Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận một số trường hợp tổn thương tai do tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày liên quan đến lấy ráy tai, dùng tăm bông ngoáy tai.
Về các thói quen trong sinh hoạt gây ra 'tai nạn' cho đôi tai, TS.BSCKII Nguyễn Thanh Vinh – Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, các thói quen hầu hết mọi người mắc phải đó lấy tăm bông để lau khô tai ngay sau khi tắm, nhét hạt nhỏ hoặc vật sắc nhọn vào tai (thường gặp ở trẻ em), nhét tai nghe vào tai với âm thanh lớn trong thời gian dài...Những hành động này tưởng như rất bình thường nhưng vô hình chung nó làm tổn thương tai.
'Một trong những tổn thương gây ảnh hưởng nặng nề nhất là tổn thương cơ quan tiền đình nằm sâu bên trong tai. Nếu cơ quan tiền đình bị tổn thương, người bệnh không thể làm được gì vì chỉ cần chuyển động, di chuyển là lập tức bị chóng mặt, choáng váng. Chuỗi xương con nếu bị lún vào bộ phận tiền đình có thể gây ra viêm màng não, để lại nhiều di chứng nặng nề cho bệnh nhân', TS Vinh nhấn mạnh.
Cũng theo TS Vinh, trong tai có nhiều cơ quan thực hiện chức năng thính lực, nếu dị vật xuyên qua màng nhĩ có thể làm giảm sức nghe. Ống tai trong nằm sát động mạch cảnh trong, nếu động mạch này bị dị vật làm vỡ thì bệnh nhân bị mất nhiều máu có thể dẫn đến tử vong. Các cơ quan nằm sâu bên trong tai bị dị vật làm tổn thương có thể gây ra tình trạng điếc vĩnh viễn.
Chia sẻ về cách xử lý khi có tổn thương tai, BSCKII Dương Thanh Hồng – Trưởng khoa Tai – Tai thần kinh, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM - cho biết, khi bị rơi dị vật vào tai hoặc có vật sắc nhọn đâm vào, bệnh nhân thường tìm cách lấy ra. Tuy nhiên do không biết được chấn thương cụ thể bên trong thế nào, có thể càng làm tổn thương thêm nặng, ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong. Vì vậy, khi bị chấn thương tai, người bệnh nên giữ nguyên hiện trạng và nhanh chóng đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời.
Còn về việc nhiều người có thói quen dùng bông tăm để lấy ráy tai, BSCKII Dương Thanh Hồng cho hay, ráy tai được hình thành, trở thành lớp bảo vệ ống tai ngoài. Nếu dùng tăm bông ngoáy tai có thể làm mất lớp bảo vệ của ống tai ngoài. Tai có cơ chế tự đẩy nước, ráy tai ra ngoài, trong lúc vận động hoặc chuyển động nhai thì nước, ráy tai tự động bị đẩy ra. Tuy nhiên, một số trường hợp có ráy tai ướt, nhiều ráy tai, viêm ống tai thì cần đến bệnh viện để xử lý phù hợp, tránh gây ảnh hưởng lâu dài đối với tai cũng như sức nghe.
Cùng quan điểm trên, Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM Nguyễn Thanh Vinh cũng chia sẻ thêm: "Các hành động lấy ráy tai, dùng tăm bông lau khô tai đều không cần thiết. Chăm sóc tai đúng cách là sử dụng dung dịch, chủ yếu là nước muối sinh lý bơm thẳng vào tai rồi để nước thoát ra ngoài, kéo theo những ráy tai, dị vật không mong muốn".