Có một số trường hợp gây biến chứng nặng, bội nhiễm vi khuẩn khi mắc virus Adeno
Bé Na con gái chị Linh (quận Long Biên, Hà Nội) liên tục sốt cao trong vài ngày, kèm theo triệu chứng nôn và mệt mỏi. Ban đầu, gia đình chỉ nghi ngờ con bị bệnh liên quan tới sốt xuất huyết hoặc vấn đề về đường ruột, nên đã đưa trẻ đi siêu âm ổ bụng, test sốt xuất huyết. Tuy nhiên, trẻ không phát hiện bất thường, kết quả test cũng âm tính.
Bé sốt cao đến ngày thứ 6 không đáp ứng thuốc, ho, đau họng, khó thở, gia đình đưa vào viện. Sau khi thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ cho biết bé không những nhiễm virus Adeno mà còn gặp phải tình trạng bội nhiễm vi khuẩn khiến tình trạng viêm phổi của trẻ trở nặng.
Hiện bé Na đang được điều trị tại Bệnh viện TW Quân đội 108. Trước khi nhập viện, trẻ không có những biểu hiện khác khi mắc virus Adeno như viêm kết giác mạc ở mắt, thở khò khè hay tiêu chảy...
Theo TS. BS Nguyễn Văn Tùng - Phó Chủ nhiệm Khoa nhi - Bệnh viện TW Quân đội 108, virus Adeno đa phần gây biểu hiện từ mức độ nhẹ - vừa, biểu hiện là viêm kết mạc, viêm họng, viêm đường hô hấp trên, thanh quản và có trường hợp gây viêm dạ dày ruột. Nhưng cũng có cá biệt một số trường hợp gây biến chứng nặng, bội nhiễm vi khuẩn, điều này phụ thuộc vào tuýp virus Adeno, độ tuổi và sức đề kháng của trẻ.
Khi nhiễm virus, hệ miễn dịch của trẻ sẽ bị suy yếu, cùng với đó là sự tổn thương niêm mạc đường hô hấp do virus gây ra, rất dễ tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp, làm nặng thêm tình trạng nhiễm virus Adeno ở trẻ.
Bội nhiễm có thể gây ra tình trạng suy hô hấp nặng, trẻ cần hỗ trợ thở máy, thậm chí có trường hợp phải chạy tim phổi ngoài cơ thể (ECMO). Bên cạnh đó, một số trường hợp trẻ có hệ miễn dịch yếu có thể gặp biến chứng nặng do virus Adeno như viêm dạ dày, viêm dạ dày ruột, viêm não, màng não. Tình trạng 'bệnh chồng bệnh' khiến trẻ đối diện với nhiều nguy cơ về sức khoẻ nếu không được chăm sóc đúng cách.
Thực tế, virus Adeno hay các loại virus nói chung khi xâm nhập vào cơ thể thì có nhiều biểu hiện lâm sàng có thể để lại hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe. Điều đó có thể do trực tiếp virus gây ra nhưng cũng có thể là do bội nhiễm bởi các vi khuẩn khác. Đặc điểm bội nhiễm nói chung sau khi mắc virus Adeno ở trẻ, có thể là: sốt tăng lên, trẻ ho đờm đặc hơn hoặc ho có đờm xanh, đờm vàng...
Làm gì để phòng bệnh cho trẻ?
Theo bác sĩ, trẻ nhiễm virus Adeno được cách ly tại phòng bệnh riêng, hỗ trợ hô hấp (thở oxy hoặc thở máy) khi cần. Trẻ được điều trị theo triệu chứng, như hạ sốt nếu sốt cao, bù nước điện giải, bổ sung dinh dưỡng, sử dụng thuốc kháng virus với trường hợp nặng, suy giảm miễn dịch.
Để phòng bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ khuyên nên tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ bằng cách cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Cho trẻ tiêm các loại vaccine theo lịch tiêm chủng hoặc vaccine đường uống để ly giải vi khuẩn, kích thích hệ thống miễn dịch, tạo ra các kháng thể phòng chống vi khuẩn gây bội nhiễm đường hô hấp.
Người nhà vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên như nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn thì súc miệng nước muối sinh lý. Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh bị nhiễm lạnh, đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm.
Nếu trẻ có những biểu hiện bất thường và nghi ngờ mắc virus Adeno, gia đình cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và kiểm tra. Khi trẻ được hỗ trợ điều trị bệnh sớm, tăng cường sức đề kháng hô hấp đúng cách, sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Theo Bộ Y tế, bệnh do virus Adeno là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, ghi nhận các trường hợp mắc quanh năm. Bệnh đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, ghi nhận số bệnh nhân nhập viện tăng tại Bệnh viện Nhi TW, tại Hà Nội số ca mắc virus Adeno cũng tăng nhanh thời gian qua.
Dự báo trong thời gian tới, số mắc có thể tiếp tục tăng tại một số địa phương. Các bệnh viện tuyến cuối có thể tăng số trường hợp bệnh do virus Adeno nhập viện do người dân các tỉnh đến trực tiếp khám bệnh mà không qua các bệnh viện tuyến trước, mặc dù mắc bệnh ở mức độ nhẹ...
Cùng với dịch COVID-19, dịch sốt xuất huyết đang lưu hành, bệnh do virus Adeno gia tăng, xuất hiện ca bệnh cúm A(H5) và đặc biệt là dịch mới nổi như đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam.
Do đó phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan.