Hà Nội

Bác sĩ “cõng” methadon về bản

30-09-2016 13:01 | Y tế
google news

SKĐS - Những ngày đầu khi tiếp cận với người nghiện ma tuý, mình cũng gặp không ít trở ngại. Ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán xa lạ, các hủ tục còn quá nặng nề…

“Những ngày đầu khi tiếp cận với người nghiện ma tuý, mình cũng gặp không ít trở ngại. Ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán xa lạ, các hủ tục còn quá nặng nề… Mình loay hoay không biết làm thế nào để có thể tiếp cận được với người dân nơi đây. Ban đầu, mình nhờ người bản địa làm phiên dịch, sau vừa làm vừa học, mày mò mãi rồi cũng thạo, BS. Trần Đức Tình - Trưởng khoa xét nghiệm- Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lai Châu, chia sẻ về những lần đi khởi liều methadon…

Nhất định phải học y

Là con út trong gia đình đông anh em, ngay từ nhỏ Tình đã thấu hiểu được nỗi khổ của cái nghèo, cái đói. Tình nhớ lại, hồi nhỏ ở cùng gia đình, anh cũng vất vả lắm, cứ sáng đi học, chiều lại đi bộ vào rừng cách nhà 6km chặt củi, chặt chuối về cho lợn, rồi trồng khoai trồng ngô phụ giúp gia đình.

BS. Trần Đức Tình.

Ngày nào cũng vậy, thế rồi chẳng thể ngờ được, cậu bé Tình loắt choắt ngày ấy lại có ngày trở thành một bác sĩ rắn rỏi, chững chạc như bây giờ! Anh tiết lộ, trước khi làm bác sĩ anh đã từng là nhà giáo, đi dạy học lớp xóa mù chữ cho người dân tộc Mông. Nhưng điều thôi thúc anh trở thành bác sĩ là chứng kiến cảnh người dân nơi anh sống còn nghèo và vất vả..., khi bị ốm đau lại không được cứu chữa. Trong sâu thẳm cậu bé Tình ngày ấy là cảnh những em bé người dân tộc chân trần trong giá rét, là những củ khoai củ sắn còn bị chia phần, là triền miên ốm đau bệnh tật mà không được cứu chữa. Những năm đó, ở xã nơi Tình và gia đình sinh sống có rất nhiều người nghiện ma túy, rồi nhiễm HIV/AIDS. Có những người bạn, người thân của Tình cũng vướng vào, người còn, người mất… Tình quyết định phải học nghề y, phải học cho có kiến thức  để chữa bệnh cứu người… Thế là bằng mọi giá, sau khi học xong lớp dược sơ học, Tình học tiếp trung cấp y. Không dừng lại đó, khi đã làm ở Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh, anh lại quyết tâm thi đại học. Đến năm 2012, tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình và ra trường, anh tiếp tục trở về phục vụ cho quê hương.

Nhọc nhằn methadon về bản

Lai Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất của nước ta, một trong những điểm nóng về tình trạng nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS. Đa số người nghiện và người nhiễm HIV đều là dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, lại ở vùng sâu vùng xa biên giới nên công tác tiếp cận với người nghiện chích ma tuý để vận động họ điều trị methadon (điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế methadon) gặp nhiều khó khăn lắm, anh chia sẻ. Những ngày đầu khi tiếp cận với người nghiện, Tình cũng gặp không ít trở ngại. Ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán xa lạ, các hủ tục còn quá nặng nề… Anh loay hoay không biết làm thế nào để có thể tiếp cận được với người dân nơi đây. Ban đầu, phải nhờ người bản địa làm phiên dịch, sau anh vừa làm vừa học, mày mò mãi rồi cũng thạo. Giờ thì anh có thể dễ dàng truyền đạt những kiến thức về chăm sóc sức khỏe, tư vấn, vận động người nghiện chích ma túy điều trị methadon bằng tiếng dân tộc Mảng, Hà Nhì, Mông…

Người dân tộc ở đây vừa nghèo lại vừa nghiện ma túy nên cái nghèo lại chồng chất. Nhưng sau những lần được các bác sĩ tư vấn, họ đã đồng ý từ bỏ thuốc phiện và đi uống methadon. Ấy vậy mà để họ có thể tiếp cận được với thuốc methadon không hề đơn giản: Uống thuốc phải đúng giờ, điểm uống thuốc lại xa, có nhà cách điểm uống đến 30-40km đường rừng, núi. Nhà có điều kiện thì đi xe máy, không thì mượn xe, đi xe ôm… Nhưng rất nhiều người không có điều kiện đã bỏ trị. Anh và các đồng nghiệp lại phải đến tận nhà động viên, tư vấn, nhiều lần anh còn lấy xe chở bệnh nhân đến điểm uống methadon, uống thuốc ARV và làm xét nghiệm CD4.

