Bác sĩ của dân bản

09-12-2016 15:20 | Y tế
google news

SKĐS - Các xã phía Tây huyện biên giới Tương Dương (Nghệ An) không ai không biết BS. Và Bá Tủa - Trạm trưởng Trạm y tế xã Nhôn Mai thuộc huyện này.

Các xã phía Tây huyện biên giới Tương Dương (Nghệ An) không ai không biết BS. Và Bá Tủa - Trạm trưởng Trạm y tế xã Nhôn Mai thuộc huyện này. Nghe chúng tôi hỏi BS. Tủa, một bác xe ôm nói ngay: “Ồ, BS. Tủa không chỉ giỏi tay nghề mà còn chịu khó, chịu khổ nữa. Cái bụng thì tốt lắm. Đêm khuya, nghe người bệnh gọi thì mưa gió, xa mấy cũng đi liền”.

Bệnh nhân đến trong đêm

Hôm chúng tôi đến, BS. Tủa chuẩn bị rời phòng làm việc ở Trạm xá Nhôn Mai, một tay xách hai cái cặp gồm cặp tài liệu và cặp máy vi tính. Thấy tôi ngạc nhiên, BS. Tủa giải thích: “Cái cặp tài liệu này đưa phiếu xếp loại cho đảng viên sau khi viết bản kiểm điểm. Còn cặp vi tính có nội dung chỉ đạo hội nghị và ý kiến của mình trong đó. Mình chuẩn bị đi chỉ đạo đại hội chi bộ bản Nhôn Mai. Mình là đảng viên cắm bản Nhôn Mai mà”.

BS. Và Bá Tủa đang thăm khám vết thương cho bệnh nhân Hùng Văn Mai tại Trạm xá Nhôn Mai.

Dẫn tôi đi thăm trạm xá, BS. Tủa cho hay, sáng nay, trước khi chuẩn bị đi họp đã kiểm tra toàn bộ sức khỏe bệnh nhân tại trạm xá. Người nào đỡ thì cho về nhà còn người chưa khỏi thì phải lưu lại để tiếp tục điều trị. BS. Tủa bảo, dân số của xã trên 3.000 người nên có hôm trạm xá đông như cái bệnh viện nhỏ. Ví như mấy hôm nay trời trở lạnh, trạm xá tiếp nhận hơn 30 cháu bị viêm họng để tiêm trong một ngày, chưa kể hàng chục bệnh nhân lưu trú. Chỉ tay vào một giường bệnh trống, BS. Tủa nói: “Trạm xá vừa mới cho một bệnh nhân người Lào, 13 tuổi tên là Thò Bá Cò về nhà hôm qua. Người nhà đưa cậu ta từ bản Phà Đánh, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn cách 50km đường rừng đến trạm xá lúc 1 giờ đêm ngày 2/11. Lúc đó tôi đang bàn công việc đại hội ở nhà bí thư bản nhưng nghe nhân viên ca trực gọi điện thì đến ngay”. Đến trạm xá, BS. Tủa thấy khuôn mặt bệnh nhân thất thần, tím tái do mất máu, mất nước nhiều nên hội chẩn gấp với kíp trực để xem giữ lại điều trị hay chuyển lên tuyến trên. Sau 30 phút, BS. Tủa quyết định phẫu thuật để lấy ra 30 viên đạn ria. Đây là vụ cướp cò từ khẩu súng săn của người đi sau nên cả “băng” đạn ria găm đầy lưng và gáy của người đi trước. Hôm đó, ca mổ hoàn thành lúc 6 giờ cùng ngày. BS. Tủa nói: “Do biết sẽ phẫu thuật thành công nên tôi mới giữ lại, nếu không phải chuyển bệnh nhân đi cho kịp chuyến xe hiếm hoi trong ngày lúc mờ sáng, nếu lỡ xe thì nguy hiểm đến tính mạng của họ”.

Trạm xá Nhôn Mai là nơi nhiều người Lào giáp biên giới đến điều trị. Ngày 28/3, một vụ cướp cò tương tự khi chiếc súng săn rơi trên gác bếp xuống khiến 28 viên đạn ria găm đầy cẳng chân và gối cô gái Thò Ỷ Dùa, 24 tuổi, trú ở bản Tằng Xâu Xá cũng thuộc huyện Sầm Tớ đang nằm trong lán ngoài rẫy khiến cô gái này bị trọng thương. Người nhà đưa bệnh nhân đến lúc 4 giờ sáng. “Do trước đây tôi đã nhiều lần chữa bệnh cho dân bản Lào nên giờ ai gặp nạn hoặc gặp bệnh hiểm nghèo là họ gọi điện. Biết tôi ở trạm xá là họ đến, không ở trạm họ không đến. Họ bảo chỉ có BS. Tủa mới chữa khỏi được. Dân tin như thế nên hễ gặp nạn hoặc mắc bệnh là vượt rừng đến đây”, BS. Tủa nói chân thật.

