Hà Nội

Bác sĩ bị bạo hành, ai là người thiệt?

19-06-2017 07:17 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ hành hung nhân viên y tế và côn đồ náo loạn bệnh viện, mới đây nhất, ngày 17/6, 2 đối tượng côn đồ xông vào BV thể thao hành hung 1 bác sĩ, thậm chí còn bắt bác sĩ quỳ gối xin lỗi. Có lẽ vấn đề an ninh bệnh viện nói chung và bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ chưa bao giờ hạ nhiệt. Các vụ hành hung nhân viên y tế và gây rối bệnh viện liên tiếp diễn ra không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần cũng như động lực, sự tận tụy của các nhân viên y tế.

Mới đây nhất, ngày 17/6, 2 đối tượng côn đồ xông vào BV thể thao hành hung 1 bác sĩ, thậm chí còn bắt bác sĩ quỳ gối xin lỗi, trước đó dư luận rất phẫn nộ trước vụ việc hai mươi thanh niên với dao, gậy, mã tấu xông thẳng vào khoa Cấp cứu, BV Đại học Y Hà Nội vào 4h sáng ngày 7/5 khống chế bác sĩ và chém liên tiếp nhiều nhát vào bệnh nhân đang nằm cấp cứu khiến cho bệnh nhân này bị thương nhiều chỗ và đứt khí quản. Rất may, bệnh nhân này đang nằm trong bệnh viện nên được bác sĩ cấp cứu với các thiết bị y tế hiện đại nhất nên đã qua cơn nguy kịch.

Trước đó,  vào ngày 29/4, một người nhà bệnh nhân đã liên tiếp tát vào má sinh viên Phạm Lê Tùng, sinh viên Y 3 trường Đại học Y Dược Thái Nguyên khi sinh viên này đang thực tập tại khoa Cấp cứu của BV khiến cho má của sinh viên này sưng vù. Không những thế, đến mấy ngày sau, sinh viên này vẫn chưa hết “sốc” và sợ hãi về sự việc mà mình vừa phải trải qua.

Trung tuần tháng 4, BS. Lê Quang Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc BVĐK huyện Thạch Thất cũng bị bố của bệnh nhân cầm cốc thủy tinh hành hung ngay tại phòng hành chính của khoa Nhi – khi anh vừa giải thích về tình trạng của cháu bé và viết giấy cho chuyển viện. Cú đánh quá mạnh, quá bất ngờ khiến cho Dương bị ngất tại chỗ, phải khâu 7 mũi. Sau khi đã được xuất viện, bác sĩ Dương vẫn phải nghỉ  làm vì vẫn bị đau đầu cùng với trí nhớ giảm sút…

Đây chỉ là một vài  trong số hàng loạt các vụ bạo hành y tế đang diễn ra và có xu hướng gia tăng. Khi sự việc này còn chưa kịp lắng xuống thì sự việc khác lại xảy ra. Những sự việc như thế này không chỉ ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của các nhân viên y tế. Điều này không chỉ không tốt cho nhân viên y tế mà những người bệnh khác cũng chịu thiệt thòi.

Đã từng chứng kiến đồng nghiệp bị hành hung, bác sĩ trẻ Nguyễn Xuân Hưởng, BVTW Thái Nguyên cho rằng, cần phải có Luật chống bạo hành nhân viên y tế  và đặc biệt trước mắt, hệ thống bảo vệ bệnh viện phải thật sự chuyên nghiệp. BS này cũng chia sẻ: “ là bác sĩ, chúng tôi mong muốn có một môi trường an toàn để làm việc. Có nghĩa là bác sĩ chỉ phải làm chuyên môn thôi, bác sĩ chỉ có khám bệnh, cho thuốc, mổ xẻ và nghiên cứu khoa học thôi, còn những việc khác thì không phải bận tâm. Có như vậy chúng tôi mới an tâm làm việc và cống hiến. Sẽ chẳng có tinh thần đầu óc nào nếu mà vừa làm việc vừa bị đe dọa và ức chế cả”.

Đã từng là nạn nhân của vụ hành hung bác sĩ vào năm 2014, bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa A9 bệnh viện Bạch Mai đã thốt lên: “ kinh khủng quá, ai cho mình môi trường làm việc tử tế đây. Những vụ việc như thế này ngày càng nhiều… Không có chế tài mạnh tay với nạn bạo hành bệnh viện thì những việc nhỏ như thế này cứ tiếp diễn mà thôi. Đôi khi người làm nghề chỉ mong được làm việc tử tế và được bảo vệ chính đáng thôi cũng được!”. Vị bác sĩ này cũng chia sẻ, có thời gian anh làm việc ở Bệnh viện tỉnh, trong buổi tối trực có toán côn đồ chém nhau đưa đến bệnh viện, một người bị chém đứt ngang cổ, một người bị đứt rời cánh tay máu chảy như suối. Trong lúc các nhân viên y tế đang lo cấp cứu thì nhóm côn đồ này cầm mã tấu  vào viện rồi nói, đứa nào cấp cứu cho nó bố chém chết. Đến khi làm việc ở Đại học Y, trực cọc 1, cũng có một bệnh nhân chém nhau bị đứt tay vào khâu. Người đi cùng cầm mã tấu dí vào cổ bác sĩ bắt phải khâu ngay nếu không chém…!”.

Cùng sự đồng cảm, BS. Trần Văn Phúc, BV Xanh Pôn cho rằng,  những câu chuyện về việc bị bệnh nhân dọa đánh trong môi trường y tế không ai lạ, nó diễn ra thường xuyên. Và, nếu coi bạo hành y tế như một cuộc đôi co ngoài đường phố thì đó là một sai lầm, bởi thực tế nó nghiêm trọng hơn rất nhiều. Khi  bạo lực y tế gia tăng cũng giống như người bệnh đang tự đẩy chất lượng y tế xuống vực.  BS. Phúc cũng chia sẻ: “ mặc dù đã quen nhiều với lời hăm dọa, nhưng chúng tôi vẫn bị sốc. Cả đêm không ngủ, cả sáng hôm sau làm việc trong trạng thái bất an… Và, hãy thử tưởng tượng một bác sĩ với một tâm trí sợ hãi, một bàn tay run rẩy thì có thể cung cấp một dịch vụ y tế tốt cho người bệnh?"


Tuệ Khanh
Ý kiến của bạn