Bác sĩ chỉ 2 dấu hiệu 'kinh điển' trước khi bệnh nhân tay chân miệng chuyển nặng

08-06-2023 14:13 | Y tế
google news

SKĐS - Từ giữa tháng 5 đến nay, số ca mắc tay chân miệng ở TP.HCM và các tỉnh miền Nam có xu hướng gia tăng. Đáng nói, dù xảy ra muộn hơn và số ca mắc không nhiều hơn năm trước nhưng đã liên tiếp xuất hiện ca bệnh nặng, thậm chí tử vong.

Điều lo ngại là sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus có thể làm số ca bệnh nặng tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Ca nặng tăng 40% - cảnh giác với chủng virus có độc lực mạnh

Bé Nguyễn Hoàng Gia Khánh, 3 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai, nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã 5 ngày và hiện hết sốt. Dù tình trạng khá hơn, không còn giật mình khi ngủ, nhưng chân tay bé vẫn còn run và yếu, chưa thể đi đứng được.

Chị Nguyễn Thu Trang - mẹ bé kể, bé bị loét miệng, khó ăn nhưng không nổi mụn nước ở chân, tay nên gia đình cứ nghĩ đó là nhiệt miệng. Sau đó bé bị ói, loét nhiều hơn nên đi khám ở địa phương và được đề nghị lên tuyến trên. Lúc này, tình trạng bệnh nhi đã nặng.

Trong quá trình điều trị, bé được truyền dịch liên tục và hỗ trợ thở oxy qua mũi. May mắn, bé chưa phải thở máy.

"Tôi cho con uống thuốc 3 ngày ở bệnh viện tuyến dưới, thấy đỡ loét miệng nhưng mà nó lại biến chứng nặng lên, rồi bắt đầu bé run tay, run chân nôn ói nhiều nên đưa lên đây khám và được nhập viện luôn. Giờ bác sĩ kêu phải đi khám bên thần kinh xem nó có ảnh hưởng đến não không".

Cùng với bé Khánh còn có 22 trẻ khác bị tay chân miệng tại khoa Nhiễm, trong đó 9 ca nặng.

TP.HCM gia tăng các ca tay chân miệng nặng, cần cảnh giác với chủng virus có độc lực mạnh  - Ảnh 1.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM)

Ths.BS Nguyễn Đình Qui - Quyền trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trước tháng 5, số ca tay chân miệng nội trú chỉ 4-5 ca nhưng vài tuần gầy đây có khoảng 25-27 ca. Đáng nói, số ca nặng chiếm tỉ lệ 40%, trong khi đó những năm trước chỉ khoảng 20-25%. Hiện BV Nhi đồng 1 đang điều trị cho 24 ca nội trú tay chân miệng. Trước đó một số ca nặng đã khỏi và cho xuất hiện.

Bác sĩ Qui cũng cho biết thêm. mặc dù bệnh tay chân miệng là bệnh "đến hẹn lại lên" nhưng với sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus (EV71) mà cụ thể là gen B5, khiến các ca tay chân miệng năm nay nặng hơn. Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây nhiều biến chứng nguy hiểm đã từng gây ra những đợt dịch rất lớn trước đây. Dự báo, thời gian tới, số ca bệnh tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng. Hiện khoa Nhiễm có 121 giường và đã lên phương án sắp xếp 80-85 giường dành cho bệnh nhân tay chân miệng, trong đó có 10 giường cấp cứu. Ngoài ra, khoa còn có 45 giường xếp dự phòng.

"Nếu hệ thống giường xếp của khoa Nhiễm đầy rồi thì sẽ bắt đầu liên kết với các khoa, sẽ dành một phần diện tích để giảm tải cho khoa Nhiễm, tập trung cho tay chân miệng", bác sĩ Nguyễn Đình Qui cho hay.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, vài tuần trở lại đây, bệnh nhi nhập viện do tay chân miệng tăng lên từ 10-20 ca/ngày.

Các bác sĩ cho biết, vừa ngày hôm nay một bệnh nhi 17 tháng tuổi ở Trà Vinh chuyển nặng sau 3 ngày sốt, điều trị ở phòng khám tư nhưng không đáp ứng. Đến ngày thứ 4, trẻ sốt cao khó hạ, nhiều cơn giật mình. Bệnh nhi được chuyển lên TP.HCM trong tình trạng mạch trên 200 lần/phút, suy hô hấp, da bông tái. Tình trạng bệnh tay chân miệng độ 3 tiến triển lên độ 4 chỉ sau 4 giờ. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, thở máy, nhanh chóng thiết lập lọc máu liên tục để loại trừ cơn bão cytokin gây sốt cao lên 40-41 độ C.

