Bệnh nhân viêm kết mạc gia tăng bất thường
Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân đến viện khám đau mắt đỏ gia tăng đột biến. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể song theo nhiều bác sĩ chuyên khoa mắt, số lượng bệnh nhân đến viện khám do đau mắt đỏ gia tăng nhiều hơn hẳn các năm trước. Để làm rõ các thông tin về bệnh viêm kết mạc hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS Nguyễn Đình Ngân, Phó Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn Mắt của Học viện Quân Y.
Phóng viên: Xin bác sĩ có thể cho biết năm nay hình thái của bệnh viêm kết mạc bất thường như thế nào so với những năm trước đây?
PGS.TS.BS Nguyễn Đình Ngân: Có một điều đặc biệt của dịch viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là dịch đau mắt đỏ) năm nay là số lượng bệnh nhân tăng đột biến, số bệnh nhân gặp biến chứng cũng nhiều hơn. Trong số những bệnh nhân đến bệnh viện khám, trường hợp viêm kết mạc có hình thành giả mạc nhiều hơn bình thường, số người bị tổn thương trên giác mạc cũng tăng.
Tuy nhiên, đây chỉ là đánh giá chủ quan của tôi và một số bác sĩ chuyên khoa mắt qua thực tế thăm khám chứ chưa có con số thống kê cụ thể.
Phóng viên: Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về căn bệnh viêm kết mạc không ạ?
PGS.TS.BS Nguyễn Đình Ngân: Viêm kết mạc là tình trạng viêm phù nề của kết mạc, thường được gọi là đau mắt đỏ, là một bệnh thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm trùng (virus, vi khuẩn), dị ứng, hoá học…. Viêm kết mạc do virus là nguyên nhân thường gặp nhất, và Adenovirus là nhóm có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành các đợt dịch trong cộng đồng, tại trường học hoặc tại nhà. Bệnh thường nhẹ, có thể tự khỏi, tuy nhiên một số trường hợp có thể gây biến chứng trên giác mạc.
Tỷ lệ mắc bệnh viêm kết mạc cấp khoảng 0,03 – 1,10% trong tổng số toàn bộ dân số, nhưng trong các môi trường có sự tiếp xúc gần gũi giữa người có bệnh và người không có bệnh, như công sở, trường học thì tỷ lệ này tăng đột biến 10 – 32 %.
Đường lây lan bệnh có thể do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi hoặc lây qua tay người bệnh với người chưa mắc bệnh. Với một số loại virus đường hô hấp (như Adenovirus…) đường lây có thể qua giọt bắn. Thời gian ủ bệnh viêm kết mạc có thể từ 1 đến 2 tuần và thời gian người bệnh có thể lây cho người lành là từ 2 tuần trở lên kể từ khi biểu hiện bệnh. Đặc biệt một số trường hợp mắc virus, chưa có biểu hiện viêm kết mạc nhưng đã có thể lây cho người khác, vì vậy dễ tạo nên dịch trong cộng đồng.
Phóng viên: Như vậy có rất nhiều nguyên nhân gây viêm kết mạc, vậy thưa bác sĩ viêm kết mạc có giả mạc là gì? Có cần phải bóc giả mạc không?
PGS.TS.BS Nguyễn Đình Ngân: Viêm kết mạc có giả mạc là tình trạng mặt trên của kết mạc có màng. Trong y khoa chia làm 2 loại là màng giả và màng thật. Màng thật chính là biểu mô của kết mạc bị hoại tử, nó phù lên như một cái màng nhưng lại không thể bóc nó ra được. Màng giả hay còn gọi là giả mạc, thường do kết mạc bị viêm quá mức dẫn đến tăng thấm thành mạch, làm các protein phân tử lượng cao thoát ra khỏi mạch máu (đặc biệt là fibrinogen), tạo ra màng xuất tiết mà thành phần chủ yếu là fibrin phủ lên mặt trên của kết mạc. Giả mạc là biểu hiện của phản ứng viêm rất nặng.
Tình trạng giả mạc gặp trong nhiều bệnh về mắt chứ không riêng các bệnh viêm kết mạc do virus, vi khuẩn như bỏng mắt, hội chứng Stevens Johnson (dị ứng thuốc)…
Màng này như một tấm khiên chắn không cho thuốc tiếp xúc với kết mạc, đồng thời nó lại là nơi để vi khuẩn phát triển, dễ dẫn đến nhiễm trùng. Nhưng vì là màng giả nên có thể bóc ra khỏi kết mạc tương đối dễ dàng. Vì vậy điều trị viêm kết mạc có giả mạc cần phải bóc màng này khỏi kết mạc, phối hợp dùng thuốc kháng sinh, chống viêm để dự phòng nhiễm trùng, giảm tính thấm của thành mạch máu .
