Lịch trực Tết dù đã được lên, nhưng các nhân viên y tế vẫn chấp nhận tăng ca
Chia sẻ những khó khăn trong quá trình điều trị, TS.BS. Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp điều trị và chỉ đạo điều trị cho hai bệnh nhân người Trung Quốc mắc nCoV cho biết đây là lần “đánh trận” với nhiều áp lực và cảm xúc nhất mà ông đã từng.
“Không nhiều cảm xúc và áp lực sao được khi bệnh do virus Corona chủng hoàn toàn mới với độc lực cao, khả năng lây lan cao, lại chưa có phác đồ điều trị”.
TS.BS. Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy
Theo BS. Hùng, ngày 22/1, ngay sau khi tiếp nhận 2 cha con bệnh nhân người Trung Quốc được chuyển lên từ Bệnh viện huyện Bình Chánh với những nghi vấn nhiễm bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đang hoành hành ở Trung Quốc, 30 nhân viên y tế có chuyên môn cao của khoa đã được huy động trở lại để thực hiện việc phân luồng, cách ly và theo dõi, điều trị nhằm không để bệnh phát tán ra ngoài. Lịch trực Tết dù đã được sắp xếp song vì tính chất quan trọng của các ca bệnh, các nhân viên y tế đã chấp nhận tăng ca.
Khó khăn đầu tiên khi điều trị hai ca bệnh nCoV là do chủng virus mới. Dù cùng “gia đình” với Corona nhưng Corona lần này biến thể khác với dòng Corona từng gây SARS và MERS, chúng có độc lực cao, khả năng lây nhiễm giữa người sang người là có và vì lạ nên chưa có phác đồ chính xác.
Có dịch bệnh người ta chạy ra còn mình thì "xông" vào
“Một trong những khó khăn thử thách khác nữa chính là việc điều động nhân sự trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân. Vào thời điểm đó, thông tin các nhân viên y tế ở Vũ Hán bị nhiễm bệnh càng khiến nhân viên tại khoa lo lắng. Điều này không khó hiểu, bởi người ta thấy bệnh chạy ra còn mình xông vào, làm sao không khỏi hoang mang. Trên thực tế, trong cương vị trưởng khoa, anh em lo một còn tôi lo mười bởi vừa phải nhìn trước nhìn sau để vừa đảm bảo trang thiết bị, vừa chọn người sao cho ngoài trình độ chuyên môn tốt, có kinh nghiệm, còn phải có tâm tính tốt, có tinh thần xung phong và tâm lý vững vàng. May mắn cho chúng tôi là một số anh em đã chinh chiến khá nhiều trận dịch bệnh đường hô hấp trước đó nên dù có lo lắng xong tinh thần cũng khá vững vàng. Đến thời điểm này, toàn bộ nhân viên y tế đều khỏe mạnh, không ai có dấu hiệu bị nhiễm bệnh”, TS. Hùng chia sẻ.
TS. Hùng cho biết luôn cảm kích trước một động thái dù nhỏ nhưng rất có ý nghĩa động viên tinh thần của các nhân viên y tế, đó chính là việc Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khi đến thăm vào đêm 29 Tết đã không ngần ngại mặc quần áo bảo hộ rồi đi thẳng vào phòng cách ly cùng với lãnh đạo bệnh viện để thăm hỏi bệnh nhân. “Việc làm này cực kỳ có ý nghĩa trong việc động viên tinh thần của anh em trong khoa”.
Về cách việc điều trị, TS.Hùng cho biết, dù chủng virus nCoV lần này hoàn toàn mới nhưng do chúng cùng dòng Corona virus nên đặc tính cũng có những điểm trùng nhau. Ví dụ như ở nhiệt độ cao thì những con virus này không thê sống kéo dài, nên phòng điều trị cho bệnh nhân được chọn là những phòng có thể đón ánh nắng mặt trời thường xuyên.
