Hà Nội

Bác sĩ chỉ cách vượt qua stress trong đại dịch COVID-19, ai cũng cần biết

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn

Phó Viện trưởng Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai; Trưởng Bộ môn Tâm thần - Trường Đại học Y Hà Nội.

04-05-2020 11:49 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến tinh thần và tâm lý rất nhiều người bị tổn thương. Ở lĩnh vực sức khỏe tâm thần, các chuyên gia cho rằng đại dịch này đang gây ra một cú sốc lớn, stress nặng cho con người. Chúng ta cần phải đối mặt và giữ vững tinh thần, vượt qua đại dịch này…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, “Sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân”. Theo định nghĩa này của WHO, sức khỏe tâm thần là một trong 3 thành phần chính cùng với sức khỏe thể chất và xã hội. Tình trạng tinh thần thoải mái, cuộc sống tốt, thích ứng mọi hoàn cảnh cuộc sống sẽ giúp con người có sức khỏe tâm thần tốt.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Phó Viện trưởng Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai; Trưởng Bộ môn Tâm thần - Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã gây nhiều khó chịu, lo lắng cho con người – đó chính là stress. Stress cũng có mức độ khác nhau, khi nhẹ con người có thể đối phó được nhưng trường hợp nặng là stress mạnh, sốc có thể gây hậu quả lớn.

Khoa học chia ra làm 3 loại: Rối loạn do stress gây ra phản ứng stress cấp, thứ hai là rối loạn stress sau sang chấn, thứ ba gọi là rối loạn sự thích ứng. Các rối loạn liên quan đến stress là kết hợp giữa stress và nhân cách của cá nhân (lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ…) gây ra các hậu quả như vấn đề về trí nhớ, tim mạch, tiêu hóa, vận động… Rối loạn stress sau sang chấn biểu hiện bằng sang chấn cấp, mạnh gây ra biểu hiện của cơ thể như sợ sệt, né tránh, mất ngủ, rối loạn trí nhớ… Điều này có thể gây hậu quả trước mắt và lâu dài cho con người.

“Tôi cho rằng đại dịch lần này gây stress nặng và sốc vì nó ảnh hưởng đến 2 vấn đề, đó là đe dọa đến tính mạng từng cá nhân trong cộng đồng; thứ 2 là môi trường bình thường đã có stress, nhưng khi dịch bệnh đến chúng ta có nhiều biện pháp phòng bệnh như cách ly xã hội, trẻ không đến trường... khi đó có nghĩa là chúng ta thay đổi môi trường sống, dễ gây xáo trộn, stress. Song rõ ràng, ở mỗi cá nhân thì mức độ stress khác nhau. Những vùng tâm dịch có số người chết lớn khiến cho tình trạng stress cao hơn so với những nơi không có tử vong, người dân được bảo vệ thì sự căng thẳng ít hơn” – PGS. Tuấn nói.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Phó Viện trưởng Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia, BV Bạch Mai; Trưởng Bộ môn Tâm thần - Trường Đại học Y Hà Nội.

Chung sống an toàn với dịch bệnh

Tại Việt Nam, ngành y tế và các bộ, ngành khác đã liên tục đưa ra những khuyến cáo khoa học, hướng dẫn phòng bệnh COVID-19 đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, đứng trước một dịch bệnh vẫn còn nhiều mới mẻ và nhiều nguy cơ tiềm ẩn như COVID-19, hơn nữa lại có tốc độ lây lan nhanh chóng thì dường như nỗi lo là thứ thường trực trong suy nghĩ của mỗi người.

Với người cao tuổi, họ vốn hay lo âu và cảm thấy cô đơn tuổi già khi ít có người tâm tình, chia sẻ, các mối quan hệ xã hội cũng thưa thớt hơn. Trong thời điểm dịch bệnh, người cao tuổi còn là đối tượng được khuyến cáo không nên ra ngoài. Làm sao để có thể giải tỏa giúp họ những căng thẳng, buồn bã và mang đến niềm vui tuổi già?

