Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Vảy nến thế giới 29/10.
Thời gian khám vào buổi sáng, từ 8h-12h ngày 22/10/2018- 31/10/2018. Địa điểm: Phòng khám số 1 - Tầng 6 - Nhà Điều hành - Bệnh viện Da liễu Trung ương (15A – Phương Mai – Đống Đa – Hà Nội).
PGS.TS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, ước tính có khoảng 2-3% dân số thế giới mắc bệnh vảy nến. Ở Việt Nam tuy chưa có số liệu điều tra chính xác nhưng theo ước tính có từ 1,5-2% dân số mắc bệnh vảy nến.
Theo PGS. Doanh, bệnh vảy nến thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20, có thể gặp ở người lớn tuổi ngoài 50, đôi khi ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi và nếu ở tuổi này thì thường có yếu tố gia đình với biểu hiện bệnh nặng hơn, kéo dài hơn. Tỷ lệ bệnh ở nam và nữ như nhau.
Cơ chế sinh bệnh vảy nến bao gồm yếu tố gen di truyền, rối loạn yếu tố miễn dịch, và các yếu tố từ môi trường. Yếu tố di truyền, nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì có khoảng 8% con bị bệnh, nếu cả bố và mẹ bị bệnh thì tới 41% con mắc bệnh. Các yếu tố khác như nhiễm khuẩn, chấn thương, thuốc, thức ăn.
Ngoài ra, các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn là các sang chấn như gãi, chà sát mạnh. Nhiễm trùng mà thường là nhiễm liên cầu. Các stress tâm lý , sử dụng thuốc corticosteroid, lithium, các thuốc chống sốt rét, interferon... có thể làm nặng bệnh. Rượu cũng là tác nhân làm cho bệnh nặng lên.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân vảy nến tại BV Da liễu Trung ương.
"Bệnh vảy nến không gây chết người nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đây là một bệnh mạn tính, diễn biến bệnh lâu dài, có thể khỏi một thời gian dài nhưng cũng có nhiều trường hợp tái phát liên tục. Do đó, việc điều trị cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh để có thể tìm ra phương pháp điều trị tối ưu, hiệu quả, ít tác dụng phụ và phù hợp với hoàn cảnh người bệnh về kinh tế, công việc và gia đình, xã hội"- chuyên gia da liễu cho hay.
Hiện nay, khoa học hiểu rõ bệnh vảy nên không đơn thuần là bệnh ngoài da mà là bệnh toàn thân, có liên quan với các bệnh lý về tim mạch, gan nhiễm mỡ không do rượu, béo phì và các bệnh lý chuyển hóa. Trên thực tế có khoảng 42% người mắc bệnh vảy nến cũng mắc bệnh viêm khớp vảy nến, gây đau đớn, xơ cứng, sưng tại các khớp và có thể dẫn đến biến dạng và mất chức năng vĩnh viễn. Nhiều người điều trị không đúng và thiếu chăm sóc.
PGS. Doanh cũng khẳng định rằng: Không thể chữa khỏi hẳn bệnh vẩy nến như quảng cáo tràn lan trên mạng. Vì vậy người bệnh tuyệt đối không tin lời đổn thổi, quảng cáo chữa dứt điểm bệnh vảy nến tránh tiền mất bệnh lại nặng thêm.
Người bệnh vẩy nến cần thận trọng với các món ăn lạ dễ gây dị ứng nhất là những đồ ăn chứa nhiều protein và tanh như tôm, cua, ghẹ, măng, cà, lạp sườn, xúc xích, thịt gà, đồ hộp, trứng... Đồ uống có chất kích thích: rược, bia, cà phê, trà, thuốc lá, tiêu, ớt... Đồ ăn có chứa nhiều chất béo như đường, sữa, mỡ, bơ, sô-cô-la, đồ ngọt tổng hợp... Ngoài ra, người bệnh vẩy nến phải hạn chế tiếp xúc với hóa chất như xà phòng, dầu gội, sữa tắm... Thận trọng khi sử dụng nước hoa, son phấn, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc... Cần ăn nhiều thực phẩm chứa các loại axit béo có lợi như Omega - 3 và các loại rau quả giàu vitamin B12, chất khoáng như kẽm… để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Người bệnh cũng có thể tham khảo các thầy thuốc chuyên khoa về bổ sung một số loại thảo dược để giảm ngứa và tránh tổn thương lan rộng.