Ngoài ra, các dung dịch sát khuẩn được chọn dùng để tiếp xúc tại chỗ, vệ sinh môi trường, hoặc cho bệnh nhân và nhân viên y tế súc họng cũng là những loại có sức sát khuẩn cao. Đây chưa phải là bằng chứng sát thực nhưng kết quả cho thấy rất khả quan. "Tại Vũ Hán (Trung Quốc), dù phòng điều trị áp lực âm nhưng do nhiệt độ môi trường khá thấp nên việc tiêu diệt virus sẽ lâu hơn và khó hơn ở chúng tôi".
Về phác đồ nói chung, với bệnh nhân Li Zichao do không có bệnh lý nền nên các bác sĩ đã điều trị triệu chứng, bao gồm hạ sốt, giảm đau, tăng đề kháng… Với bệnh nhân Li Ding do có nhiều bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường nên phải điều chỉnh đường huyết, theo dõi huyết áp thường xuyên.
Do thế giới chưa có loại thuốc kháng virus nào diệt hẳn được virus corona chủng mới mà chỉ chống việc nhân virus lên và tránh lây lan rộng, chính vì thế bệnh viện đã áp dụng tất cả các biện pháp dùng kháng virus kháng sinh chung, sau đó qua xét nghiệm và theo dõi của từng bệnh nhân, bệnh viện đã có biện pháp riêng cho từng người.
Các bác sĩ đang thăm hỏi bệnh nhân Li Ding (ngồi)
Hiện tại mỗi ngày, do tiến trình bệnh đã cải thiện nên trước đây các bệnh nhân được khám 4 lần mỗi ngày thì bây giờ mỗi ngày còn 3 lần. Bên cạnh đó nhân viên y, điều dưỡng lấy sinh hiệu 4 lần mỗi ngày, 3 lần đưa cơm nước và phục vụ toàn bộ cho bệnh nhân. Các nhân viên y tế cũng vào hỗ trợ cho bệnh nhân tập thở và tập đi lại.
Đến thời điểm này, việc phòng chống nCoV nói chung và Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng vẫn vững vàng
Chiều 30/1, bệnh nhân Li Zichao (người con) dù vẫn còn được cách ly nhưng sức khỏe đã hoàn toàn ổn định, bệnh nhân này đã được xác định khỏi bệnh. Riêng bệnh nhân Li Ding sức khỏe cải thiện theo chiều hướng tốt, bệnh nhân có thể tập đi lại, tập thở, ăn uống được.
Nhận xét về trường hợp bệnh nhân Li Ding hiện vẫn đang còn dương tính với nCoV, TS. Hùng cho rằng theo kinh nghiệm vòng đời của virus SARS, MERS trước đây, các bệnh nhân nếu được điều trị tốt thì thời gian tự giới hạn khoảng 7 đến 10 ngày. Ở bệnh nhân này, căn cứ vào thời gian hết sốt đã hơn 3 ngày cho thấy lượng virus đã yếu đi.
“Xét về lý thuyết, bệnh nhân có thể âm tính với virus trong khoảng 48 giờ tới, tuy nhiên do người bệnh đã ngoài 60 tuổi, lại có cơ địa có quá nhiều bệnh lý nền nên vẫn phải theo dõi và tiếp tục điều trị chứ chưa thể khẳng định chính xác”, TS. Hùng nói.
Trước những cố gắng của tập thể lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo các khoa, bác sĩ điều trị, điều dưỡng và nhân viên y tế, ngày 29/1/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định khen thưởng các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vì đã nỗ lực cấp cứu và điều trị, điều trị thành công cho bệnh nhân người Trung Quốc mắc viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV.
BS.CK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thay mặt cán bộ công nhân viên chức của bệnh viện cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế đã có những chỉ đạo khẩn cấp kịp thời trong công tác phòng chống nCoV. Chính vì chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Y tế và cả hệ thống chính trị vào cuộc nên đến thời điểm này, việc phòng chống nCoV nói chung và tại Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng mới vững vàng. “Đây là thành tích chung của cả ngành Y tế chứ không riêng gì của Bệnh viện Chợ Rẫy” - BS. Thức nói.