Thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa cho biết vào đêm 28/8, dưới sự hỗ trợ của các y, bác sĩ, bà N.T.K. (SN 1959) đã hạ sinh một bé trai nặng 3kg. Bé trai ra đời bằng phương pháp sinh mổ và khỏe mạnh bình thường.
Chia sẻ về ca sinh đặc biệt này, Ths.BS.CKII Mai Quang Trung, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa là bác sĩ trực tiếp điều trị cho bà N.T.K nhớ lại, vào khoảng tháng 8/2020, bệnh viện tiếp nhận một cặp vợ chồng lớn tuổi đến khám với mong muốn sinh thêm con. Vợ chồng sản phụ là ông L.T.C. (SN 1955) và bà N.T.K. (SN 1959) thường trú tại xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Theo đó, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đã thực hiện thành công hàng ngàn ca IVF, trong đó có những bệnh nhân vô sinh trên 10 năm, bệnh nhân tiền sử sản khoa rất phức tạp.
Nhưng trường hợp bà N.T.K. quả thực là một 'đề bài' rất khó đối với bệnh viện. Vì ở độ tuổi đã lên ông, lên bà như thế này, dự trữ buồng trứng và nội tiết tố của người phụ nữ đều không thuận lợi cho việc có thai và mang thai, cộng với đó là bà N.T.K có tiền sử sản khoa khá phức tạp với những lần lưu, sảy thai và chửa ngoài tử cung trước đó.
Bác sĩ Trung cho biết: "Khi biết nguyện vọng thiết tha của 2 vợ chồng bà K. chúng tôi đã tư vấn ở độ tuổi cao như thế này rất dễ xảy ra các nguy cơ, rủi ro và tỉ lệ thành công thấp, tuy nhiên, cặp vợ chồng vẫn quyết tâm sinh con, do hoàn cảnh gia đình có phần neo người.
Khi chúng tôi bắt đầu tiến hành hỗ trợ, dù người chồng cao tuổi, nhưng việc lấy tinh trùng không thành vấn đề, cái khó nhất là ở người vợ, bởi bà đã mãn kinh khoảng 15 năm nay, tử cung teo nhỏ, niêm mạc tử cung mỏng, buồng trứng teo. Trong trường hợp này, để sản phụ có thể mang thai bác sĩ phải cho bệnh nhân uống thuốc để tạo kinh trở lại, tử cung tăng kích thước thì mới có thể chứa đựng được thai nhi" - bác sĩ Trung chia sẻ.
Ngoài ra, theo bác sĩ Trung, việc buồng trứng của người vợ đã bị teo nên buộc phải xin trứng, sau đó kết hợp với tinh trùng của người chồng tạo ra phôi, rồi chờ nội mạc tử cung của người vợ dày lên (mất 7 tháng, mới đủ cơ sở có thể mang thai), sau đó cấy phôi vào và bắt đầu quá trình mang thai.
Trong quá trình bà K. mang thai, các bác sĩ phải truyền nội tiết tố từ bên ngoài vào cơ thể, có nhiều lần bệnh nhân có dấu hiệu dọa sảy thai, dọa sinh non nhưng đã được can thiệp kịp thời.
Chia sẻ với PV, bà N.T.K. hạnh phúc: "Như tầm tuổi của chúng tôi, một người bình thường cũng đã phải đối mặt với các cơn đau mỏi xương khớp, vận động hạn chế, sức khỏe giảm sút nên việc mang thai lại càng trở nên khó khăn, vất vả. Đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng đầu, tình trạng nghén thật sự làm tôi mệt mỏi. Sức khỏe hạn chế cộng với những lo lắng về tình trạng thai khiến tôi rất áp lực.
Tuy nhiên, tôi thấy mình đã quá may mắn vì bản thân vợ chồng tôi hiểu hơn ai hết việc có thai và sinh con ở độ tuổi này đối chúng tôi khó đến thế nào. Tuyệt vời hơn nữa khi tôi nhận được sự quan tâm, sự chăm sóc đặc biệt của đội ngũ cán bộ nhân viên bệnh viện. Tôi hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa và muốn được gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới Ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ nhân viên bệnh viện, đặc biệt là tập thể khoa Hỗ trợ sinh sản, trong đó Bác sĩ Mai Quang Trung là người không quản khó khăn, đồng hành cùng gia đình chúng tôi, đem lại cho chúng tôi niềm tin và niềm vui trọn vẹn như ngày hôm nay", bà K. cho biết
Ông L.T.C. chồng bà K. tâm sự: "Thời gian trước 2 vợ chồng đi uống thuốc khắp nơi nhưng không có hiệu quả. Chúng tôi xác định sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng do nhà neo người nên quyết tâm có thêm con ngày càng cháy bỏng. Tôi là bộ đội về hưu, vợ tôi trước làm giáo viên mầm non nên điều kiện kinh tế cũng không khá giả gì. Để có kinh phí điều trị, chúng tôi được anh em, gia đình, bạn bè giúp đỡ rất nhiều. Từ lúc xuống bệnh viện cho đến khi mẹ tròn con vuông vợ chồng chúng tôi đi lại khoảng gần 60 chuyến xe, có những tháng đi 2-3 chuyến, rất khó khăn, vất vả. Cuối cùng mong mỏi của vợ chồng tôi đã được toại nguyện".
Ths.BS.CKII Mai Quang Trung chia sẻ thêm về những khó khăn trong hành trình đi tìm con của vợ chồng bà K: "Toàn bộ hệ sinh dục của bà K. đã teo nhỏ, do tuổi quá cao, đã mãn kinh nhiều năm, tử cung cũng đã teo nhỏ... Việc tăng về kích thước tử cung để chứa đựng thai cũng rất là khó khăn. Đồng thời buồng chứng của bà K. cũng đã bị teo nhỏ, chức năng nội tiết, ngoại tiết sản xuất ra trứng không còn nữa. Điều khó khăn nhất là tỷ lệ thành công đối với người cao tuổi là rất thấp, khi may mắn có được thai, việc điều trị, giữ thai đến đủ tháng cũng rất là nan giải.
Khi trao đổi, tư vấn với vợ chồng bà K. về những rủi ro, tai biến có thể xảy ra nhưng họ rất quyết tâm nên chúng tôi cố gắng dành những gì tốt nhất để áp dụng, thực hiện cho cặp vợ chồng này. Vào lúc 20h40' ngày 22/8, chúng tôi đã mổ đẻ thành công, cháu bé trai nặng 3kg, sinh đủ tháng".
Theo bác sĩ Trung, đối với Việt Nam chưa có thấy báo cáo nào sinh con thành công ở lứa tuổi này bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, trên thế giới thì cũng đã có nhưng hầu hết các báo cáo đều thấy rằng sản phụ mang thai không đủ tháng, đa số sinh non.
Thành công này là niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với gia đình cũng là niềm vui lớn lao của Bệnh viện. Thành quả này như một minh chứng khẳng định sự thành công của IVF Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa nói riêng và chất lượng chuyên môn của toàn bệnh viện nói chung. Không chỉ vậy, đây còn là câu chuyện mang lại niềm tin lớn lao cho những người đang mong được làm bố, làm mẹ.