Ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong phiên trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông tin một chủ trương về việc đào tạo liên thông (bác sĩ chuyên tu) như sau: Dạng đào tạo bác sĩ liên thông chúng tôi sẽ hạn chế dần, tiến tới không đào tạo nữa để tập trung đào tạo bác sĩ chính quy. Giai đoạn vừa qua duy trì hình thức này vì nếu không sẽ không có bác sĩ cho tuyến huyện, xã. Việc dừng này cũng phải có lộ trình để không gây xáo trộn, có thể so sánh như sự cải cách trong đào tạo thầy thuốc khám chữa bệnh. Đây sẽ là xu hướng tiến tới dừng đào tạo bác sĩ chuyên tu, chỉ còn những bác sĩ được đào tạo chính quy, bài bản, đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Vai trò lịch sử của hệ đào tạo liên thông
Bác sĩ chuyên tu là những người đã có bằng y sĩ trung học hoặc cao đẳng. Sau khi có thâm niên chuyên môn thực tế 3 - 5 năm, tùy theo địa bàn công tác ở miền núi, vùng xa, vùng sâu hay đồng bằng, họ đi học tiếp hệ chuyên tu và sau khi được cấp bằng, họ được hành nghề với chức danh bác sĩ, tham gia khám chữa bệnh ở bệnh viện (BV) hoặc làm về công tác dự phòng bệnh với cộng đồng.
Nói về vai trò của bác sĩ (BS)chuyên tu, BS. Nguyễn Công Huấn – Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho biết: Tách tỉnh từ năm 1997, Lai Châu rất thiếu BS nên đã xây dựng đề án đào tạo BS tại chỗ học liên thông theo địa chỉ. Với 200 BS được đào tạo như thế cho đến nay, số BS ở Lai Châu đã tăng từ 2,4 người/1 vạn dân lên 7,4 BS/1 vạn dân. Những người đi học về, công tác ở vị trí BS dự phòng thì rất tốt, bởi trước đó, họ đã có một vài năm kinh nghiệm làm ở cộng đồng. Nhưng để khám chữa bệnh trực tiếp, không ít người sẽ “non tay”. Vì thế, xu hướng sẽ là ngày càng phải thanh lọc, nâng cao chất lượng tay nghề BS hơn.
Cùng chung quan điểm với BS. Huấn, BS. Trần Đức Quý - Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho rằng, hiện nay, tỉnh này có 6,68 bác sĩ và 0,53 dược sĩ/vạn dân. Tuyến xã chỉ có 55/195 trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực có BS về công tác. Đối với BVĐK, cấp chuyên môn cao nhất của ngành y tế của địa phương, hiện còn thiếu khoảng 40 BS. Tuyến huyện trung bình mỗi BV tối thiểu phải có từ 20 BS trở lên, trạm y tế phải đạt 1 BS/trạm, nhưng thực tế số lượng này hiện tại cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% theo yêu cầu. Theo dự tính từ nay đến năm 2015, Hà Giang cần thêm khoảng 500 BS ở các chuyên khoa khác nhau và gần 100 DSĐH. Có được số lượng BS kể trên, đó là sự quan tâm đầu tư về con người và cố gắng rất lớn của lãnh đạo tỉnh Hà Giang trong thời gian qua dù là chưa đủ nhưng đáp ứng một phần yêu cầu từ thực tiễn. Bởi lẽ mô hình bệnh tật ở những địa phương như Hà Giang khác hẳn so với đồng bằng và các thành phố lớn. Nếu ở đồng bằng, người dân chủ yếu mắc các bệnh không lây nhiễm thì tại đây, dân chủ yếu mắc các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh chậm phát triển do yếu tố thời tiết, khí hậu, đời sống sinh hoạt.
“Y tế cơ sở rất khó tuyển được BS chính quy” – đó là câu nói cửa miệng của rất nhiều GĐ BV hoặc TTYT tuyến huyện, ngay cả ở những huyện ngoại thành Hà Nội. Bởi rất đơn giản, nền tảng cơ sở vật chất, thuốc men, thậm chí số lượng bệnh nhân ở tuyến cơ sở rõ ràng không phải là môi trường lý tưởng cho các BS có điểm đầu vào ĐH trên 27 điểm, qua ít nhất 6 năm đèn sách, muốn cọ xát thực tế, nâng cao tay nghề.
Nhưng nếu ở các vùng xa, vùng sâu cứ bám vào lý do không có BS chính quy và mãi bằng lòng với nhân lực trình độ chuyên tu thì sẽ chẳng bao giờ ngăn được dòng bệnh nhân đổ về bệnh viện tỉnh, bệnh viện tuyến TW như hiện nay. Có lẽ đó là nguyên nhân căn cốt nhất để Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mở lời cho một lộ trình dừng đào tạo BS hệ chuyên tu, dù biết nút mở có thể phải 7 - 10 năm nữa chắc mới có thể bắt đầu như BS. Cứ A Hồng – GĐ BV huyện Mù Cang Chải, Yên Bái dự liệu.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Trong quá trình hình thành nên hệ đào tạo liên thông (BS chuyên tu) đã đóng góp vai trò rất lớn trong hệ thống y tế cơ sở. Nhiều thế hệ BS đào tạo chuyên tu nhờ có kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống, lăn lộn với địa bàn, am hiểu đời sống của nhân dân được đào tạo ở mái trường đại học, khi trở về địa phương công tác đã đóng góp rất lớn cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Một lãnh đạo ngành y tế ở khu vực Tây Nguyên (đề nghị không nêu tên) chia sẻ, không thể phủ nhận vai trò của BS chuyên tu khi về cơ sở công tác. Cốt lõi ở vấn đề chính là tuyển dụng, cử đi đào tạo, năng lực người học và phương pháp đào tạo của các trường làm lên chất lượng của người BS chuyên tu.
