Vì sao bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng bàn chân
Biến chứng bàn chân thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát được đường huyết hoặc kiểm soát kém. Điều này làm tổn thương các mạch máu ở chi kèm theo những tổn thương thần kinh ngoại biên. Đồng thời khi đường huyết tăng cao làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở bàn chân.
Bên cạnh đó, những tổn thương ở bàn chân như chai chân, giảm tiết mồ hôi, khô da, sừng hóa… sẽ dẫn đến vết loét. Lúc này nếu bệnh nhân không kiểm soát được đường huyết vết loét sẽ lâu liền. Từ đó tạo thành các vết loét lớn và làm tăng nguy cơ cắt cụt chi.
Các biến chứng của bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường có nguy hiểm không? Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh đái tháo đường sẽ gây ra những biến chứng cấp tính.
Biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường
- Đường huyết tăng quá cao khiến bệnh nhân lơ mơ, chậm chạp, thay đổi ý thức. Thậm chí có thể hôn mê tăng áp lực thẩm thấu máu do đường huyết tăng quá cao khiến mất dịch trong cơ thể.
- Hôn mê nhiễm toan ceton ở những bệnh nhân đái tháo đường type 1.
BSCKII Lê Thị Phương Huệ - Trưởng Khoa Nội tiết – Bệnh viện Thanh Nhàn giái đáp thông tin về bệnh đái tháo đường.
Một số biến chứng khác
Bên cạnh những biến chứng cấp tính nguy hiểm đến tính mạng có thể có những biến chứng khác như:
- Nhiễm trùng: nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, nhiễm trùng ở các cơ quan như da, cơ quan sinh dục hoặc loét chân không liền.
- Một số biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, suy thận
- Thậm chí có thể biến chứng gây mù lòa, biến chứng thần kinh tê bì, biến chứng thần kinh ngoại biên.
Biểu hiện của đái tháo đường
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa glucose mạn tính, bệnh tiến triển âm thầm. Khi người bệnh phát hiện ra những triệu chứng lâm sàng rõ rệt như: khát nước, tiểu nhiều, ăn nhiều nhưng vẫn sút cân… Lúc này đường huyết đã tăng cao và bộc lộ các triệu chứng lâm sàng khá rõ.
Đái tháo đường giai đoạn sớm sẽ có những triệu chứng không phổ biến. Tuy nhiên thường sẽ có các dấu hiệu đái tháo đường như:
- Cảm thấy mau đói
- Khô miệng
- Mệt
- Ngứa râm ran ở da
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường
Ngoài ra để phát hiện sớm cần chú trọng vào các đối tượng có nguy cơ đái tháo đường để sàng lọc và tầm soát sớm bằng các xét nghiệm.
Ai có nguy cơ mắc đái tháo đường
Đối tượng nào có nguy cơ mắc đái tháo đường:
- Những người trưởng thành có chỉ số BMI từ 23 trở lên (hơi thừa cân, béo phì)
- Tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường
- Người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp hoặc rối loạn lipid máu
- Phụ nữ có đái tháo đường thai kỳ sau khi sinh
- Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang
Người từ 45 tuổi trở lên nên sàng lọc tiền đái tháo đường và đái tháo đường. Nên sàng lọc từ 1-3 năm/lần tùy theo nguy cơ cao, thấp. Việc sàng lọc người có nguy cơ mắc đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường giúp điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh đái tháo đường có chữa khỏi được không?
Hiện nay chưa có loại thuốc nào chữa khỏi được bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên chúng ta có thể kiểm soát được bệnh bằng việc duy trì lối sống lành mạnh. Tuy nhiên có thể thông qua việc tập luyện và ăn uống. Lưu ý chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường phải luôn cân bằng giữa carbohydrate, protein và lipid. Bên cạnh đó phải đảm bảo được dinh dưỡng, cân bằng số lượng và chất lượng.
- Nên lựa chọn các thực phẩm giàu carbohydrate (gạo lứt, bánh mì đen...), thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật ít béo (thịt nạc, cá nạc, tôm...), ăn đa dạng các loại rau củ.
- Hạn chế dùng các loại quả có hàm lượng đường cao, hạn chế ăn mặn, thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa.
- Không nên dùng các loại hoa quả, bánh keo nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn.