Hà Nội

Bác sĩ cấp cứu tiết lộ về chuyến bay đặc biệt cứu bệnh nhân ở đảo Bạch Long Vĩ

23-09-2016 13:22 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Nhờ có tai đeo chống tiếng ồn, chiếc áo phao khoác trên người cộng với đai an toàn cột chặt trên người đã khiến tôi thấy chắc chắn và an tâm hơn, thậm chí tôi còn có cảm giác chúng tôi là những chú lính đặc nhiệm Việt Nam đang trên đường làm nhiệm vụ.

Khoảng 12 giờ, ngày 21/9/2016, tôi nhận được lệnh điều động từ TS.BS. Nguyễn Văn Chi (Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) rằng chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, thiết bị cấp cứu thiết yếu... và huy động ngay một tổ cấp cứu ngoại viện của khoa để chuẩn bị theo xe cứu thương lên đường tới sân bay Bạch Mai đón một bệnh nhân được vận chuyển bằng trực thăng từ huyện đảo Bạch Long Vĩ về điều trị. Đây là công việc hàng ngày của bọn tôi, do vậy công tác chuẩn bị được hoàn tất rất nhanh chóng trong đó bao gồm chuẩn bị một giường cấp cứu tại khoa để sẵn sàng đón bệnh nhân được vận chuyển về.

Tuy nhiên, đến 13 giờ, TS.BS. Dương Đức Hùng (Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai) gọi điện thông báo lại với tôi rằng, tổ cấp cứu ngoại viện sẽ theo xe cứu thương ra thẳng sân bay Gia Lâm, lên trực thăng để bay tới huyện đảo Bạch Long Vĩ đón bệnh nhân là một ngư dân bám biển đã được mổ viêm phúc mạc ruột thừa, nhưng vì có kèm thêm biến cố tim mạch có thể nguy hiểm tới tính mạng (xuất hiện những cơn nhịp tim chậm ở bệnh nhân có suy tim độ 2 và hở van động mạch chủ) cho nên các bác sĩ tại huyện đảo đã đề nghị hỗ trợ đoàn hộ tống chuyển bệnh nhân về trung tâm y tế lớn trong đất liền điều trị càng sớm càng tốt. Khi nghe được thông tin này, cá nhân tôi thực sự rất hồi hộp và phấn khích, vì đây là lần đầu tiên được ngồi trên trực thăng tới vùng đảo xa của Tổ quốc để hộ tống cấp cứu cho một ngư dân bám biển bị bệnh, họ là những con người dũng cảm và quyết bám biển vì chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

BS. Lương Quốc Chính (phải) trên chuyến bay ra đảo Bạch Long Vĩ cấp cứu bệnh nhân.

Đúng 13 giờ 15 phút, tôi cùng hai điều dưỡng của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Đặng Văn Luật và Trần Ngọc Dũng) lên xe cứu thương để tới sân bay Gia Lâm. Ngay khi tới sân bay, chúng tôi được các cán bộ của sân bay hướng dẫn về quy trình và các quy tắc an toàn bay một cách rất chi tiết. Chúng tôi cũng kiểm tra lại cơ số thuốc và thiết bị cấp cứu thiết yếu một lần cuối, và cùng các cán bộ sân bay thiết lập và cố định vị trí cáng vận chuyển, bình oxy, vị trí treo dịch truyền và thuốc trên trực thăng một cách cẩn thận và chắc chắn. Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị tại sân bay, chuyến bay cất cánh lúc 14 giờ 30 phút.

Điều ấn tượng nhất trong chuyến bay này mà tôi cảm nhận được chính là tiếng ồn, tiếng ồn quả là khủng khiếp đối với tôi khi lần đầu tiên được ngồi trên chiếc trực thăng vận chuyển. Tuy nhiên, cũng nhờ có tai đeo chống tiếng ồn, chiếc áo phao khoác trên người cộng với đai an toàn cột chặt trên người đã khiến tôi thấy chắc chắn và an tâm hơn, thậm chí tôi còn có cảm giác chúng tôi là những chú lính đặc nhiệm Việt Nam đang trên đường làm nhiệm vụ. Chuyến bay mất khoảng 1 giờ thì nhìn thấy huyện đảo Bạch Long Vĩ hiện ra trước mắt ở phía dưới. Bạch Long Vĩ, hay còn gọi là “Đuôi rồng trắng”, là một đảo đồng thời là một huyện thuộc thành phố Hải Phòng, Việt Nam. Đây là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ, nằm ở khoảng giữa vịnh, cách hòn Dáu (Hải Phòng) 110 km, cách đảo Hạ Mai (Vân Đồn, Quảng Ninh) 70 km và cách mũi Đại Giác trên đảo Hải Nam (Trung Quốc) 130 km. Đảo nằm trên một trong tám ngư ­ trường lớn của vịnh, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng biển của Việt Nam ở vịnh Bắc Bộ cũng như trong phân định vịnh Bắc Bộ.