Trước mắt, trong giai đoạn hiện nay, để nâng cao chất lượng đào tạo hệ BS chuyên tu, nhiều địa phương đã đổi mới mạnh mẽ phương thức cử người đi đào tạo. Gắn trách nhiệm của người học với cơ sở đào tạo, có đánh giá sau khi ra trường về cơ sở công tác. “Y tế Hà Giang hiện vẫn đang duy trì các hệ đào tạo theo địa chỉ và liên thông đi đôi với việc giám sát, kiểm định chất lượng đào tạo của trường y thông qua việc đánh giá chất lượng cán bộ y tế sau khi ra trường. Yếu tố cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo nữa là kênh thông tin phản hồi từ phía đơn vị sử dụng nguồn nhân lực với cơ sở đào tạo để đào tạo “trúng” với nhu cầu y tế tỉnh nhà. Hợp đồng trách nhiệm với các trường đại học về quản lý chặt chẽ chất lượng ngay từ đầu vào và trong suốt quá trình đào tạo” - ông Trần Đức Quý cho biết.
BS. Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam bộc bạch, hiện tỉnh này có 5 BS/vạn dân, trong khi các địa phương khác là 6 – 8 BS. Để giải quyết bài toán thiếu nhân lực, Quảng Nam vẫn cử y sĩ đi đào tạo lên đại học theo hình thức chuyên tu, đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển. Đa số những người được cử đi học nâng cao trình độ là y sĩ ở tuyến xã, tuyến huyện. Số BS này sau thời gian đi học về sẽ phải công tác tại tuyến huyện một thời gian để kiểm tra tay nghề sau đó mới cử về các xã để làm việc.
Xây dựng lộ trình phù hợp
BV huyện Mù Cang Chải nhiều năm qua không bổ nhiệm được Phó Giám đốc. Đơn giản là BV không tuyển được BS thứ 2 nào, ngoài BS. Cứ A Hồng đã công tác ở đây 20 năm qua. BS. Hồng cũng nhìn nhận: “Ở vùng cao, nhận BS chuyên tu về đến lúc nào đó sẽ không cập nhật được trình độ. Mấy năm nay, BV huyện và TTYT huyện Mù Cang Chải cử một số y sĩ đi học BS chuyên tu, nhưng khổ nỗi, họ thi đầu vào ĐH Y Thái Nguyên hay Thái Bình đều không đỗ. Biết rằng vùng cao khó có BS lắm, nhưng cũng không thể ra khỏi xu hướng tương lai là chỉ chọn ai có tài mà thôi. Tuy nhiên, hiện nay, Trường Cao đẳng y Yên Bái vẫn tuyển hệ y sĩ. Mà y sĩ không được cấp chứng chỉ hành nghề, họ buộc lòng sẽ phải học chuyên tu để có bằng BS. Vậy để dừng đào tạo BS chuyên tu thì phải dừng trước hình thức đào tạo y sĩ. Và nên bắt đầu từ các huyện đồng bằng”.
Hiện nay, hầu hết các trường ĐH Y vẫn đào tạo BS liên thông. Riêng Đại học Y Hà Nội, từ nhiều chục năm nay đã không đào tạo BS liên thông đa khoa, trừ những trường hợp đặc biệt. Đó là cách đây 4 năm, khóa BS đa khoa liên thông cho 6 tỉnh nghèo khu vực Bắc Trung Bộ theo dự án của Bộ Y tế. PGS.TS. Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội cho biết: “BS đa khoa sẽ phải thực hành khám chữa bệnh nên cần có đủ tố chất, phải được đào tạo bài bản, có chất lượng đầu ra cao. Với đầu vào của đào tạo liên thông, theo tôi chưa đáp ứng được yêu cầu này. Thiếu nguồn nhân lực ở vùng xa, vùng sâu là câu chuyện của tất cả các ngành/nghề. Tuy nhiên, với ngành y trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe nên dù đào tạo bao nhiêu thì chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Vì thế, tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương tiến tới xóa bỏ đào tạo BS liên thông. Trước mắt, để hạn chế đào tạo BS liên thông tràn lan, chỉ nên đào tạo liên thông cho các vị trí BS cụ thể của địa phương. Họ phải có cam kết, ràng buộc rõ ràng để chắc chắn họ sẽ trở về làm việc”. Ngành y là ngành đặc biệt, gắn liền với sinh mạng của con người nên được đào tạo đặc biệt và phải cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt, đó là chủ trương xuyên suốt của Nhà nước ta. Trong nhiều năm tới, đào tạo BS chuyên tu không thể tách rời nhu cầu và thực tiễn từ đời sống. Gắn đào tạo với địa chỉ cụ thể, có cam kết rõ ràng, nâng cao chất lượng đầu vào và chất lượng học để tạo ra sản phẩm đặc biệt chăm lo sức khỏe là việc cần làm ngay. Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể để tiến tới dừng hay không dừng hệ đào tạo liên thông cần phải bàn thảo kỹ ở nhiều cấp và sự vào cuộc của từ cả ngành giáo dục – đào tạo.
Nhóm phóng viên YTĐP