PGS. Tuấn cho rằng, từ 60 tuổi trở lên, trung bình 1 người cao tuổi có từ 3-5 bệnh lý mắc phải, trong trường hợp mà nhiễm bệnh COVID-19 thì sẽ nặng hơn. Đối với người cao tuổi không cần hoạt động cao độ, có thể ở nhà đọc sách, tản bộ. Người thân cần quan tâm trò chuyện với người cao tuổi trong gia đình để họ không cảm thấy lẻ loi, cô đơn. Để đương đầu với dịch bệnh thì cần chú ý đến tăng cường thể lực, hoạt hóa hệ thống lưới (tăng cường canxi, vitamin để tăng cường thể lực) giúp người già thư giãn cơ thể (có thể dùng tâm lý trị liệu như thiền, yoga…).

"Người cao tuổi nên có tư vấn về sức khỏe, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay nhiều cơ sở khám chữa bệnh có tư vấn online nên có thể để người già được nói chuyện với bác sĩ về tình trạng của mình, tôi cho rằng đây là điều rất tốt"- PGS. Tuấn tư vấn.

Ở trẻ em, việc nghỉ học kéo dài, hạn chế vui chơi bên ngoài, nhiều gia đình dường như chỉ biết cho con làm bạn với ipad, điện thoại. Điều này sẽ có ảnh hưởng với con trẻ. Chuyên gia về tâm thần học cho rằng, phụ huynh cần chú ý chăm sóc để trẻ phát triển trong tương lai trở thành người có nhân cách tốt, hiểu biết, hoạt động nghề nghiệp tốt, chia sẻ tốt… Khi chúng ta tập trung vào một trong những vấn đề mà không sinh công (chơi game) thì sẽ làm đảo lộn nề nếp sinh hoạt cũng như có thể gây ra vấn đề nghiện hành vi (nghiện game, internet), đang học mà nghỉ như vậy sẽ bị trùng xuống và để lấy lại cân bằng cần mất thời gian hơn.

Các chuyên gia nhận định rằng dịch bệnh sẽ còn tiếp tục kéo dài, nên chúng ta phải xác định chung sống với dịch bệnh nhưng nhất thiết phải an toàn, tuyệt đối không được chủ quan. Chung sống an toàn trong từng lĩnh vực cụ thể như: học tập; đi lại; sản xuất, kinh doanh; vui chơi an toàn.... - đặc biệt là an toàn trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Chúng ta cố gắng tối đa hạn chế sự lây nhiễm bằng cách theo đúng hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế… từ đó chúng ta không mắc bệnh nền nữa thì đời sống, tinh thần, xã hội tốt lên làm giảm stress.

 

Vượt qua kỳ thị
Là người đã từng điều trị cho rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, PGS.TS. Trịnh Thị Ngọc - Nguyên Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: Những người mắc bệnh truyền nhiễm (như lao, HIV…) bản thân họ thường rất buồn, thứ hai là sự kỳ thị, xa lánh của xã hội với người bệnh truyền nhiễm là vấn đề hay gặp phải tuy hiện nay đã giảm hơn trước rất nhiều.

PGS.TS. Trịnh Thị Ngọc - Nguyên Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.

Với dịch COVID-19 lần này, có một thực tế đáng buồn là một số đồng nghiệp của chúng tôi khi chủ nhà trọ biết họ làm ở khoa truyền nhiễm có người mắc COVID-19 thì không cho trọ nữa. Những nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mặc nhiên đều là thế hệ F1 nên vấn đề kỳ thị cũng sẽ gặp phải. Điều này làm cho các y bác sĩ có chút chạnh lòng, song vượt lên tất cả, chúng tôi vẫn làm hết sức mình vì bệnh nhân. 
Đây là lúc tình người "nổi lên" vượt qua tất cả, sự động viên tinh thần đối với nhân viên y tế và những người giám sát cách ly, tình cảm của cộng đồng có tác dụng cổ vũ rất lớn cho đội ngũ cán bộ y tế.

 


Dương Hải
Ý kiến của bạn