Trong khi trực thăng đang hạ cánh, nhìn xuống tôi thấy xa xa một chiếc xe cứu thương cùng rất nhiều cán bộ chiến sĩ, y, bác sĩ, và người dân trên đảo đứng chờ. Lúc trực thăng đã hạ cánh và ổn định, chúng tôi bước xuống và nhận được rất nhiều tình cảm của các chiến sĩ, y, bác sĩ trên đảo thông qua những câu chào hỏi, những cái bắt tay, và những lời cảm ơn chân thành. Thật đáng tiếc, vì không có thời gian để hỏi thăm cũng như làm quen với mọi người trên đảo, tôi tìm gặp ngay bác sĩ Nguyễn Đức Quân (Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ), phụ trách cuộc vận chuyển ngư dân bị bệnh ở trên đảo, để nhận bàn giao bệnh nhân. Bác sĩ Quân cho biết vào hồi 10 giờ 30 phút, ngày 20/9, Trung tâm Y tế dân y Bạch Long Vĩ đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Đức Hải, 34 tuổi, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đang đánh cá tại ngư trường vịnh Bắc Bộ bị đau bụng cấp xin vào huyện đảo cấp cứu vì viêm phúc mạc ruột thừa giờ thứ 24. Mặc dù cuộc mổ cấp cứu thành công, nhưng vì bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạn tính (suy tim độ 2, hở van động mạch chủ, và nghi có phình động mạch chủ), và sau mổ xuất hiện các cơn nhịp tim chậm (45 – 50 nhịp/phút) có thể nguy hiểm tới tính mạng do vậy mới đề nghị được giúp đỡ hộ tống cấp cứu vận chuyển bệnh nhân về đất liền điều trị bằng trực thăng.

Bệnh nhân được các y bác sĩ cấp cứu rất khẩn trương, mọi nỗ lực nhằm đảm bảo tính mạng người bệnh.

Sau khi nhận bàn giao và đánh giá lại tình trạng bệnh nhân, các chiến sĩ trên đảo đã giúp chuyển bệnh nhân lên trực thăng để chuẩn bị khởi hành. Trong chuyến khởi hành trở về, đi cùng chúng tôi còn có một điều dưỡng của Trung tâm Y tế dân y Bạch Long Vĩ và một người em trai của bệnh nhân. Thật là may mắn, chỉ khoảng 1 giờ, trực thăng đã bay về tới sân bay Gia Lâm một cách an toàn, bệnh nhân được chuyển lên xe cứu thương chờ sẵn và về thẳng Bệnh viện Bạch Mai, kết thúc một chuyến đi đáng nhớ. Phải nói rằng chuyến đi này cực kỳ chớp nhoáng, cả đi và về chỉ diễn ra trong vòng hơn 3 giờ đồng hồ đến nỗi nhiều đồng nghiệp trong khoa, người thân và bạn bè của tôi không hề biết.

Hiện tại, sau 1 ngày được vận chuyển cấp cứu bằng trực thăng từ Bạch Long Vĩ về Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, thở oxy kính mũi, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, bụng mềm, không chướng. Mặc dù vẫn chưa trung tiện nhưng bệnh nhân đã bắt đầu được tập ăn đường miệng phối hợp với nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Điện tâm đồ có hình ảnh block nhánh phải, siêu âm tim có hình ảnh hở van động mạch chủ. Trong một vài ngày tới, bệnh nhân sẽ được hội chẩn và đánh giá sâu hơn nhằm đưa ra được chẩn đoán chính xác nhất để có được những biện pháp điều trị phù hợp.

Một số hình ảnh ghi lại quá trình cấp cứu bệnh nhân ở đảo Bạch Long Vĩ gửi riêng cho báo Sức khỏe&Đời sống:



Bác sĩ Lương Quốc Chính
Ý kiến của bạn