Hà Nội

Bác sĩ cầm bút… viết văn

23-02-2022 07:44 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Một số bác sĩ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng là những cây bút văn chương, có tác phẩm giàu tính nhân văn được bạn đọc đón nhận.

Hai thầy thuốc nổi danh của... âm nhạc ViệtHai thầy thuốc nổi danh của... âm nhạc Việt

SKĐS - Không chỉ giỏi chuyên môn khi khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, bác sĩ nha khoa Nguyễn Ngọc Thiện còn là các nhạc sĩ nổi danh của âm nhạc Việt Nam.

Bác sĩ viết sách chuyên ngành y khoa ở nước ta không hiếm, nhưng thầy thuốc viết văn và có tác phẩm để lại dấu ấn trên văn đàn, gây ấn tượng với bạn đọc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Văn học Việt đã xuất hiện một số cây bút mà nghề chính của họ là bác sĩ. Nhưng khi cầm bút, họ cho thấy không chỉ giỏi chữa bệnh cứu người mà còn dùng tâm hồn và sự sáng tạo của mình gieo lên con chữ, cho ra đời tác phẩm đặc sắc, lan tỏa những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn tới bạn đọc.

Bác sĩ cầm bút…viết văn - Ảnh 2.

Từ trái qua: Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Lê Minh Khôi, Đỗ Hồng Ngọc.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc - Cây bút 'lão làng' của văn đàn

Có lẽ tác giả Đỗ Hồng Ngọc, sinh năm 1940, là cái tên không còn xa lạ với bạn đọc nước nhà. Các tác phẩm của ông khai thác đa dạng đề tài. Về thơ có các tập tiêu biểu: Tình người (1967), Thư cho bé sơ sinh & những bài thơ khác (2010); Tạp văn, tạp bút có Gió heo may đã về (1997), Về thu xếp lại (2019), Để làm gì (2020)…

Bác sĩ cầm bút…viết văn - Ảnh 2.

Bác sĩ - nhà văn Đỗ Hồng Ngọc.

Sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc không phải là những tiểu thuyết diễm tình, éo le, gay cấn, cũng chẳng phải là sách nhất thời "ăn theo" một sự kiện nào đó, hay những sách dạy làm giàu thời thượng… Đó là những tập tản văn về một nếp sống an lạc, về thiền, tùy bút về sức khỏe viết cho người cao tuổi và cả những ký sự nhân vật viết về những người quen thân với tác giả, trong đó có nhiều trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng.

Ít ai biết, Đỗ Hồng Ngọc có học hàm Tiến sĩ y khoa, là bác sĩ chuyên Khoa Nhi Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM, giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM. Ông bén duyên với nghề viết từ thuở đôi mươi.

Khi còn là sinh viên y khoa năm thứ ba, chàng sinh viên Đỗ Hồng Ngọc thực tập tại Bệnh viện Từ Dũ, đã viết bài thơ nổi tiếng Thư cho bé sơ sinh với những vần thơ thấm đẫm tính nhân văn: Khi anh cắt rún cho em/ Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ…

Bác sĩ cầm bút…viết văn - Ảnh 3.

Về thu xếp lại là tập tản văn của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc được bạn đọc đón nhận.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc từng chia sẻ ông viết bài thơ trên ngay trong chừng mươi phút, rồi còn cao hứng chép vào sổ phúc trình sau phần bệnh án, bị thầy rầy không lo đỡ đẻ lo làm thơ. Nhưng hôm sau chàng sinh viên năm cuối đã thấy bài thơ được ai đó viết lên bảng đen và được nhiều bạn bè đồng nghiệp lưu truyền. Với bút danh Đỗ Nghê, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trước năm 1975 còn có nhiều bài thơ được bạn bè, đồng nghiệp yêu thích như Em còn sống mãi, Tâm sự Lạc Long Quân, Lời ru, Cổ tích về ngôn ngữ...

Tôi viết sách là những thể hiện riêng tư và chiêm nghiệm của tôi. Khi mới ra trường, tôi viết cho học trò như người bạn, người anh viết cho bạn mình, em mình. Khi tôi có con, tôi viết cho những bà mẹ sinh con đầu lòng. Đến 50 tuổi, tôi cảm thấy chút heo may già và tôi viết 'Gió heo may đã về'. 60 tuổi về hưu, tôi viết 'Già ơi chào bạn'.
Bác sĩ - nhà văn Đỗ Hồng Ngọc

Bác sĩ – nhà văn Đỗ Hồng Ngọc từng thổ lộ, ông vừa mê dạy học, văn chương và cũng mê làm nghề y. Năm 1962 thi đỗ tú tài, ông như đứng giữa ngã ba đường không biết nên học Văn khoa, Sư phạm hay Y khoa… "Ông Nguyễn Hiến Lê khuyên nên học y, vì ngành y có thể giúp đời cụ thể và nếu có tâm hồn, có năng khiếu thì làm nghề y cũng có thể viết văn và dạy học được. Tôi nghe lời", nhà văn Đỗ Hồng Ngọc kể lại.

