Từ lâu, nhiều người có nguy cơ tim mạch (như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp) không dám ăn trứng hoặc chỉ ăn trứng mỗi tuần 2 quả. Thực tế, điều này không còn hoàn toàn đúng theo các khuyến cáo dinh dưỡng hiện đại.

ThS.BS. Nguyễn Thu Yên.
1. Sự hiểu lầm về ăn trứng ở người bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp
Quan niệm cho rằng, người có nguy cơ mắc bệnh tim như người bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp nên hạn chế ăn trứng là một hiểu lầm khá phổ biến trước đây nhưng đã được điều chỉnh nhờ các nghiên cứu mới.
Sự hiểu lầm về trứng và tác động tiêu cực của nó đối với sức khỏe tim mạch, chủ yếu xoay quanh hàm lượng cholesterol cao trong lòng đỏ trứng, xuất hiện từ giữa thế kỷ 20.
Dựa trên một số nghiên cứu ban đầu về trứng, các tổ chức y tế lớn như Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association - AHA) đã đưa ra các khuyến cáo hạn chế lượng cholesterol trong chế độ ăn, thường là dưới 300 mg mỗi ngày.
Lòng đỏ trứng chứa một lượng cholesterol đáng kể (khoảng 186 mg trong một quả trứng lớn). Cholesterol cao trong máu, đặc biệt là cholesterol LDL - cholesterol xấu là một yếu tố nguy cơ chính gây xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch. Do đó việc ăn nhiều trứng bị xem là không tốt cho tim mạch.
Những người có yếu tố nguy cơ tim mạch như: người bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và tăng huyết áp vốn đã có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn người bình thường. Do đó, việc hạn chế các yếu tố làm tăng thêm nguy cơ bao gồm cả cholesterol từ thực phẩm được xem là một biện pháp phòng ngừa.

Lòng đỏ trứng chứa cholesterol.
2. Những quan điểm mới về công dụng của việc ăn trứng đối với sức khỏe
Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, đặc biệt là từ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, nhiều nghiên cứu khoa học chất lượng cao hơn đã được thực hiện trên người. Những nghiên cứu này dần dần cho thấy:
Ảnh hưởng hạn chế của cholesterol trong chế độ ăn
Đối với đa số mọi người, cholesterol trong thực phẩm có tác động rất ít đến mức cholesterol trong máu so với chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Chất béo bão hòa có trong bơ, phô mai, thịt xông khói, xúc xích, bánh quy làm tăng cholesterol trong máu nhiều hơn cholesterol trong trứng và "carbohydrate xấu" tinh chế cao trong bánh mì nướng trắng, bánh ngọt, khoai tây chiên cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, các bệnh tim mạch khác.
Trứng có hàm lượng chất béo khá thấp
Lòng đỏ trứng có chứa một ít chất béo nhưng lòng trắng hầu như không chứa chất béo. Một quả trứng trung bình (58 g) chứa khoảng 4,6 g chất béo, tương đương khoảng một thìa cà phê dầu ăn. Chỉ có một phần tư trong số này là chất béo bão hòa, loại chất béo làm tăng mức cholesterol trong cơ thể.
Không có mối liên hệ rõ ràng với nguy cơ tim mạch
Nhiều nghiên cứu lớn đã không tìm thấy mối liên hệ đáng kể giữa việc tiêu thụ trứng ở mức độ vừa phải (thường là một quả mỗi ngày ở người khỏe mạnh) và tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
Lợi ích dinh dưỡng của trứng
Trứng được công nhận là một nguồn protein chất lượng cao, cụ thể là có đầy đủ các acid amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được.
Trứng chứa nhiều loại vitamin mà mọi người khó có thể ăn đủ từ nguồn thực phẩm khác như: nhiều vitamin (A, D, E, B12, choline), khoáng chất (sắt, kẽm) và các chất chống oxy hóa quan trọng.

Ăn một quả trứng mỗi ngày không làm tăng nguy cơ tim mạch ở người khỏe mạnh.
Trứng có nhiều công dụng
Chế biến được nhiều món ngon: Có thể chế biến trứng thành các bữa ăn mặn hoặc món tráng miệng bữa ăn sáng rất nhanh chóng, tiện lợi và dễ dàng để bắt đầu ngày mới một cách lành mạnh.
Trứng là thực phẩm tuyệt vời cho trẻ nhỏ: Trứng rất dễ ăn, tiện lợi, giá rẻ và được đóng gói nhỏ hoàn hảo cho những chiếc bụng nhỏ. Cha mẹ có thể cho trẻ ăn trứng từ khi trẻ được sáu tháng tuổi.
Trứng là loại thực phẩm an toàn: So với nhiều loại thực phẩm khác, trứng rất an toàn khi đã được làm chín.
Khuyến cáo mới về cách ăn trứng an toàn
Đối với người khỏe mạnh: Không giới hạn lượng trứng tiêu thụ. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy việc ăn một quả trứng mỗi ngày không làm tăng nguy cơ tim mạch ở người khỏe mạnh.
Đối với người có nguy cơ tim mạch hoặc đã mắc bệnh tim mạch như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp: Các chuyên gia và tổ chức trên thế giới không còn khuyến cáo hạn chế nghiêm ngặt số lượng trứng ăn vào như trước đây. Người bệnh có nguy cơ tim mạch có thể ăn 01 quả trứng/ngày nhưng nên kết hợp với chế độ ăn ít chất béo bão hòa, ít carbohydrat xấu, giàu rau củ, cá và ngũ cốc nguyên hạt.
10 lý do bạn nên ăn trứng gà vào buổi sáng.