Ngay sau khi nhận được thông tin, kíp trực đã nhận định nguy cơ tai biến sản khoa có thể xảy ra bât cứ lúc nào do đó, đã lên sẵn các kịch bản có thể xảy ra đồng thời qua điện thoại hướng dẫn gia đình cách chăm sóc sản phụ trong khi chờ bác sĩ đến.
Dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Bệnh viện, kíp cấp cứu của khoa Sản đã nhanh chóng lên đường đến gia đình sản phụ. Kíp cấp cứu gồm bác sĩ Lường Thị Hằng và một nữ hộ sinh. Trên đường đi đến nhà sản phụ bác sĩ đã liên tục trao đổi hướng dẫn người nhà qua điện thoại. Theo đó, song song với kíp cấp cứu xuống, gia đình người bệnh chủ động lấy xe máy đưa sản phụ ra đường lớn để chờ xe cấp cứu đến. Khi ra khỏi nhà khoảng 10 km thì gặp xe cấp cứu của bệnh viện.
Hộ sinh Lại Thị Thanh Tâm kể lại, lúc đầu, kíp cấp cứu chuẩn bị chuyển sản phụ về Bệnh viện nhưng khi kéo băng ca của xe cấp cứu xuống và thăm khám cho sản phụ thấy tình hình rất nguy kịch nên quyết định đỡ đẻ ngay trên băng ca, giữa đường. Chị Tâm cho biết thêm, lúc đó đã thấy nước ối bẩn , màu xanh đen kèm theo đầu em bé đã lọt thấp, trong khi đó bệnh nhân đã vỡ ối từ đêm hôm trước. Trong tình hình đó mà đưa bệnh nhân về viện sẽ nguy kịch đến tính mạng của hai mẹ con, nên quyết định đỡ đẻ tại chỗ để cứu mẹ và con. Bàn đẻ là băng ca của xe cấp cứu, những người khác hỗ trợ che ô cho bệnh nhân.
Sản phụ Vàng Thị Dâu và con đã an toàn sau khi được kíp bác sĩ đỡ đẻ dọc đường
Bác sĩ Lường Thị Hằng đã nhanh chóng thực hiện quy trình đỡ đẻ thành công.Tuy nhiên, khi em bé chào đời cháu bé đã tím tái, không khóc, phản xạ sơ sinh yếu. Các bác sĩ đã ngay lập tức khởi động qui trình hồi sức sơ sinh. Sau khoảng 10 phút em bé mới bật khóc. Bác sĩ cùng mọi người thở phào nhẹ nhõm. Và ngay lập tức thực hiện da kề da cho bé với mẹ.
Khi cả mẹ và bé dần hồi phục, kíp cấp cứu đã chuyển sản phụ và em bé về bệnh viện Đa khoa Mộc Châu để chăm sóc sau sinh. Hiện tại, sức khoẻ của hai mẹ con đã ổn định.
Sản phụ Vàng Thị Dâu và con tại BVĐK huyện Mộc Châu
Bác sĩ Lường Thị Hằng cho biết,Mộc Châu - Sơn La là tỉnh miền núi chủ yếu là người dân tộc vùng sâu vùng xa nên một số người dân còn hạn chế về hiểu biết đặc biệt là về chăm sóc sức khoẻ, y tế do tập quán lạc hậu nên một số sản phụ người dân tộc thiểu số không lên cơ sở y tế để sinh con mà họ đẻ tại nhà dẫn đến băng huyết. Khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu tình trạng đã nặng nề. Trường hợp của sản phụ này, may mắn là kíp cấp cứu di động của bệnh viện đến nhanh và kịp thời nên cả hai mẹ con cháu bé được cấp cứu thành công. Nếu chậm trễ, cả cháu bé và mẹ có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Trao đổi với phóng viên, BSCKII. Vi Hồng Kỳ, Giám đốc BV cho biết, Mộc Châu là một huyện miền núi, nhiều xã xa trung tâm huyện, đa số là đồng bào dân tộc trình độ dân trí và nhận thức còn hạn chế, nhiều người dân do đường xá xa xôi và phong tục tập quán nên ngại đến viện. Bên cạnh đó, Mộc Châu lại nằm trên trục quốc lộ 6 lưu thông giữa Hà Nội với khu vực Tây bắc nên các tình huống cấp cứu khẩn cấp do tai nạn xảy ra…
Do đó, với vai trò là BV tuyến đầu của huyện, BVĐK Mộc Châu luôn đề cao công tác hỗ trợ tuyến dưới cũng như cấp cứu ngoại viện với các chuyên ngành như nội khoa, ngoại khoa, sản khoa... Theo đó, BV đã thành lập các tổ cấp cứu ngoại viên như trên. Tổ cấp cứu này sẽ trực 24/24h, và khi nhận được tín hiệu cần cấp cứu thì các tổ này sẽ khẩn trương lên đường đến các điểm cấp cứu với thời gian nhanh nhất...
Thực tế thì các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện cấp cứu nhiều trường hợp tai biến sản khoa tại nhà và tại trạm y tế xã với những tình huống không lường trước được.