Anh nhớ lần đi khởi liều ở xã Tà Tổng - một trong những xã khó khăn nhất của huyện Mường Tè - Lai Châu. Mùa đông, trời lạnh. Đỉnh Tà Tổng năm ấy còn thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt. Không có nước rửa mặt, anh em chả ai bảo ai, cùng đưa vạt áo blouse lên lau mặt quáng quàng cho xong để ra khám, phát thuốc cho bà con. Ở Tà Tổng, dân số có 6.465 người, chủ yếu là người dân tộc Mông, có tới 90% là theo đạo. Người nghiện ở đây đa số là nghiện thuốc phiện vì thuốc phiện nhiều, sẵn có do tự cung tự cấp nên việc triển khai chương trình cai nghiện bằng uống methadon rất khó khăn. BS. Tình và đồng nghiệp lại cùng nhau mày mò, tìm hướng giải quyết hợp lý, hợp tình và đạt hiệu quả nhất. Để vận động người dân, anh phải xuống địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Khi vận động được người đầu tiên đồng ý điều trị, anh mừng rơn. Thế rồi, cứ kiên trì bám bản, đến nay, số người tham gia điều trị đã lên tới gần 100 người.

Bữa ăn ngay bên suối của các cán bộ phòng chống HIV/AIDS.

Đến bây giờ, BS. Tình không thể nào quên được lần đi khởi liều methadon tại bản Nậm Củm - xã Bum Nưa (Mường Tè - Lai Châu). Đây là một bản người dân tộc Mảng. Bản Nậm Củm nằm cách TP. Lai Châu 145km, vẫn còn lạc hậu và nhiều hủ tục. 1 tháng trời anh phải ở lại bản để dò liều cho bệnh nhân. Nhưng điều trở ngại nhất là bệnh nhân ở đây vừa nghiện thuốc phiện vừa nghiện rượu. Việc tăng liều (để đạt được liều tối ưu có hiệu quả) phải hết sức cẩn thận và theo dõi sát nếu không dễ bị ngộ độc thuốc. Nếu để liều quá thấp thì bệnh nhân vẫn không hết cơn và vẫn tìm đến ma tuý. Không những thế, sinh hoạt cá nhân của các cán bộ làm công tác này cũng khó khăn. Bản không có chỗ ăn ở sinh hoạt cho cán bộ. May là đang mùa hè, học sinh được nghỉ học nên anh ở nhờ nhà trường. Điện thì không có, nước sinh hoạt không có, sóng điện thoại cũng không. Lương thực, thực phẩm phải chờ cơ quan chuyển lên. Đúng dịp đó, Lai Châu lại mưa. Con đường đến bản Nậm Củm sạt lở, giao thông tắc nghẽn. Cả tuần trời, anh ăn mỳ tôm không. Có lần vớt được con cá suối lên thả vào nồi mỳ tôm mà thấy bữa ăn quá xa xỉ!

Chưa kể đến việc tiếp cận những đối tượng nghiện và nhiễm rất khó khăn. Họ thường đi làm nương xa nơi ở từ sáng sớm cho đến tối mịt mới về. Muốn tiếp cận được những đối tượng này chỉ có cách là đi vào buổi tối. Vì vậy mà các anh thường xuyên làm công tác tư vấn ngoài giờ. Chưa kể đến những lần tiếp cận thất bại vì nhiều người nghiện không chấp nhận tư vấn, thậm chí có trường hợp đuổi, đánh cán bộ.

Vất vả, khó khăn là thế, nhưng với BS. Trần Đức Tình, được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công tác phòng chống HIV/AIDS là niềm hạnh phúc lớn.

Góp phần thay đổi những mảnh đời

Thông thường, mỗi lần đi khởi liều kéo dài khoảng 1 tháng. Và mỗi chuyến đi lại càng khiến cho niềm đam mê nghề ở BS. Tình và những người cùng chí hướng như anh thêm sâu đậm.

