- 1. Sảy thai không phải lỗi của người mẹ
- 2. Khả năng sảy thai nhiều lần tương đối thấp
- 3. Sảy thai thường xảy ra sớm trong thai kỳ
- 4. Triệu chứng sảy thai khác nhau
- 5. Có thể không biết đã sảy thai
- 6. Cân nặng của phụ nữ có thể làm tăng tỷ lệ sảy thai
- 7. Đau buồn sau sảy thai
- 8. Khi nào cần đi cấp cứu?
- 9. Sảy thai có thể mất vài ngày
- 10. Khả năng sinh sản sau sảy thai thay đổi
Sảy thai là tình trạng mất thai xảy ra trong vòng 20 tuần đầu tiên của thai kỳ, khả năng sảy thai là khoảng 10% đến 20%. Nếu thai phụ có nguy cơ hoặc từng bị sảy thai có thể có nhiều thắc mắc như tần suất sảy thai xảy ra, nguyên nhân phổ biến là gì...
Bất cứ phụ nữ mang thai nào cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ sảy thai. Ngay cả một phụ nữ khỏe mạnh đã mang thai đủ tháng cũng nên biết các triệu chứng dẫn đến sảy thai.
1. Sảy thai không phải lỗi của người mẹ
Hầu hết các trường hợp sảy thai là do bất thường về nhiễm sắc thể, xảy ra tại thời điểm thụ tinh và không thể dự đoán hoặc thay đổi sau đó. Rất ít bác sĩ có thể làm gì để ngăn chặn tình trạng sảy thai đang diễn ra trong ba tháng đầu. Hiếm có cách nào để dự đoán hoặc ngăn chặn chúng nếu sảy thai xảy ra tự nhiên.
Nếu thai phụ đã sảy thai nhiều lần, bác sĩ sẽ tìm biện pháp ngăn ngừa các biến cố trong tương lai bằng cách điều trị các nguyên nhân sảy thai cụ thể có thể phòng ngừa được.
2. Khả năng sảy thai nhiều lần tương đối thấp
Rất nhiều phụ nữ bị sảy thai vẫn sinh được một hoặc nhiều con; khả năng sảy thai nhiều lần là tương đối thấp.
Trên thực tế, chỉ có khoảng 5% phụ nữ sảy thai ít nhất 2 lần liên tiếp trong khi chỉ có 1% trải qua 3 lần sảy thai trở lên. Nếu đã sảy thai từ 2 lần trở lên, bạn nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia về vô sinh để xem liệu bạn có nên đi xét nghiệm các tình trạng gây sảy thai tái phát hay không. Các bác sĩ thường không tìm kiếm nguyên nhân cơ bản dẫn đến sảy thai cho đến khi bị sảy thai từ hai lần trở lên.
3. Sảy thai thường xảy ra sớm trong thai kỳ
Định nghĩa sảy thai là thai bị sảy trước 20 tuần. Hầu hết các trường hợp sảy thai đều xảy ra trước mốc 12 tuần và xảy ra ngay cả trước khi phát hiện nhịp tim. Mất thai sau 20 tuần được gọi là thai chết lưu.
4. Triệu chứng sảy thai khác nhau
Tùy thuộc vào giai đoạn mang thai, các triệu chứng sảy thai có thể khác nhau. Trong một số trường hợp, việc sảy thai xảy ra nhanh đến mức thậm chí có thể người phụ nữ không biết mình đang mang thai cho đến khi sảy thai.
Một số triệu chứng phổ biến của sảy thai:
- Chuột rút, đau bụng dưới;
- Có dịch nhờn tiết ra từ âm đạo;
- Mất các triệu chứng thông thường của thai kỳ như đau ngực, người mỏi mệt...
Trong một số ít trường hợp, sảy thai có thể do thai phát triển bên ngoài tử cung, được gọi là mang thai ngoài tử cung. Lúc này, thai phụ thường có các triệu chứng sau:
- Đau bụng dai dẳng và dữ dội, thường ở một bên;
- Chảy máu âm đạo, thường xuất hiện sau khi cơn đau bắt đầu;
- Đau thắt lưng;
- Tiêu chảy, nôn mửa;
- Cảm giác lâng lâng, có thể ngất xỉu.
Mẹ bầu có thể có những triệu chứng này mà không bị sảy thai, vì vậy nếu đang mang thai và có các triệu chứng này hãy đi khám ngay.
5. Có thể không biết đã sảy thai
Đôi khi mẹ bầu không có dấu hiệu sảy thai bên ngoài. Sảy thai thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm, khám thai định kỳ hoặc khi không thể tìm thấy nhịp tim trên máy đo nhịp tim doppler cầm tay vào đầu giai đoạn thứ 2 của thai kỳ.
Sau khi chẩn đoán sảy thai, bác sĩ có thể giúp xác định các bước tiếp theo, chẳng hạn như có thể quyết định để sảy thai tự nhiên, nghĩa là chờ đợi các triệu chứng bắt đầu và mô của thai nhi tự đào thải. Bác sĩ có thể tư vấn về một loại thuốc gây ra các cơn co thắt để mô đi qua sớm hơn hoặc lựa chọn can thiệp y tế như thủ thuật nong và nạo.