Mới cách đây vài hôm, lúc 22 giờ BS. Tủa đang họp chi bộ thì nghe bệnh nhân kêu đau dữ dội trên trạm xá nên vội vàng cáo họp chạy lên xử lý cho bệnh nhân. Người bệnh bị gai đốt sống chèn dây thần kinh khiến toàn thân không cử động được. Giờ thì bệnh nhân đi lại được rồi. Nói đoạn, BS. Tủa chỉ bệnh nhân Thò Y Kia ở bản Huồi Mai, xã Nhôn Mai đang đi dạo dưới vòm xây ngoài sân trạm xá.

Những ca bệnh nhớ đời

Năm 2001, bệnh nhân Và Lìa Ninh trú ở bản Piêng Coọc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương mang một khối bướu cổ bị áp-xe chèn ngang vùng cổ đến với tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau. Vợ bệnh nhân cho biết đã bán hai con bò được 7 triệu đồng để đưa chồng đi chữa các thầy lang khắp nơi trong tỉnh nhưng không được. Họ bảo bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối nên trả về. Hôm ấy, bố bệnh nhân Ninh đến hỏi BS. Tủa, giọng gấp gáp: “Anh có giải quyết được không, nhanh tay giúp con tôi đi”. BS. Tủa trả lời: “Để tôi kiểm tra cho cẩn thận đã nhé”.

BS. Tủa lật chiếc khăn trùm lên ổ bướu thấy vết áp-xe lở loét, bốc mùi vì có phần đã bị hoại tử. Khám xong, BS. Tủa cho gia đình bệnh nhân Ninh biết “sẽ giải quyết được”. BS. Tủa kể: “Bệnh nhân Ninh bị ung bướu từ nhỏ, năm 30 tuổi bị áp-xe nhưng tự chữa trị ở nhà mấy tuần rồi mới đi viện. Xác định được nguyên nhân căn bệnh, chúng tôi cắt bỏ phần hoại tử rồi đặt ống dẫn lưu cho mủ chảy ra ngoài. Khối u nặng 2,5kg. Quy trình này chiếm mất một tuần. Sau khi hết mủ, chúng tôi dùng kháng sinh liều cao điều trị tiếp 10 ngày. Hai tuần sau bệnh nhân khỏi hẳn”. Chi phí tiền thuốc chỉ hết 400.000 đồng. Ngày rời trạm xá về nhà, bệnh nhân Ninh đổi tên cũ Và Lìa Ninh thành tên mới Và Nhia Sáu với ý nghĩ “không làm người cũ phải mang bệnh nữa”. Xong anh làm vía cho BS. Tủa và xin được gọi BS. Tủa bằng bố.

Trước đó, năm 1998, ca bệnh nhân Và Xế Đà (24 tuổi) ở bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai cũng bị cướp cò súng săn gần rụng cả cánh tay phải. Nghe người nhà gọi điện báo tin lúc 15 giờ, BS. Tủa khẩn trương soạn đồ nghề và cầm thêm chiếc đèn pin vì quãng đường 25km nhưng khe suối, dốc rừng cheo leo phải đi mất 12 giờ. Đêm vượt qua mọi chướng ngại trên đường rừng nhưng BS. Tủa vẫn nhẫn nại “bấm chân đi khi nào đến mới thôi”. Phải đến 4 giờ hôm sau BS. Tủa mới đến nơi. BS. Tủa bảo, mình “không kiên trì và không đi như chạy” thì không kịp, bệnh nhân sẽ chết mất do bị mất máu quá nhiều. Nạn nhân bị loạt đạn súng Săm - lét làm “bay” cả khuỷu tay chỉ còn một miếng da nối liền khuỷu tay với cánh tay. Đến nơi, BS. Tủa ga-rô, thấy động mạch phun máu thì BS. Tủa thắt lại, rửa sạch vết thương rồi nối liền các sợi gân và các mạch máu. “Phải mất 4 giờ sau mới đưa cánh tay về đúng vị trí của nó. Giờ thi thoảng anh Đà đi xe máy đến trạm xá thăm tôi rồi nói: không có BS. Tủa thì không còn cánh tay phải nữa”, BS. Tủa nhớ lại.