Người dân nộp bàn đèn cho cán bộ phòng chống HIV/AIDS

Theo chân BS. Tình đến bản Nậm Củm (xã Bum Nưa - Mường Tè), chẳng thể tin được đây là bản mà vài năm trước người ta vẫn nói đùa rằng nhà giàu nhất bản chỉ có 1 cây đu đủ thế mà bây giờ đã có nhà có trâu, lợn, gà, vịt, có nhà lại nuôi cá, nuôi tôm, có nhà tậu được cả xe máy… Trước đây, cả bản có 28 hộ dân thì có tới 27 hộ có người nghiện thuốc phiện, chỉ riêng nhà trưởng bản là không có người nghiện. Nhờ có sự tư vấn, hướng dẫn của anh cùng các cán bộ của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm y tế huyện Mường Tè, đến nay, những người nghiện trong bản đã nộp bàn đèn và đi uống methadon. “Cái nghiện khổ lắm. Ngày trước, hai vợ chồng cùng hút, có bao nhiêu tiền đều mua thuốc phiện. Nghe theo cán bộ, giờ uống cái thuốc này, người khỏe lên nhiều rồi. Không nghiện nữa, làm được nhiều việc, chăm sóc con được rồi…”, Lò Thị V. (dân tộc Mảng - bản Nậm Củm) vui vẻ kể lại.

Lò Thị Th. cũng vậy. Không ai có thể tin được cô gái sinh năm 1992 xinh xắn, học vấn cao nhất bản Nậm Củm này lại có thời gian dài ngập trong khói thuốc phiện... Nhưng, từ khi các cán bộ ở trung tâm mang những liều thuốc cai nghiện bằng methadon đến bản, biết bao người như Th. đã thay đổi. Điểm uống methadon lại được đặt ngay tại bản. Người dân không phải đi xa để uống thuốc nữa. Th. bảo: “Trước mình chỉ biết đến thuốc phiện và rượu thôi. Nhờ có BS. Tình và cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV mà bây giờ khỏe rồi. Uống methadon cái người khỏe ra, tăng cân, đầu óc không nghĩ đến thuốc phiện nữa… chỉ lo làm ăn nuôi con thôi…”.

BS. Tình nhớ mãi lần đi công tác tại huyện Sìn Hồ. Khi đang đi vào chợ cùng mấy người bạn, có một người quần áo đầy xi măng, bụi bặm, níu anh lại, đưa cho anh một củ đậu và nói: “Bác sĩ cho uống thuốc này tốt thật, không lên cơn nữa. Hôm nay em đi làm có tiền rồi, không phải dành tiền mua thuốc phiện nữa, có tiền mua củ đậu mời bác sĩ…”. “Mình cầm củ đậu mà sao thấy hạnh phúc thế!”, ánh mắt anh ngập tràn niềm vui khi nhắc lại chuyện cũ. “Rồi những khi được người dân trong bản mời ở lại ăn cơm, mặc dù chỉ có đĩa rau cải và bát canh gừng cũng làm cho mình thấy ấm lòng. Khi ra về, bà con còn cho bắp ngô củ sắn, măng khô mang về làm quà”, BS. Tình chia sẻ.

Với anh, đây chính là những món quà vô giá mà không phải ai, không phải lúc nào cũng nhận được!

Cho đến nay, sau 10 năm làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, hầu như tất cả các bản xa nhất của Lai Châu đều in dấu chân anh. Nhưng chặng đường ấy không trải hoa hồng như người ta vẫn nghĩ. Vẫn còn đó những đau đáu về nghề, về tình bà con, tình anh em. Anh bảo: “Người dân tộc ở Lai Châu nghèo lắm. Đi nhiều mới thấy, còn nhiều người cần được chia sẻ, giúp đỡ. Làm sao để có thể giúp cho người dân mình bớt khổ, thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo khó, ma tuý, HIV/AIDS…”.

Ngoài kia, mặt trời xuống dần phía sau núi. Mọi người hối hả trở về với mái ấm của riêng mình. Nhưng, BS. Tình và nhiều cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS lại sắp bắt đầu công việc của mình...


NGUYễN HẠNH
Ý kiến của bạn