Hiện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang điều trị cho 5 trẻ mắc tay chân miệng nặng, trong đó có 3 trường hợp đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ và 2 trẻ ngụ TP.HCM. Hiện có 3 trẻ đang phải thở máy, tiên lượng nguy kịch.

2 dấu hiệu 'kinh điển' khi trẻ mắc tay chân miệng chuyển nặng

BS.CKII Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho biết, trong thời tiết nắng nóng hiện nay, nhiều trẻ có biểu hiện bệnh với ít nốt ban nhỏ nên phụ huynh lầm tưởng là rôm sảy, bị nhiệt hay hăm tã... vì nắng nóng. Đến khi trẻ chuyển nặng với biểu hiện sốt cao không hạ, giật mình liên tục, thậm chí thở bất thường thì mới đưa con đến bệnh viện. Bên cạnh đó, phụ huynh còn nhầm lẫn biểu hiện chảy nước miếng kèm theo sốt ở trẻ nhỏ là do mọc răng.

Thực tế các bác sĩ đã ghi nhận nhiều trẻ xuất hiện các vết loét bên trong miệng, kèm sốt do mắc tay chân miệng khiến nước miếng liên tục chảy ra.

TP.HCM gia tăng các ca tay chân miệng nặng, cần cảnh giác với chủng virus có độc lực mạnh  - Ảnh 2.

Tời tiết nắng nóng hiện nay, nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng có biểu hiện bệnh với ít nốt ban nhỏ nên phụ huynh lầm tưởng là rôm sảy, bị nhiệt hay hăm tã... vì nắng nóng.

Theo bác sĩ Quy, một trong những cách phát hiện sớm trẻ mắc tay chân miệng là trong lớp học của con có ghi nhận trẻ mắc tay chân miệng hay không. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, trên người có vài nốt chấm phát ban thì phải đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu trẻ mắc tay chân miệng ở mức độ nhẹ thì nên cách ly, điều trị tại nhà. Phụ huynh cần chú ý đến những dấu hiệu chuyển nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

"Trước khi bệnh nhân tay chân miệng chuyển nặng thì có 2 dấu hiệu kinh điển.

Thứ nhất là dấu hiệu trẻ sốt cao không hạ.

Thứ hai là ngủ giật mình chới với nhiều lần, đặc biệt là xảy ra lúc đầu giấc ngủ.

Và có một dấu hiệu khác nữa phụ huynh chia sẻ là đi ngủ trẻ cứ đeo mẹ suốt luôn, không bao giờ rời được mẹ, chỉ cần mà rời ra một tí là hốt hoảng lên", BS.CKII Dư Tuấn Quy chia sẻ.

Chỉ tính từ ngày 22-28/5, TP.HCM ghi nhận 157 trường hợp, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, thành phố đã ghi nhận kiểu gen B5 của EV71 ở các bệnh nhi mắc bệnh có triệu chứng nặng, vì vậy đã chủ động thực hiện các biện pháp để kiếm soát dịch bệnh tay chân miệng.

HCDC tổ chức tập huấn "công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng" cho các Trung tâm y tế, trạm y tế với 3 nội dung chính là: điều tra, xử lý ca bệnh và ổ dịch tay chân miệng tại cộng đồng; Hướng dẫn phát hiện sớm và tư vấn chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng tại nhà và hướng dẫn hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn các ca bệnh nặng tay chân miệng trên địa bàn. Các bệnh viện nhi trên đã sẵn sàng trang thiết bị, điều trị lọc máu, ECMO... và thuốc men theo phác đồ.

Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị, nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital và Gamma Globulin truyền tĩnh mạch.

Cục Quản lý Dược cũng đã rà soát tình hình thuốc tại Việt Nam và kế hoạch nhập khẩu, cung ứng hai loại thuốc điều trị nói trên. Dự kiến, trong tháng 7 tới, các nhà sản xuất sẽ cung ứng thuốc cho Việt Nam điều trị bệnh tay chân miệng độ nặng.

Thông tin mới nhất của Bộ Y tế về thuốc điều trị bệnh tay chân miệngThông tin mới nhất của Bộ Y tế về thuốc điều trị bệnh tay chân miệng

SKĐS - Ngày 5/6, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế thông tin dự kiến tháng 7 sẽ có thuốc Phenobarbital nhập khẩu điều trị bệnh tay chân miệng về Việt Nam. Đối với thuốc chứa Immunoglobulin, hiện nay có 13 thuốc chứa Immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.


Kim Vân
Ý kiến của bạn