Nhắc đến những ca bệnh nhớ đời, BS. Tủa không quên câu chuyện vợ ông Học Văn Tình, trú ở bản Sỏi Voi, xã Nhôn Mai tự sinh đẻ ở nhà nhưng trở dạ từ 6 giờ đến 18 giờ mà “mới lấy được con ra nhưng bánh rau không ra được do người nhà cầm rốn rau kéo ra khiến rốn rau bị đứt, làm bụng bị trướng”. Nghe người nhà khẩn thiết yêu cầu, BS. Tủa quyết định đi bộ quãng đường rừng khoảng 18km. Lần này, BS. Tủa cũng vừa đi vừa chạy nếu không bệnh nhân khó qua khỏi. Đến nơi, BS. Tủa mới biết do bụng bị trướng nên sản phụ không dám ăn gì, môi tím tái. BS. Tủa truyền dịch xong rồi mới dùng thuốc giãn cơ để lấy rau ra. Khi thấy “mẹ tròn, con vuông” dân bản ở đây mới kể cho BS. Tủa nghe người nhà sản phụ mời thầy về khài (cúng) cả đêm. Ai bày thuốc gì cũng uống nhưng bụng vẫn trướng. Nay thì tốt rồi.

“Không ít lần người nhà bệnh nhân gọi điện trong đêm mưa. Nhưng mưa mình vẫn khẩn trương lên đường. Là thầy thuốc ở bản nên người nhà có bệnh nhân đau đớn, nguy cấp mới gọi đến mình nên không đi thì không phải là thầy thuốc dù phải đi bộ, đường xa, trời mưa. Đó không chỉ là “máu” say mê nghề nghiệp mà còn là lương tâm, trách nhiệm của một thầy thuốc của dân bản”, BS. Tủa bộc bạch.

Một lần, đang đêm mưa như xối nước, BS. Tủa bấm đèn pin dõi đường vô bản Na Hỉ nơi có sản phụ 18 tuổi tự sinh đẻ ở nhà nên cũng bị bong rau. Do đường rừng không đi được xe máy, thấy người nhà sản phụ chạy, BS. Tủa cũng chạy theo. Cảnh chạy đường rừng đi cứu bệnh nhân đã quen vã mồ hôi nhưng có kinh nghiệm xử lí bong rau nên vụ ấy sản phụ trẻ Lu Thị Giống cũng được “mẹ tròn, con vuông”. Mới đây, một ca đến trạm xá để đẻ. Nhân viên y tế khám thấy thai bình thường nhưng khi chuyển dạ, sản phụ kiệt sức, con không lọt được vào khung chậu. BS. Tủa phải gọi xe cấp cứu từ Bệnh viện đa khoa huyện Tương Dương. Đường xa 140km, phải 4 giờ sau chiếc xe cấp cứu mới tới sân trạm xá. Khi chuyển sản phụ lên xe, BS. Tủa mang túi thuốc đi theo luôn để theo dõi và truyền dịch. Đang đi giữa đường do xe xóc, sản phụ sinh con, BS. Tủa đỡ luôn trong xe.

“Tôi thích làm bác sĩ ở bản”

Dừng câu chuyện, BS. Tủa đi thăm khám bệnh nhân Hùng Văn Mai (52 tuổi) trú tại bản Xà Mặt, xã Nhôn Mai. Bệnh nhân Mai được cáng vào trạm lúc 3 giờ ngày 11/11 khi toàn bộ da đầu bị bong tróc, máu chảy nhiều do đang đi thăm rẫy thì mưa lớn gây sạt núi đá, vùi lấp. Ca này cũng được BS. Tủa cấp cứu kịp thời trong đêm. Sau 18 mũi khâu, điều trị trong 8 ngày, nay ông Hùng đã rời trạm xá đi làm rẫy bình thường.

Lần theo các câu chuyện, chúng tôi mới hiểu vì sao một bác sĩ, trạm trưởng trạm y tế vùng sâu, vùng xa như BS. Tủa được nhiều dân bản biết đến với tình cảm mến phục như vậy. Riêng bí quyết về những ca bệnh phức tạp được điều trị thành công, BS. Tủa nói: “Bí quyết là thời sinh viên Trường đại học Y Thái Bình tôi thường xuyên làm phụ mổ cho thầy nên đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý để rèn giũa kỹ năng cho mình. Có kỹ năng thì càng vững tin khi điều trị”. Những năm gần đây, bình quân BS. Tủa điều trị trên 3.000 ca bệnh, chưa có một ca nào tử vong. BS. Tủa nêu kinh nghiệm: “Phải nắm chắc khả năng tay nghề của mình. Nếu thấy ca nào vượt tầm chữa trị thì giới thiệu cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên”.

