Sau rất nhiều lần trực tiếp khám, điều trị cho bệnh nhân gặp vấn đề sức khỏe do sử dụng bóng cười BSCKI Từ Đức Minh- Phụ trách Khoa Y học cổ truyền - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng (BVĐK Yersin Nha Trang, Khánh Hòa) đã phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đang hiện hữu nếu không có các biện pháp ngăn ngừa kịp thời.
Bác sĩ Minh cho biết, gần đây nhất bệnh nhân Q A. (ở khu Mường Thanh Viễn Triều, TP.Nha trang) tìm đến bác sĩ với triệu chứng lâm sàng rối loạn cảm xúc, lo sợ, tay chân yếu.
Một bệnh nhân khác là T.Th cũng đến bác sĩ với triệu chứng lâm sàng đi loạng choạng, run rẩy, tê bì chân tay, mất ngủ.
Đáng nói là cả hai trường hợp còn rất trẻ, và xuất hiện các triệu chứng trên sau khi sử dụng bóng cười.
Chia sẻ về các triệu chứng trên, BS Minh cho biết, trong bóng cười có khí N2O nên hít bóng cười nhiều, khí N2O sẽ tan vào trong máu gây tác động đến hệ thần kinh khiến người hít đi loạng choạng, run rẩy. Khi sử dụng quá nhiều khí N2O (bóng cười) sẽ làm rối loạn cảm giác, yếu cơ, co giật, thậm chí liệt nửa người và mất khả năng vận động. Khí N2O trong bóng cười có tác động gây mê và có thể ảnh hưởng đến quá trình điều chỉnh giấc ngủ của cơ thể. Từ đó dẫn đến gián đoạn giấc ngủ và làm giảm chất lượng giấc ngủ, ngủ không sâu và thức giấc giữa đêm. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống mà ảnh hưởng đến công việc của người sử dụng bóng cười.
Cũng theo bác sĩ CKI Từ Đức Minh, người hít khí N2O trong bóng cười chủ yếu ở lứa tuổi 17 đến 25 tuổi. Có người khi tìm đến bác sĩ thì đã rơi vào tình trạng rối loạn cảm xúc, lo sợ, mất ngủ kéo dài, tứ chi yếu ớt, đi lại khó khăn. Ở những trường hợp này phải điều trị liên tục 4-6 tuần người bệnh mới có thể cơ bản trở lại bình thường. Ban đầu sẽ châm cứu, bấm huyệt kích hoạt hệ thần kinh cho người bệnh bớt lo sợ, lấy lại giấc ngủ, sau đó áp dụng các phương pháp khác.
"Từ phân tích trên cho thấy, tác hại của bóng cười với sức khỏe là rất lớn. Thậm chí hít khí N2O trong bóng cười quá nhiều còn ảnh hưởng đến chức năng não, làm giảm khả năng ghi nhớ và tập trung, nặng hơn là suy hô hấp, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp hít khí N2O trong bóng cười do ham vui, do bạn bè rủ, hít một lần rồi quen, có khi "nghiện". Các phụ huynh cần quan tâm, quản lý tốt con mình, dặn kỹ các cháu không được sử dụng bóng cười, dù một lần thôi cũng không nên", bác sĩ CKI Từ Đức Minh khuyến cáo.