Bác sĩ cầm bút…viết văn - Ảnh 5.

Để làm gì là tập sách gần nhất bác sĩ - nhà văn Đỗ Hồng Ngọc viết ở ngưỡng U80.

Những năm gần đây, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc vẫn viết đều. Cuốn tạp bút Để làm gì mới nhất của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc xuất bản năm 2020, để lại ấn tượng khi ông vẫn trung thành với văn phong riêng: vừa ngẫu hứng, nhiều chất thơ lại vừa chân thật, thâm trầm, khiến người đọc chậm rãi thưởng thức rồi chiêm nghiệm sâu lắng.

Để làm gì, ấn tượng nhất vẫn là những tạp bút viết về người già và những chiêm nghiệm tuổi già. Những câu chuyện về tuổi già, tình già, nghĩ về "cái sự già" của Đỗ Hồng Ngọc vẫn "rất chất" và thân thương trên mỗi con chữ ông viết.

Theo nhà nghiên cứu văn học - nhà thơ Nhật Chiêu, ông cảm thấy vui và sảng khoái khi đọc các câu chuyện hài hước trong Để làm gì. Khi ở tuổi bát thập, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chế tác các viên thuốc tinh thần bằng các câu chuyện hóm hỉnh. Người đọc lân la, đọc đi đọc lại vì cảm thấy thoải mái, dễ chịu với giọng văn không giáo điều.

"Đỗ Hồng Ngọc viết văn nhẹ nhàng, tưởng không là gì nhưng càng đọc, càng sâu sắc. Bác sĩ viết văn từ cảm nhận, trải nghiệm cá nhân và lấy chất liệu từ cuộc sống. Do đó, độc giả có thể bắt gặp chính mình trong các câu chuyện và tìm thấy sự đồng cảm", tác giả Nguyên Cẩn đánh giá.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh: Nơi ánh sáng không bao giờ tắt

Tuy số lượng sách xuất bản mới chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng bác sĩ Trần Quốc Khánh (Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức) đã nổi tiếng trên không gian mạng. Anh được nhiều người biết đến với tên gọi "bác sĩ nghìn like" vì những bài viết về sức khỏe, giúp mọi người nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua trang cá nhân có hàng trăm nghìn người theo dõi, luôn được yêu thích.

Bác sĩ cầm bút…viết văn - Ảnh 6.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh.

Năm 2021 vừa qua, bác sĩ Trần Quốc Khánh trình làng 2 cuốn sách, trong đó có cuốn Nơi ánh sáng không bao giờ tắt. Với số lượng 6.000 bản lần in đầu tiên, Nơi ánh sáng không bao giờ tắt từng "cháy hàng" ngay khi phát hành, với 1.000 đơn đặt trước. Cuối tháng 6/2021, ấn bản đặc biệt cuốn Nơi ánh sáng không bao giờ tắt của bác sĩ Trần Quốc Khánh thu về 160 triệu đồng sau 1 bán ngày đấu giá. Toàn bộ số tiền được gửi tới Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19.

Hơn 250 trang sách trong Nơi ánh sáng không bao giờ tắt, đặc biệt là những chương đầu tiên, bác sĩ Trần Quốc Khánh kể về tuổi thơ của mình, sinh ra và lớn lên nơi rừng núi Nghệ An. Nhà nghèo, những tưởng, Khánh - đứa bé từng học 2 năm không qua nổi lớp 1 rồi cũng như bao đứa trẻ nơi bìa rừng sẽ đầu hàng số phận. Nhưng rồi với nỗ lực không ngừng, sau 12 năm đèn sách, Trần Quốc Khánh được tuyển thẳng vào Đại học Y, trở thành bác sĩ nội trú và bây giờ là một bác sĩ ngoại khoa phẫu thuật cột sống.

Bác sĩ cầm bút…viết văn - Ảnh 7.

Nơi ánh sáng không bao giờ tắt, cuốn sách của bác sĩ Trần Quốc Khánh ra mắt năm 2021 là những câu chuyện nghề Y xúc động và truyền cảm hứng.

Xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện, những mảnh đời người bệnh đi cùng tác giả với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Những trang viết từ tấm lòng ấy có sức mạnh khiến lòng trắc ẩn trong mỗi chúng ta được khơi gợi, để tự thấy mình cần nâng niu từng khoảnh khắc khi còn sống và sống một cuộc đời thật ý nghĩa, tử tế.

