1. Sức khỏe âm đạo thay đổi như thế nào trong thai kỳ?
Khi mang thai, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi, trong đó sức khỏe "vùng kín" là một trong những vấn đề cần lưu tâm. Cụ thể, sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới âm đạo:
1.1 Tăng tiết dịch âm đạo
BS Nguyễn Bích Ngọc, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết tăng tiết dịch âm đạo là một trong những thay đổi đáng chú ý nhất trong quá trình mang thai. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự thay đổi nội tiết tố estrogen và progesterone.
Dịch tiết có tác dụng bảo vệ âm đạo khỏi nhiễm trùng, nhưng nó có thể gây kích ứng da âm hộ, làm cho nó đỏ và ngứa. Dịch tiết phải loãng, có màu trắng hoặc trắng đục và thường không có mùi hôi.
1.2 Tăng nguy cơ viêm âm đạo do vi khuẩn
Theo ước tính, có tới 10 - 30% phụ nữ mang thai bị viêm âm đạo do vi khuẩn. Viêm âm đạo do vi khuẩn có thể xảy ra nếu sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại trong âm đạo thay đổi. Các triệu chứng đặc trưng bao gồm ngứa, sưng đỏ, tiết chất dịch loãng có mùi tanh hơn bình thường, màu đục hoặc xám… Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
1.3 Nhiễm trùng nấm men
Ngoài vi khuẩn, bình thường âm đạo chứa một lượng nhỏ nấm men. Khi mang thai, dịch tiết âm đạo chứa nhiều đường hơn và là điều kiện thuận lợi cho nấm men sinh sôi. Vì lý do này, nhiễm trùng nấm men trở nên phổ biến trong thai kỳ. Chúng sẽ không gây nguy hiểm cho thai nhi nhưng có thể rất khó chịu.
Các triệu chứng có thể bao gồm ngứa, khó chịu, dịch tiết âm đạo màu trắng, có mùi lạ…
1.4 Tăng sưng âm đạo
Trong thai kỳ, môi âm hộ và âm đạo có cảm giác như sưng lên, dày hơn - điều này hoàn toàn bình thường. Sự thay đổi nội tiết tố và tăng lưu lượng máu cũng có thể khiến âm đạo và môi âm hộ sẫm màu và có màu hơi xanh.
Trong một số trường hợp, sưng âm đạo có thể do nhiễm trùng. Nếu sưng âm đạo kèm theo đỏ, rát và ngứa, bạn cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
1.5 Giãn tĩnh mạch âm hộ
Vùng âm hộ và âm đạo cũng có thể bị giãn tĩnh mạch do lượng máu tăng lên và tốc độ máu chảy từ chi dưới của bạn giảm xuống. Tin tốt là hầu hết các chứng giãn tĩnh mạch âm hộ sẽ tự biến mất trong vài tuần sau khi sinh.
Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe âm đạo.
1.6 Chảy máu âm đạo
Chảy máu âm đạo trong tam cá nguyệt đầu tiên không phải là vấn đề bất thường. Có thể do trứng đã thụ tinh làm tổ đến niêm mạc tử cung hoặc cũng có thể được gây ra bởi lượng máu tăng lên.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý bởi trong một số trường hợp, chảy máu âm đạo là dấu hiệu của sảy thai.
2. Hướng dẫn chăm sóc vùng kín trong thai kỳ
Sức khỏe âm đạo đóng vai trò quan trọng trong quá trình mang thai và sinh nở. BS Nguyễn Bích Ngọc khuyến nghị nên thăm khám phụ khoa thường quy trước khi mang thai để sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến thai kỳ. Cùng với đó, cần kiểm tra các bất thường như polyp cổ tử cung, bệnh viêm âm đạo trước khi mang thai.
Dưới đây là một số lưu ý để giữ cho "vùng kín" của bạn luôn khỏe mạnh trong và sau khi mang thai:
- Giữ vùng kín khô ráo, thoáng mát.
- Luôn thấm khô và xịt rửa với áp lực vừa phải từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh để ngăn chặn vi khuẩn từ hậu môn sang âm đạo.
- Không thụt rửa âm đạo vì việc này dễ gây tổn thương cho vùng âm đạo và xuất huyết tử cung.
- Tránh sử dụng các sản phẩm vệ sinh có mùi hương, dễ gây kích ứng.
- Mặc quần lót rộng rãi hơn, nên lựa chọn quần bằng chất liệu cotton, có co giãn.
- Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng, giảm lượng đường.
- Uống nhiều nước.
- Quan hệ tình dục lành mạnh. Vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục.
Lưu ý, tham khảo ý kiến bác sĩ khi nghi ngờ về dịch tiết âm đạo hoặc các vấn đề khác về âm đạo, chẳng hạn như đau hoặc xuất hiện máu, tiết dịch đặc, có mùi… Không tự ý điều trị tại nhà mà chưa được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, kê đơn.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Uống quá nhiều cà phê có thể gặp tác dụng phụ gì?