Các hướng dẫn trên thế giới hiện nay cũng đều khuyến cáo nên bóc giả mạc để thuốc tra vào mắt ngấm tốt hơn và giảm tình trạng viêm xuất tiết. Trong một số bệnh lý viêm khác, giả mạc có thể làm dính kết mạc ở các vị trí khác nhau, ví dụ như bỏng, hội chứng Stevens Johnson mà không vệ sinh, bóc màng giả mạc trong giai đoạn cấp sẽ làm dính kết mạc mi vào kết mạc nhãn cầu gọi là dính mi cầu. Khi đó thì rất khó để chữa trị.
Bệnh nhân viêm kết mạc do virus có giả mạc sau khi bóc phải khám lại sau 2 – 3 ngày để xem mức độ tái lập và các biến chứng trên giác mạc nếu có. Tuỳ mức độ viêm mà giả mạc sẽ tái lập lại, thông thường mắt viêm kết mạc do virus có giả mạc phải bóc 2 -3 lần (sau mỗi 2-3 ngày) mới ổn định.
Không có thuốc đặc trị bệnh viêm kết mạc cấp do Adenovirus
Phóng viên: Khi bị viêm kết mạc cấp do virus thì người bệnh phải điều trị bằng thuốc gì thưa bác sĩ?
PGS.TS.BS Nguyễn Đình Ngân: Viêm kết mạc cấp do Adenovirus không có thuốc điều trị đặc hiệu. Có một số thuốc kháng virus được nghiên cứu có thể diệt được adenovirus nhưng tác dụng phụ, gây tổn thương mắt rất nhiều nên không dùng. Adenovirus biến đổi liên tục nên cũng rất khó có vaccine phòng bệnh. Ngoài ra nếu chỉ viêm kết mạc đơn thuần thì đây là bệnh nhẹ, ít để lại di chứng.
Do vậy điều trị viêm kết mạc cấp do Adenovirus, thông thường bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh để đề phòng nhiễm trùng, có thể kèm theo nước mắt nhân tạo để làm dễ chịu mắt. Đa số các loại kháng sinh tra mắt có trên thị trường hiện nay đều dùng được, các kháng sinh tra mắt thuộc nhóm Quinolon (trừ Ciprofloxacin) đều được cho là tương đối an toàn cho trẻ trên 1 tuổi. Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc có corticoid với liều rất thấp. Mục đích là để giảm tính thấm thành mạch, giảm viêm, giảm khó chịu.
Đối với điều trị viêm kết mạc cấp, điều quan trọng nhất là vệ sinh. Đơn giản nhất là nhỏ nước muối, làm sạch mắt và lau sạch tiết tố, giữ mắt được sạch sẽ, kết hợp với dùng kháng sinh sẽ rút ngắn được thời gian lành bệnh.
Phóng viên: Có thể nói bệnh viêm kết mạc khá nguy hiểm, vậy bệnh có thể gây ra những biến chứng như thế nào thưa bác sĩ?
PGS.TS.BS Nguyễn Đình Ngân: Biến chứng vào giác mạc là hậu quả đáng lo nhất của viêm kết mạc. Biến chứng có thể do virus (gây viêm kết mạc) gây ra, hoặc do bội nhiễm vi khuẩn vào giác mạc. Nếu có giả mạc mà không bóc, điều trị tích cực có thể gây trợt giác mạc, loét giác mạc và để lại sẹo trên kết mạc.
Một số phân nhóm (típ) của adenovirus có thể gây viêm chấm nông giác mạc, sau đó gây ra viêm giác mạc đốm. Tổn thương đốm viêm sẽ tồn tại rất lâu dưới biểu mô giác mạc, thỉnh thoảng có đợt tái viêm gây kích thích khó chịu. Biểu hiện ra là bệnh nhân có thể không giảm thị lực, nhưng khi ra nắng là bị lóa, chói, nhìn mờ, thi thoảng mắt có đợt khó chịu, đỏ, chảy nước mắt. Tình trạng này sẽ tái đi tái lại do virus còn tồn tại trong giác mạc bào, thỉnh thoảng lại phóng thích ra mô giác mạc. Điều trị tổn thương này cần chú ý tránh dùng kéo dài thuốc có corticoid, sẽ gây phụ thuộc thuốc và gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như đục thể thuỷ tinh, tăng nhãn áp.
Một biến chứng cần chú ý nữa là nhiễm trùng giác mạc do bội nhiễm. Giả mạc ở mặt trong của mi (kết mạc mi), cọ vào giác mạc sẽ gây trợt xước, ngoài ra do biểu mô giác mạc bị viêm do virus càng dễ bị tổn thương hơn. Nếu người bệnh giữ vệ sinh không tốt sẽ bị bội nhiễm vi khuẩn, hoặc nấm gây nên loét giác mạc do nhiễm trùng nặng. Hậu quả của các trường hợp loét giác mạc này phụ thuộc vào yếu tố, tác nhân gây bệnh, vị trí tổn thương trên giác mạc và mức độ trầm trọng của bệnh.
