Trong khi đó, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, hiện chỉ có duy nhất một loại thuốc ngủ là Phenobacbytal. Các loại khác như Seduxen (Diazepam), Lexomi (Btomszepam), Rivotril (Clonazepam) thực chất là thuốc giải lo âu, nên những người hay căng thẳng khi uống vào thấy đỡ ngay.
Đáng lưu ý, người dân khi dùng thuốc giải lo âu thường xuyên sẽ có xu hướng tăng liều. Do đó, việc người bệnh uống kéo dài và tự tăng liều lên với số lượng nhiều viên trong ngày là tự ý sử dụng vì sẽ không có bác sĩ nào kê thuốc giải lo âu với số lượng nhiều như thế.
Theo TS Phương, việc sử dụng thuốc nói chung và sử dụng thuốc ngủ, thuốc giải lo âu cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Tại bệnh viện, các bác sĩ chỉ dùng thuốc giải lo âu cho những trường hợp bị trầm cảm, stress, luôn có cảm giác lo âu, bồn chồn, tuy nhiên liều dùng hạn chế và được kiểm soát chặt chẽ.
TS.BS Nguyễn Doãn Phương cho rằng, nhiều người đang lầm tưởng các thuốc giải lo âu là thuốc ngủ và tự ý sử dụng.
Đồng quan điểm về vấn đề này, TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan Stress, Viện sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) khuyến cáo, tất cả người dân không nên tự ý dùng thuốc ngủ. Tự dùng thuốc là hành động hết sức sai lầm gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc cho sức khỏe.
Bởi lẽ, trong điều trị thì phải điều trị nguyên nhân, không phải điều trị triệu chứng, mà mất ngủ chỉ là một triệu chứng của một vấn đề sức khỏe nào đó mà thôi. Người bệnh phải đi khám để được bác sĩ tư vấn, điều trị kịp thời, nếu chỉ uống thuốc ngủ thì càng ngày, nguyên nhân thực sự sẽ ngày càng nặng lên.
Các bác sĩ cho rằng, giới nghệ sĩ như ca sĩ, diễn viên thường xuyên bị stress do áp lực công việc, cuộc sống, họ phải lo giữ hình ảnh, lo cạnh tranh... khiến họ bị mất ngủ. Do đó nhiều nghệ sĩ bị stress tìm đến thuốc ngủ, vì khi uống thì thấy đỡ ngay, cứ như vậy dần dần dẫn đến việc lạm dụng, uống tăng dần.
“Việc lạm dụng thuốc ngủ rất nguy hiểm, uống quá liều sẽ dẫn đến tử vong, như trường hợp ông vua nhạc Pop Michael Jackson cũng tử vong do lạm dụng thuốc ngủ”- TS. Tâm dẫn chứng.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi người dân thấy có những dấu hiệu bồn chồn, lo âu, có bất thường về sức khoẻ tâm thần thì không nên tự điều trị mà cần đến các bệnh viện chuyên khoa để thăm khám, tư vấn kịp thời.
Người dân tuyệt đối không nên tự ý mua các loại thuốc điều trị tâm thần, trong đó có thuốc ngủ. Khi mua thuốc ngủ, nên mua đúng loại được bác sĩ kê đơn.
Lạm dụng thuốc ngủ có thể mất mạng. Ảnh minh họa.
- Khoảng 5% trên toàn thế giới phải chịu đựng lo âu.
- Chi phí y tế cho rối loạn lo âu cũng vô cùng lớn, gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường.
- Theo một thống kê Wittchen 2002, có tới 66,7% không thể làm việc ít nhất 1 ngày trong năm, trung bình là 4,5 ngày/tháng.
- Ở Mỹ, chi phí cho cho chẩn đoán rối loạn lo âu là 6475$, chi phí để chẩn đoán rối loạn hoảng sợ là 1603$, Rối loạn lo âu khác là 1900$ (Martin D).
- Ở Châu Âu (Reciki D 2011): chi phí cho rối loạn lo âu cao hơn bệnh khác ở tuyến cơ sở (2375$ vs 1448$).
- Tại Việt Nam: Đa số bệnh nhân lo âu đều đi khám các chuyên khoa tim mạch, thần kinh (nhiều lần) trước khi được chẩn đoán là lo âu làm gia tăng các chi phí không cần thiết trong y tế.
(TS.BS Dương Minh Tâm cho biết).