Bác sĩ chống độc chỉ rõ 3 sai lầm khiến người dân ăn phải nấm độc

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên

Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai

21-02-2017 10:27 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Ngay cả các nhà khoa học nếu chỉ quan sát bằng mắt thường cũng vẫn có thể nhầm lẫn giữa nấm độc với nấm không độc. Do vậy, người dân tuyệt đối không nên dựa vào kinh nghiệm truyền miệng mà hái nấm hoang dại về ăn dễ gây ngộ độc chết người.

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, hiện bắt đầu vào mùa nấm phát triểu nhiều, người dân tuyệt đối không nên hái nấm hoang dại ăn, kể cả nấm màu trắng, trông giống nấm thường... Cần phải lưu ý, ngay cả các nhà khoa học bằng quan sát cũng vẫn có thể nhầm lẫn giữa nấm độc với nấm không độc. Không ăn thử nấm, kể cả trước đây bạn đã từng nhiều lần ăn các loại nấm trông giống như vậy và không sao, nhưng lần này có thể sẽ bị ngộ độc.

ThS.BS Nguyễn Trung NguyênThS.BS Nguyễn Trung Nguyên

Theo ThS. Nguyên, có 3 quan niệm không đúng về nấm độc mà người dân hay gặp phải. Thực tế trong quá trình điều trị các bệnh nhân ngộ độc nấm, các bác sĩ cũng đã thấy nhiều trường hợp ngộ độc nấm vì dựa theo kinh nghiệm truyền miệng, hái nấm về ăn trong khi rất mơ hồ loại nấm đó có độc hay không.

1. Nấm độc có màu sắc sặc sỡ?

Nhiều người cho rằng, nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ. Tuy nhiên trên thực tế loại nấm độc nhất, hay gây chết người lại trông trắng, vẻ lành tính, giống như nấm thường và khi ăn lại ngon.

nấm đỏ

2. Nấm bị sâu bọ ăn là nấm không độc?

Người dân vùng nông thôn, miền núi xa xôi thường nói rằng, nếu thấy nấm đã bị côn trùng ăn thì người cũng ăn được. Song, điều này hoàn toàn sai lầm. Thực tế tất cả loại nấm độc đều bị kiến, ốc sên, sâu bọ ăn.

Có người còn thử cho động vật (gà, chó...) ăn trước, nếu động vật không sao thì là nấm không độc. Tuy nhiên, việc thử là không thực tế vì cần phải mất vài ngày để theo dõi đảm bảo con vật không sao, trong khi đó con người ăn vào vẫn bị ngộ độc.

nấm độc

3. Phát hiện nấm độc bằng dây chuyền?

Một số bà con cho biết, nếu thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền..., làm bằng bạc thấy thay đổi màu xám đen thì là nấm độc. Điều này hoàn toàn sai, các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu.

ThS. Nguyên khuyến cáo, các loại nấm gây ngộ độc thường thuộc nhóm các loại nấm mọc hoang dại. Loại nấm độc nhất, hay gây chết người nhất lại trông ngon và hấp dẫn nhất, ăn vào cũng ngon, khi bị ngộ độc không biểu hiện ngay nên phát hiện thường muộn, bệnh nặng và nhiều người tử vong.

Biện pháp quan trọng nhất để phòng tránh ngộ độc nấm là “Không hái các nấm mọc hoang dại để ăn”

nấm tán trắng

Nấm tán trắng.

Sau khi mới ăn nấm, có biểu hiện ngộ độc nếu chưa nôn và vẫn còn tỉnh táo thì có thể uống nước và tự gây nôn, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt thì nên uống ngay với liều 1 gam/kg cân nặng (người lớn khoảng 40-50 gam). Chú ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế; mang mẫu nấm còn lại hoặc đã chế biến đến cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm (cần giữ các nấm này cẩn thận để mang tới các bệnh viện tuyến cuối cùng, nơi có điều kiện để giúp xác định nấm độc)

Điều đáng lo ngại là với loại nấm độc nhất thì biểu hiện ngộ độc lại xuất hiện chậm sau ăn từ 6 giờ hoặc lâu hơn, khi đó các chất độc đã đi sâu xuống ruột và hấp thu vào máu, nên các biện pháp sơ cứu trở nên hạn chế. Với trường hợp này, người bệnh lúc đầu có nôn, ỉa chảy nên rất cần được nhanh chóng uống đủ nước oresol, nước canh, nước rau luộc, nước quả hoặc nước khoáng Bệnh nhân cần được khẩn trương tới cơ sở y tế gần nhất, sau đó nhanh chóng được chuyển tới cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu hồi sức và giải độc đầy đủ.

Hiện việc điều trị cần cấp cứu, thải độc và giải độc sớm, hồi sức tích cực, rất tốn kém, vất vả và thường khoảng 50% bệnh nhân tử vong. Chính vì thế việc đóng bảo hiểm y tế là rất quan trọng với mọi người dân, tối cần thiết với người nghèo.


Dương Hải
Ý kiến của bạn