Phóng viên: Trường hợp biến chứng viêm kết mạc dẫn đến mức mất thị lực có thường gặp không thưa bác sĩ?
PGS.TS.BS Nguyễn Đình Ngân: Tôi được biết thì rất hiếm. Việc bị trợt giác mạc rồi nhiễm trùng cũng không phải là nhiều. Vì khi tra kháng sinh vào mắt khi có viêm kết mạc là đã phòng được vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên có một số trường hợp là vi khuẩn hoạt động quá mạnh, kháng sinh không có hiệu quả, hoặc ngược lại bệnh nhân không tra được kháng sinh vào mắt (do nhỏ tuổi, không hợp tác) dẫn đến dễ nhiễm trùng hơn. Ngoài ra còn phụ thuộc vào vị trí của vết viêm, nếu vết thương ở chính giữa giác mạc (lòng đen) của mắt thì nhìn sẽ mờ nhiều hơn ở ngoài rìa.
Phóng viên: Với trẻ em dưới 3 tuổi, nguy cơ của viêm kết mạc virus là gì thưa bác sĩ?
PGS.TS.BS Nguyễn Đình Ngân: Phải khẳng định nguy cơ viêm kết mạc do virus là rất hay gặp và dễ lây thành dịch ở trẻ em do trẻ chưa có kháng thể kháng virus. Trẻ em dưới 3 tuổi dễ mắc viêm kết mạc nhưng đáp ứng ở mỗi trẻ là khác nhau. Có một vấn đề cần chú ý ở trẻ dưới 3 tuổi là việc tra thuốc cho trẻ còn khó khăn. Trẻ đau mắt thường đau nên không hợp tác, hoặc khi nhỏ được thuốc thì trẻ khóc làm thuốc trôi đi mất.
Ở những trẻ có giả mạc thường rất đau và nhắm tịt mắt lại, nên ngay cả việc bác sĩ thăm khám cũng gặp khó khăn. Trường hợp này thì khuyến cáo cho gia đình vệ sinh và tra thuốc đúng cách, có thể tra thuốc vào lúc ngủ để trẻ không khóc và thuốc vào mắt tốt hơn.
Phóng viên: Ông có lời khuyên nào cho các gia đình trong chăm sóc trẻ dưới 3 tuổi bị viêm kết mạc?
PGS.TS.BS Nguyễn Đình Ngân: Khó khăn nhất trong chăm sóc trẻ dưới 3 tuổi bị viêm kết mạc là vấn đề trẻ không hợp tác, trong đó việc nhỏ thuốc là quan trọng nhất. Có một cách để việc tra thuốc này có tác dụng là tra vào các thời điểm trẻ ngủ. Kháng sinh thường phải tra khoảng 4 lần/ngày thì chọn các thời điểm như khoảng 5h sáng tra 1 lần, ngủ trưa lại tra 2 lần (sau khi ngủ 1 lúc và lúc chuẩn bị ngủ dậy), đến buổi tối khi trẻ ngủ lại tiếp tục tra. Còn với trẻ ngoan và hợp tác thì việc điều trị không quá phức tạp.
Ngoài ra vệ sinh mắt có vai trò quan trọng. Điều trị cho trẻ nhỏ viêm kết mạc cũng giống như người lớn, phải dùng kháng sinh để phòng bội nhiễm và vệ sinh mắt thường xuyên, tra mắt bằng nước muối và dùng bông sạch lấy hết tiết tố ở mắt. Ở các trường hợp viêm kết mạc nặng, có biến chứng như viêm kết mạc có giả mạc hoặc biến chứng trên giác mạc phải được khám bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Tuy nhiên quan trọng hơn cả vẫn là khâu phòng bệnh, Adenovirus lây truyền qua giọt bắn và tiếp xúc, do vậy cần phải khử khuẩn tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người. Trẻ đã bị mắc thì phải được cách ly tại nhà, sử dụng đồ dùng riêng. Ngoài ra là có chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý để tăng cường sức đề kháng, chống lại virus xâm nhập. Nhưng cần lưu ý là bệnh viêm kết mạc do adeno virus có thể lây nhiễm trước khi biểu hiện bệnh từ 4-5 ngày. Đó là lý do hình thành nhiều ổ dịch đau mắt đỏ.
Viêm kết mạc nói chung là một bệnh tương đối lành tính và có thể tự khỏi, nhiều trường hợp chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, đúng cách là triệu chứng bệnh thuyên giảm.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!
Xem thêm video đang được quan tâm:
Công Bố Điểm Chuẩn 17 Trường Quân Đội Năm 2023: Cao Nhất 27,97 Điểm | SKĐS