt vời của ông Moos, chấn thương nặng, dai dẳng từng khiến Xuân chấp nhận buông xuôi đã được giải quyết triệt để. Chỉ sau mấy tháng, anh đã lại tập luyện với cường độ cao, rồi thẳng tiến tới tấm HCV SEA Games lần thứ 5 liên tiếp. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi đăng quang, Xuân bày tỏ “muốn dành tặng thầy Moos chiến thắng vượt khó ngoạn mục này”.

Kể từ năm 2007, đều đặn mỗi năm, chuyên gia Moos cùng ê-kíp của mình đều có 3 đợt sang Việt Nam làm việc tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu khám, điều trị chấn thương ngày càng tăng của VĐV. Như một thói quen, mỗi khi không may “dính” chấn thương, nhất là các ca khó, các HLV, VĐV lại tâm niệm “chờ chuyên gia Moos sang”, với sự tin tưởng, mong chờ tuyệt đối. Thật hạnh phúc cho thể thao Việt Nam, vì đã có một “người bạn”, “người thầy” Moos.

Nỗi đau đáu và lời nói thẳng

Đến giờ, chuyên gia Moos vẫn đau đáu với hiện trạng của y học thể thao tại Việt Nam  bởi dù đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng  như theo dõi suốt 14 năm của ông thì “cơ bản vẫn chưa có gì thay đổi”. Y học mới chỉ tham gia giải quyết được một vài nội dung đơn giản, còn vẫn hoàn toàn đứng ngoài thể thao, nhất là với mũi nhọn thành tích cao.

Ông cũng nhiều lần nói thẳng khi được lãnh đạo ngành thể thao tham vấn rằng mức đầu tư cho mảng này của thể thao Việt Nam đang quá thấp, cơ sở vật chất và trang thiết bị dụng cụ hầu như chưa có gì, ngoài một bệnh viện chuyên ngành tại Hà Nội, đội ngũ cán bộ chuyên môn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng... Chuyên gia Moos vẫn luôn bày tỏ sự kinh ngạc vì với một nền thể thao đang nở rộ, với vài nghìn VĐV chỉ tính cấp tỉnh, cấp quốc gia của hơn 40 môn trong hệ thống chính thức  mà chỉ có khoảng 90 cán bộ, y bác sĩ làm việc tại các cơ sở thể thao. Cả nước mới chỉ có 22% số tỉnh, thành có duy trì phòng y học thể thao, nhưng những người đứng mũi chịu sào hầu hết lại chỉ có trình độ... y sĩ, chưa kể còn rất lơ tơ mơ về đặc thù thể thao.

Theo ông, cả mảng y học thể thao phải tổ chức lại từ đầu, với hạt nhân là Bệnh viện Thể thao Việt Nam. Chỉ có như thế, mới tạo ra đột phá, trở thành một khâu quyết định giúp thể thao Việt Nam có thể thực sự tăng tốc phát triển, thay vì chỉ cầm chừng như hiện nay.

Mà để tổ chức lại được, trước hết phải từ việc nhận thức lại: y học thể thao phải là một khâu, một lĩnh vực tất yếu của thể thao, chứ không thể mang tính chất phụ trợ, có cũng được không có cũng chẳng sao.

Tại các kỳ SEA Games, ASIAD, hay Olympic, thể thao Việt Nam luôn phải xảy ra tình trạng 1 bác sĩ “cõng” 15 - 20 tuyển thủ.  Cả một đoàn quân lên tới hàng nghìn tuyển thủ chỉ được bố trí chưa nổi 10 bác sĩ, thậm chí khi điều kiện khó khăn về kinh phí thì lực lượng bị cắt giảm đầu tiên là bác sĩ. Thành ra mới có một nghịch lý có thật, những người vất vả nhất, căng thẳng nhất không phải là các HLV, VÐV mà lại chính là các bác sĩ.

Trung bình mỗi bác sĩ phải đảm trách khoảng 3 phân đội hay ÐTQG, đồng nghĩa với việc “cõng” từ 15 - 20 tuyển thủ.

Xuyến Chi

 

 


Ý kiến của bạn