1. Nguyên nhân gây sẹo rỗ (sẹo lõm)
ThS. BS. Nguyễn Ngọc Oanh, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có 3 hình thái thường gặp của sẹo lõm bao gồm: Sẹo đáy nhọn, sẹo đáy phẳng và sẹo lòng chảo.
Sẹo rỗ hình thành do tổn thương viêm nang lông tác động tới lớp trung bì. Tình trạng này làm đứt gãy liên kết collagen - elastin, ảnh hưởng hệ thống đệm đỡ trong da không hồi phục, khiến da có những vết sẹo nhỏ, lõm sâu dưới các lớp mô khi da không có khả năng tái tạo lại như bình thường.
2. Cách điều trị sẹo rỗ
ThS. BS. Nguyễn Ngọc Oanh cho biết, sẹo rỗ để lại tổn thương vĩnh viễn ở tầng sâu của da, gây khó khăn trong việc điều trị.
Thông thường, để điều trị sẹo rỗ, cần kết hợp đa trị liệu, nghĩa là phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để tăng tái tạo collagen, phục hồi da, giúp cho da bằng phẳng khi bị sẹo.
Theo đó, các bước điều trị sẹo rỗ bao gồm:
- Xử lý tình trạng sẹo đỏ (là tình trạng xuất hiện ngay sau khi bị thâm mụn, trước khi hình thành sẹo) bằng các thiết bị vô tuyến đơn cực để có thể khắc phục, làm giảm tình trạng sẹo đỏ trên da.
- Tăng cường tái tạo collagen ở tại các mô sẹo bằng phương pháp lăn kim - tạo quá trình viêm tạm thời, kích thích tái tạo collagen và sửa chữa của làn da giúp lành thương.
Một số phương pháp khác như laser vi điểm, RF vi điểm, laser CO2 Fractional cũng có cơ chế tác động tương tự lăn kim. Có thể kết hợp với các phương pháp như peel da (lột da hóa học) để tăng cường hiệu quả tái tạo.
Bên cạnh đó, biện pháp tiêm filler cũng có thể được sử dụng để làm căng phần lõm dưới bề mặt da. ThS. BS. Nguyễn Ngọc Oanh nhấn mạnh, các phương pháp này, đặc biệt là tiêm filler giúp làm căng da tạm thời, do đó có thể ngay lập tức cải thiện tình trạng sẹo rỗ, tuy nhiên cần lặp lại những thao tác này sau 1-2 năm để giúp duy trì hiệu quả nhất định.
ThS. BS. Nguyễn Ngọc Oanh, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ cách điều trị sẹo rỗ.
3. Một số lưu ý phòng tránh sẹo rỗ
Để phòng ngừa sẹo rỗ hình thành, việc đầu tiên cần có thói quen chăm sóc da đúng. Trong đó, biện pháp quan trọng nhất là xử lý mụn sớm, tránh để tình trạng viêm nặng, mụn bùng phát thì sẹo càng nhiều và càng sâu.
Trong quá trình đang trị mụn, hãy thực hiện các cách phòng ngừa và hạn chế sự bùng phát mụn hay hình thành sẹo rỗ:
- Duy trì lối sống khoa học lành mạnh.
- Không tự ý sử dụng sản phẩm trị mụn không rõ nguồn gốc, kém chất lượng...
Điều trị sẹo rỗ là quá trình phức tạp, cần rất nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí để thực hiện mà hiệu quả cũng không mang lại 100%. Để đạt được kết quả điều trị tối ưu, nên chú ý những nguyên tắc sau:
- Điều trị sớm nhất có thể: Điều trị ngay khi sẹo mới hình thành, chân sẹo còn non và chưa bị xơ cứng sẽ hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn. Nếu sẹo để lâu, cấu trúc sẹo săn chắc thì sẽ khó xử lý hơn rất nhiều.
- Tuân thủ đúng theo liệu trình điều trị: Không nên sốt ruột và bỏ điều trị giữa chừng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ quy trình chăm sóc và bảo vệ da nghiêm ngặt theo từng phương pháp.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Chăm Sóc Da Bằng Caffeine Có Hiệu Quả Không? | SKĐS