6. Cân nặng của phụ nữ có thể làm tăng tỷ lệ sảy thai
Cân nặng nằm ngoài phạm vi cân nặng bình thường là một nguy cơ làm tăng khả năng bị sảy thai. Nếu quá gầy hoặc thiếu dinh dưỡng dễ làm tăng tỷ lệ sảy thai thì bệnh đái tháo đường và béo phì được kiểm soát kém cũng có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Mô mỡ dư thừa dẫn đến nồng độ estrogen và testosterone trong cơ thể cao hơn và cũng có thể dẫn đến kháng insulin, rối loạn tuyến giáp hoặc tăng huyết áp.
7. Đau buồn sau sảy thai
Sảy thai là điều không mong muốn của các mẹ bầu, sau biến cố này nếu không được điều trị và quan tâm kịp thời của người thân, chị em phụ nữ có thể bị trầm cảm, sang chấn nặng về tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống. Do đó vai trò của gia đình, người thân mà đặc biệt là sự quan tâm chăm sóc, an ủi, vỗ về của người chồng.
Các liệu pháp tâm lý trong trường hợp này rất hiệu quả. Việc thường xuyên ra ngoài hít thở không khí, tập thể dục để cơ thể khỏe mạnh, tập yoga, tập thiền sẽ giúp vơi đi nỗi đau. Có thể đi du lịch cùng chồng, gặp gỡ bạn bè để trò chuyện giải tỏa tâm trạng. Điều quan trọng là phải luôn hướng đến lối sống tích cực để tinh thần có thể phấn chấn, lạc quan để chuẩn bị sức khỏe để sẵn sàng chào đón những đứa con tiếp theo.
8. Khi nào cần đi cấp cứu?
Bác sĩ thường không thể làm bất cứ điều gì để giúp tránh bị sảy thai trong ba tháng đầu của thai kỳ. Nhiều trường hợp không thể nhận được chẩn đoán xác nhận rằng đã sảy thai chỉ sau một lần khám. Bác sĩ có thể kiểm tra sảy thai bằng cách xét nghiệm hormone thai kỳ hCG trong máu. Thông thường, mức hCG sẽ tăng gấp đôi khoảng hai đến ba ngày một lần trong ba tháng đầu tiên.
Nếu mẹ bầu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, nên đến phòng cấp cứu ngay lập tức:
Chảy máu: Thời gian ra máu trong sảy thai có thể khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, ra máu thường là một trong những triệu chứng đầu tiên của sảy thai. Dấu hiệu ra máu sảy thai và đau quặn có thể kéo dài đến 2 tuần. Sau thời gian này, lượng máu sẽ giảm dần và có thể kéo dài thêm 1 – 2 tuần. Thế nhưng, cũng có trường hợp sảy thai chỉ ra máu trong vài giờ. Việc sảy thai gây chảy máu bao lâu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Đau bụng: Mẹ bầu bị đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân, đôi khi đó là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Do đó tốt nhất khi cảm thấy đau bụng âm ỉ hoặc đau thành cơn liên tục, mẹ bầu nên liên hệ với bác sĩ để thăm khám, siêu âm nhằm biết chính xác nguyên nhân gây đau bụng để xử lý kịp thời.
Nghi ngờ mang thai ngoài tử cung: Mang thai ngoài tử cung là trường hợp cấp cứu y tế vì thai ngoài tử cung vỡ có thể gây tử vong, việc phát hiện và điều trị sớm giúp giảm nguy cơ vỡ và chảy máu trong. Các lựa chọn điều trị cho thai ngoài tử cung bao gồm phẫu thuật hoặc dùng thuốc để chấm dứt thai kỳ. Ngoài ra, bác sĩ có thể theo dõi nồng độ hCG nếu như thai ngoài tử cung chấm dứt một cách tự nhiên.
9. Sảy thai có thể mất vài ngày
Sảy thai trong ba tháng đầu thường không xảy ra ngay lập tức. Vào thời điểm các triệu chứng thực thể của sảy thai xuất hiện, thai nhi đã không còn sự sống, đôi khi hơn một tuần trước đó.
Sảy thai có thể biểu hiện bằng việc chảy máu bắt đầu như những đốm nhỏ và sau đó tiến triển thành dòng chảy nặng hơn kèm theo cục máu đông sau vài ngày. Mẹ bầu có thể bị chảy máu ở mức độ nào đó trong tối đa hai tuần, mặc dù lượng máu sẽ không nhiều trong suốt thời gian đó.
Thời điểm chính xác về thời gian sảy thai kéo dài bao lâu là khá khác nhau đối với mỗi phụ nữ, nhưng rất có thể sẽ bắt đầu và hết chảy máu trong vòng hai tuần kể từ khi được chẩn đoán.
10. Khả năng sinh sản sau sảy thai thay đổi
Không thể dự đoán chính xác khi nào sẽ có khả năng sinh sản trở lại. Một số phụ nữ tiếp tục rụng trứng chỉ sau hai tuần sau khi sảy thai, trong khi những người khác có thể phải đợi đến ba tháng trước khi chu kỳ kinh nguyệt bình thường trở lại. Nếu không muốn mang thai lần nữa ngay lập tức thì nên sử dụng biện pháp bảo vệ cho đến khi sẵn sàng.
Nếu muốn an toàn cho lần mang thai mới, ngoài việc tính thời gian rụng trứng thì sẽ có một số điều nhất định phải chuẩn bị để đưa cơ thể vào trạng thái tốt nhất khi mang thai và hãy lên lịch sắp xếp để quản lý thai.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Phụ nữ trên 35 tuổi số lượng trứng giảm, tỷ lệ mang thai thấp.