Nơi ánh sáng không bao giờ tắt còn dẫn dắt người đọc đến những câu chuyện cảm động. Đó là hình ảnh "người mẹ khóc trong chiều Vu lan", là câu chuyện của một bệnh nhân lớn tuổi, khi cầm kết quả xét nghiệm trên tay, bà bị mắc một căn bệnh mà y học cũng chưa tìm được lời giải đáp. Lúc đó, "nước mắt cụ ứa trào, hai tay ôm bộ hồ sơ run run, cụ lặng lẽ rời đi, không một người con bên cạnh".

Những câu chuyện trong Nơi ánh sáng không bao giờ tắt được kể bằng giọng văn tâm tình như đang đối thoại giữa bác sĩ – bệnh nhân, như những người bạn cùng nhau nói về cuộc đời ngắn ngủi, độc giả hiểu hơn về nghề bác sĩ phẫu thuật – nghề thầm lặng cầm dao mổ cứu người và thế giới của lằn ranh mong manh giữa sự sống – cái chết, để từ đó biết sống tử tế và yêu thương nhiều hơn.

Cuốn sách của bác sĩ Trần Quốc Khánh cũng truyền cảm hứng tới độc giả, nhắn gửi tới mọi người, nhất là các bạn trẻ đừng bao giờ buông xuôi trước hoàn cảnh mà hãy luôn vươn mình đi tìm ánh sáng của tri thức, để tìm sự bình đẳng và nhận về sự tôn trọng từ người khác.

Bác sĩ Lê Minh Khôi: Viết để lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống khá chênh vênh này

Cuối năm 2021, bác sĩ Lê Minh Khôi (học hàm Phó Giáo sư - Tiến sĩ, hiện là Giảng viên Bộ môn Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc, Đại học Y Dược TP.HCM và bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) khiến bạn đọc xúc động mạnh khi trình làng tập tản văn Phía Tây thành phố.

Bác sĩ cầm bút…viết văn - Ảnh 8.

Bác sĩ Lê Minh Khôi.

Các bài viết trong tập tản văn này được bác sĩ Lê Minh Khôi viết khi chính anh là người trực tiếp tham gia điều hành một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM. Người thầy thuốc trong cuộc chiến với sát thủ vô hình SARS-CoV-2 ấy đã quan sát, gạn lọc và ghi chép lại những ngày tháng khốc liệt với sự điềm tĩnh và sâu sắc, thể hiện cái nhìn thực tế và hết sức sống động về thời gian "cuộn sóng" này.

216 trang sách trong Phía Tây thành phố cũng có những chiêm nghiệm khác rút ra từ cuộc sống hàng ngày, thể hiện cách nhìn đời nhẹ nhàng, vị tha của một bác sĩ đã từng chứng kiến nhiều cuộc sinh tử biệt ly và biết điều gì là đáng quý nhất trong đời. Bạn đọc sẽ thấy mình vừa như được nghe một công dân Sài Gòn nhỏ to tâm sự, vừa như được một bác sĩ đầy nhiệt huyết kể chuyện từ tuyến đầu chống dịch với những góc nhìn riêng chân thực đến mềm lòng.

Bác sĩ cầm bút…viết văn - Ảnh 9.

Tập tản văn Phía Tây thành phố của bác sĩ Lê Minh Khôi ra mắt cuối 2021.

"Là một thầy thuốc, được có cơ hội đối diện với những mong manh của kiếp người, những đớn đau về thể chất, những góc khuất của tâm hồn và cả cái chết, tôi chỉ muốn viết trước hết là để thuyết phục chính mình về cái thiện lương nguyên thủy của con người", bác sĩ Lê Minh Khôi chia sẻ, "Tôi không có bất cứ lập ngôn nào về việc viết văn. Viết, đối với tôi, là một nhu cầu thúc bách để sẻ chia, để diễn đạt bản thân và quan trọng nhất là để lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống khá chênh vênh này".

Trước Phía Tây thành phố, bác sĩ Lê Minh Khôi cũng từng để lại dấu ấn đậm nét trên văn đàn với tập tản văn Những sườn núi lấp lánh. Tập tản văn này đã thắp sáng tình người, gieo vào lòng bạn đọc những hạt mầm trắc ẩn, hướng đến những điều thiện lành và tử tế.

Những sườn núi lấp lánh được xem là một vị thuốc quý cho tâm hồn, theo cách nói của nhà văn Trần Nhã Thụy "những trang văn của Lê Minh Khôi như là những đơn thuốc cho những người đang bị kháng thuốc, lờn thuốc".

Ấn tượng "Mạch sống", bữa tiệc nghệ thuật tri ân bác sĩ tuyến đầu chống dịchẤn tượng 'Mạch sống', bữa tiệc nghệ thuật tri ân bác sĩ tuyến đầu chống dịch

SKĐS - 'Mạch sống' là chương trình nghệ thuật tri ân các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch diễn ra tối 20/2 tại Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM).

Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn