Càng gần đến ngày cuối năm, các dịp tụ tập bạn bè, lễ hội, tổ chức ăn uống tổng kết càng nhiều. Những bữa tiệc triền miên nhiều chất dinh dưỡng, có lượng calo cao, ít rau xanh quả chín, cộng thêm việc sử dụng rượu bia thường xuyên đã tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa, và gây bệnh .
Các bệnh thường gặp do ăn uống “quá đà”
Trong những ngày này, khi năm mới 2020 sắp sang và cũng chỉ còn đúng 1 tháng nữa năm mới Canh Tý cũng đến, trên khắp các ngả đường, vào dịp buổi tối, mọi người có thể dễ dàng nhận thấy hầu như tất cả các nhà hàng ăn uống đều chật kín thực khách. Nhu cầu ăn uống, tổng kết, liên hoan cuối năm rất lớn. Tuy nhiên, việc chìm trong các cuộc ăn uống, liên hoan nhậu nhẹt cuối năm nếu diễn ra quá thường xuyên, không được kiểm soát, dễ gây ra các hậu quả khôn lường với sức khỏe, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính.
Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, GS.TS.Lê Thị Hợp cho biết, vào những dịp lễ tết, người dân thường có xu hướng ăn nhiều loại thực phẩm có lượng calo cao như bánh chưng, đồ ngọt, dễ dẫn tới tình trạng thừa cân béo phì. Ngược lại, có những người nhất là trẻ em lại bị suy dinh dưỡng trong dịp nghỉ lễ. Việc sử dụng không đúng cách, cân đối các loại thực phẩm khiến một số người mắc bệnh mạn tính không lây như bệnh gút , bệnh huyết áp, tiểu đường …. lại bùng phát. GS Hợp khẳng định, chính vấn đề dinh dưỡng không hợp lý khiến nhiều người gặp vấn đề sức khỏe trong dịp nghỉ lễ.
GS.TS.Lê Thị Hợp- Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai, những bữa ăn quá nhiều chất dinh dưỡng, không theo giờ giấc sẽ làm hệ tiêu hóa bị xáo trộn, có thể gây ra tình trạng đầy hơi, trướng bụng, ậm ạch, có cảm giác ậm ạch, ợ hơi, ợ chua, nhẹ sẽ gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn thì gây ra các bệnh tiêu hóa khác như các bệnh dạ dày, gan, mật, tụy... Vào dịp hội hè, tỷ lệ người sử dụng rượu bia tăng lên, điều này làm tăng gánh nặng cho gan, với người bị bệnh gan mạn tính có thể gây ra đợt viêm gan cấp, PGS Hồng cho hay.
Lý giải vấn đề này, GS.TS Lê Thị Hợp cho rằng, trẻ em, người cao tuổi và những người mắc bệnh mạn tính khi thay đổi chế độ ăn so với thông thường, dễ bị “dính” bệnh hơn những người khác. Bởi đây là nhóm đối tượng dễ bị tác động, người có hệ tiêu hóa suy giảm (với người già), hoặc chưa hoàn thiện (như trẻ em), hay người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, chỉ cần một chút rượu cũng có thể dẫn tới các cơn tăng huyết áp, người mắc bệnh đái tháo đường nếu ăn hơi quá nhiều cũng có thể khiến đường huyết tăng vọt….
Về phần mình, chuyên gia tiêu hóa, PGS Vân Hồng nhận định, chế độ ăn uống không hợp lý không theo giờ giấc nhất định còn làm cho các phản xạ có điều kiện đã được hình thành trong thời gian dài của đường tiêu hóa, bài tiết của men tiêu hóa bị thay đổi. Dấu hiệu đầy hơi, trướng bụng nếu kéo dài, hoặc lặp đi lặp lại tất sẽ trở thành bệnh lý như loét đường tiêu hóa, gan, tụy. Nguy hiểm nhất trong rối loạn tiêu hóa đặc biệt trên đối tượng trẻ em là tình trạng mất nước và điện giải làm sức khỏe suy kiệt rất nhanh.
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai
PGS Hồng lưu ý, một đối tượng cần bảo vệ sức khỏe, chú trọng cân đối dinh dưỡng trong dịp nghỉ lễ cuối năm như người bị đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, suy tim, rối loạn mỡ máu, người mắc bệnh gan ….
Ăn uống hợp lý trong dịp nghỉ lễ có khó?
Đây là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn, bởi khi xã hội phát triển, người dân không còn phải lo lắng đến việc có “cái ăn, cái mặc” như thời ông bà, bố mẹ chúng ta nữa, mà giờ đây, người ta hướng tới “ăn ngon, mặc đẹp”. GS Hợp cho rằng, trong dinh dưỡng, ăn uống hợp lý là quan trọng nhất. Dinh dưỡng hợp lý là đáp ứng nhu cầu về nặng lượng các chất bột, đạm, đường, béo, vitamin khoáng chất, và uống đủ nước.
“Hợp lý ở đây tức là tùy theo cân nặng của từng người, tùy theo lứa tuổi, tình trạng sinh lý và sức khỏe”, GS Hợp nhấn mạnh. Ví dụ như phụ nữ có thai thì nhu cầu dinh dưỡng cao hơn người bình thường, hay trẻ em, người già, người mắc bệnh mạn tính khác nhau cần tuân thủ chế độ ăn khác nhau, phù hợp với thể trạng và sức khỏe của mỗi người.
Vào dịp nghỉ lễ người dân thường có nhiều thói quen xấu như thức khuya, dậy muộn từ đó dẫn tới việc bỏ bữa, ăn uống qua loa, tiện đâu ăn đấy. Theo GS Hợp, trong chế độ dinh dưỡng hợp lý thì chất lượng bữa ăn và số lượng bữa ăn đều quan trọng như nhau. Để có một sức khỏe tốt, GS Hợp khuyên , nên ăn đủ 3 bữa sáng, trưa và tối… , tuy nhiên cần đảm bảo chất lượng mỗi bữa ăn.
Ăn uống cân bằng, hợp lý - cách tốt nhất để duy trì sức khỏe trong dịp nghỉ lễ
Trong những ngày nghỉ lễ hoặc vào dịp Tết, người dân thường ăn thừa thịt mà thiếu rau xanh, hoa quả. Chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, cần lưu tâm đến các bữa ăn ngày tết cũng như ngày thường, phải cân đối và hợp lý. Đặc biệt, người dân cần tránh xa rượu bia nhất là những người mắc bệnh mạn tính.
Một trong những thực phẩm được nhiều người ưa thích vào mỗi dịp lễ là trà. Đây không chỉ là thói quen, sở thích mà uống trà còn trở thành văn hóa của dân tộc Việt Nam. Về mặt dinh dưỡng, GS Hợp cho biết, tại Việt Nam có rất nhiều trà, việc uống trà nhiều khi còn để chữa bệnh như ổn định huyết áp, đái tháo đường…. Người dân có thể uống trà theo sở thích cá nhân, nhưng cần lưu ý những lựa chọn những loại trà được chứng nhận an toàn thực phẩm để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Như vậy việc tham gia vào các bữa tiệc tất niên, tân niên, hội họp gia đình, bạn bè là điều không tránh khỏi trong những dịp nghỉ lễ, Tết nguyên đán của dân tộc. Ăn uống một cách khoa học, hợp lý sẽ là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe, giúp bạn tận hưởng những ngày nghỉ lễ bên gia đình, người thân.