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y Thái Bình (2002-2006), BS. Tủa ra trường, xin về công tác ở Trạm xá Nhôn Mai. Vì là bác sĩ đầu tiên của người Mông tốt nghiệp đại học, nhất là về ngành y nên ông Phạm Quốc Dương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương nêu yêu cầu bố trí BS. Tủa làm việc tại huyện nhưng BS. Tủa một mực xin về xã với lý do “xã còn nghèo, đông dân cư nên muốn làm việc ở trạm xá để giúp được nhiều bà con dân bản”. Trong lúc đó, Đảng ủy, UBND xã cũng không muốn BS. Tủa ra huyện vì “mất một đảng ủy viên, đại biểu HĐND xã”.

Còn chuyện anh làm cho bố mất nghề? Chúng tôi hỏi, BS. Tủa kể: “Bố tôi là ông Và Chia Chừ làm nghề thầy cúng từ lâu. Ông là thầy cúng già có uy trong bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai. Từ khi tôi trở thành bác sĩ, cứu chữa được nhiều ca bệnh hiểm nghèo thì hai bố con thường có những cuộc tranh luận về hiệu quả khoa học ngành y và nghề khài (cúng). Tôi từng hỏi bố, nếu bệnh nhân đau ngực hoặc viêm cơ dữ dội thì bố khài có khỏi không. Bố tôi nói: “Muốn khỏi thì cũng phải từ từ và còn do may mắn”. Nhưng tôi khẳng định: “Sau 30 phút điều trị, con làm cho họ hết đau, hết sốt ngay”.

Trong một cuộc khác, BS. Tủa hỏi bố: “Nạn nhân bị trúng đạn do súng cướp cò, bố khài thì có đưa viên đạn ra được không”. Ông Chìa nói: “Không đưa ra được nhưng vẫn khỏi”. BS. Tủa phản biện: “Phải mổ lấy viên đạn ra mới khỏi và không để lại di chứng gì”. Nghe con lập luận bằng thực tế đã trải, ông Chìa nói: “Bố chịu rồi. Giờ thì chỉ có con mới giải quyết được”. BS. Tủa cho hay: “Ngày xưa, mỗi ngày bố tôi khài 5-6 lần. Giờ thì mỗi năm bố chỉ khài một vài lần. Bố tôi khài theo phong tục, tập quán cho gia đình họ vui chứ không cam đoan như trước là sẽ khỏi bệnh. Bố tôi nói, muốn khỏi phải nhờ BS. Tủa”.

Một tấm gương sáng về y đức

“BS. Và Bá Tủa là một người Mông được đào tạo chính quy. Là bác sĩ vùng cao có tay nghề giỏi, nhiệt huyết. BS. Tủa xem người bệnh như người nhà nên hết lòng cứu chữa từ ca phẫu thuật phức tạp trong đêm đến ca đẻ khó giữa rừng sâu. BS. Tủa thường bỏ tiền túi mua thuốc chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo. Vì thế, dân bản coi BS. Tủa như người ruột thịt. BS. Tủa rất ít khi nói về thành tích của mình nhưng trong các cuộc giao ban y tế cơ sở hàng tháng lại đấu tranh rất thẳng thắn, chân tình. Hình mẫu BS. Tủa không chỉ là tấm gương sáng, độc đáo về một bác sĩ vùng cao mà còn của nghành y tế. Năm 2015, BS. Tủa được Sở Y tế Nghệ An chọn đi dự hội nghị “Gặp mặt cán bộ ngành y tiên tiến - xuất sắc toàn quốc” do Bộ Y tế tổ chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2015) tại Hà Nội. Trước đó, BS. Tủa được Bộ Y tế tặng Bằng khen và ngành y tế Nghệ An quyết định nâng lương trước thời hạn 9 tháng do có thành tích xuất sắc trong công tác khám, chữa bệnh. UBND tỉnh và Sở Y tế cũng đã tặng nhiều Bằng khen, giấy khen”.
BS. Phạm Quốc Dương (Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương, Nghệ An)

Vũ Toàn
Ý kiến của bạn