Phát biểu tại buổi lễ trao chứng chỉ đào tạo sau đại học cho bác sĩ chuyên ngành sơ sinh, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá cao những kết quả mà chương trình đào tạo này mang lại cho các học viên sau đại học chuyên ngành hồi sức sơ sinh.
Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh các bác sĩ chuyên ngành hồi sức sơ sinh tham gia chương trình đào tạo này là hạt nhân của nguồn nhân lực hồi sức sơ sinh vì được đào tạo bài bản, chuyên sâu từ các chuyên gia hồi sức nhi khoa hàng đầu của Anh.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng mong chương trình đào tạo này sẽ kéo dài tiếp tục để thêm nhiều thầy thuốc nhi khoa của Việt Nam được tham gia theo học nhằm góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị trẻ sơ sinh hoàn hảo, làm giảm tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh.
GS.TS Lê Thanh Hải- Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, tỉ lệ tử vong ở trẻ em trong những năm qua đã giảm rõ rệt, tuy nhiên tử lệ tử vong ở trẻ sơ sinh vẫn cao. Theo tổ chức Y tế thế giới năm 2015 có 5.9 triệu trẻ tử vong dưới 5 tuổi trên toàn cầu, trong đó 45% là trẻ sơ sinh.
Hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có chương trình đào tạo chuyên ngành sơ sinh sau đại học, do đó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Lê Thanh Hải đã nêu rõ, chương trình hợp tác đào tạo sau đại học cho các bác sĩ chuyên ngành sơ sinh này hướng đến mục đích nâng cao chất lượng chăm sóc cho trẻ sinh non và trẻ đủ tháng bị bệnh nặng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đó giảm tỉ lệ tử vong và những di chứng lâu dài cho trẻ em tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu bền vững thiên niên kỉ là giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh xuống 12/1000 trẻ sinh sống năm 2030.
Các học viên xuất sắc của khóa học được nhận chứng chỉ đào tạo sau đại học cho bác sĩ chuyên ngành sơ sinh.
Chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành sơ sinh Level 1 và Level 2 tại Bệnh viện Nhi Trung ương diễn ra từ tháng 2/2017 . Toàn bộ giáo trình giảng dạy được áp dụng từ chương trình của Viện sức khoẻ trẻ em Hoàng Gia Vương Quốc Anh.
Theo đó, các bác sĩ nhi khoa chuyên ngành sơ sinh tham gia khóa đào tạo sau đại học tại Bệnh viện Nhi Trung ương được đào tạo theo hình thức chuyên sâu về thực hành, thể hiện qua việc thường xuyên đi buồng để “giao tiếp” nhiều hơn với bệnh nhân, hiểu và nắm rõ hơn về tình hình bệnh tật cũng như diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân. Các giảng viên sẽ kiểm tra kiến thức của học viên ngay tại những lần đi buồng.
Song song với quá trình này, việc giảng dạy về lý thuyết theo hình thức mô phỏng kết hợp với hướng dẫn học viên tự kiểm tra, đánh giá về chính mình cũng được diễn ra.
Chương trình đào tạo này cho thấy hiệu quả rõ nét của việc các bác sĩ nhi khoa khi được đào tạo thêm, chuyên sâu về chăm sóc trẻ sơ sinh thể hiện ở một số điểm: nhật ký ghi chép về tình hình bệnh lý của bệnh nhi sơ sinh đã được hệ thống hơn và đầy đủ hơn; việc tiếp cận bệnh nhi, đánh giá các xét nghiệm và các yếu tố cận lâm sàng cũng mang tính hệ thống hơn… Tất cả những yếu tố này đã làm giảm đáng kể tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đột ngột xấu đi do bệnh nhân được theo dõi, kiểm soát và xử trí một cách có hệ thống, kịp thời…