Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế sát cánh cùng Bến Tre chống dịch

01-09-2021 15:16 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Tình hình dịch COVID-19 tại Bến Tre đến nay đã có những bước chuyển tích cực, đặc biệt là trong công tác điều trị. Để có được thành quả này là sự góp sức không nhỏ của Tổ công tác Bộ Y tế không ngại vất vả, ngược xuôi đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu tại địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bến Tre: Số ca mắc mới COVID-19 giảm, nhưng không được chủ quanBến Tre: Số ca mắc mới COVID-19 giảm, nhưng không được chủ quan

SKĐS - Ngày 30/8, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bến Tre về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Người con cố đô tại “xứ Dừa”

Từ ngày nhận nhiệm vụ theo Đoàn công tác Bộ Y tế tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại Bến Tre, BSCKII Đặng Như Quang - Phó trưởng Khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện Trung ương Huế với kinh nghiệm chuyên môn của mình đã sớm nhập cuộc, cùng với lực lượng tuyến đầu tại địa phương tìm hiểu quy trình phòng chống dịch, khảo sát tất cả các cơ sở y tế của tỉnh đề từ đó kịp thời khắc phục những hạn chế và đưa ra phương án điều trị bệnh nhân COVID-19 phù hợp.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre

Bác sĩ Đặng Như Quang cho biết: “Nhóm hỗ trợ điều trị có 4 thành viên đến từ Bệnh viện Trung ương Huế và 2 bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách hỗ trợ 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh. Chúng tôi kết hợp với tổ điều trị của tỉnh hình thành một đội trực tiếp tham gia nghiên cứu, đánh giá tình hình, hướng dẫn sâu công tác chuyên môn tại các cơ sở điều trị, đặc biệt là tại các khu điều trị tích cực. Theo phân công, tôi và một bác sĩ trong nhóm sẽ túc trực tại Bến Tre trực tiếp theo dõi, hỗ trợ kịp thời cho các lực lượng tuyến đầu tại đây”.

BSCK II Đặng Như Quang - Phó trưởng Khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện Trung ương Huế

BSCK II Đặng Như Quang - Phó trưởng Khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện Trung ương Huế

Đều đặn mỗi ngày, BS Quang cùng các đồng nghiệp đi thực tế, giám sát về chuyên môn, tìm hiểu cặn kẽ điều kiện làm việc của lực lượng y, bác sĩ, với mong muốn đạt hiệu quả cao nhất trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người bệnh.

“Bất kể ngày hay đêm, mỗi khi có thông tin về các trường hợp bệnh nhân có diễn biến nhanh, nguy kịch, nhóm lại ngay lập tức tham vấn, hỗ trợ để kịp thời đưa ra phương án điều trịkịp thời. Có hôm 23 giờ đêm, nhận được cuộc gọi từ cơ sở điều trị tuyến dưới về trường hợp bệnh nhân chuyển nặng, tôi cùng anh em ngay lập tức họp trực tuyến để nắm bắt thông tin, thực trạng của bệnh nhân để kịp thời chuyển tuyến, điều trị. Bởi điều trị COVID-19 phải tranh giành từng phút, mình chậm 1 phút thì bệnh nhân sẽ mất đi cơ hội” – BS Đặng Như Quang chia sẻ.

Nhóm điều trị, Tổ công tác Bộ Y tế tại Bến Tre

Nhóm điều trị, Tổ công tác Bộ Y tế tại Bến Tre

Xác định việc điều trị bệnh COVID-19 đòi hỏi tốc độ nhanh, bác sĩ Quang cùng đồng nghiệp chủ động đề xuất tỉnh điều phối vật tư hỗ trợ các huyện để đảm bảo điều trị kịp thời. Nhờ đó mà nhiều ca bệnh đã được cứu chữa, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, giảm tải áp lực cho cơ sở điều trị tuyến đầu là Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu.

“Điển hình, trường hợp bệnh nhân 96 tuổi nhiễm COVID-19 tại Ba Tri, nhập viện ngày 30/7 với tiền sử tai biến mạch máu não, tăng huyết áp. Khi nhập viện bệnh nhân khó thở, sốt cao và liệt nữa người, mặc dù đã cho sử dụng thuốc và thở oxy túi, nhưng bệnh nhân không thuyên giảm. Nhận được thông báo từ Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tri, tôi và anh em nhanh chóng họp khẩn, tiến hành chẩn đoán, xử lý môi trường. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển tuyến lên Bệnh viện Dã chiến số 4 (BVDK khu vực Cù Minh Lao) để kịp thời điều trị. Sau một tuần theo dõi và thường xuyên thăm khám, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, đến ngày 11/8 bệnh nhân đã đủ điều kiện xuất viện.” – BS Quang bồi hồi.

Đối với BS Đặng Như Quang nói riêng và nhóm điều trị nói chung, mảnh đất “xứ dừa” giờ đây chẳng khác gì “quê nhà”, chính tinh thần đó cùng sự lăn xả, trách nhiệm của người thầy thuốc, anh và đồng đội không ngại khó khăn, dốc sức cho công tác phòng chống dịch của tỉnh. Mỗi bệnh nhân vượt qua nguy kịch không chỉ là niềm vui của người bệnh của y sĩ, bác sĩ mà còn của cả nhóm hỗ trợ điều trị. Niềm vui này sẽ là động lực lớn để họ tiếp tục chung tay với Bến Tre trong cuộc chiến đầy khó khăn với dịch COVID-19.

Ánh sáng cuối đường hầm

Tròn một tháng, sự đồng hành của các thành viên nhóm điều trị và Tổ công tác là nguồn động lực to lớn cho Bến Tre trong phòng chống dịch bệnh. Đây là liều thuốc bổ trợ tinh thần, giúp đội ngũ y tế tại địa phương bình tĩnh, tự tin trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID -19.

“Lần đầu điều trị bệnh nhân COVID-19, đội ngũ có không ít khó khăn, lúng túng nhưng được sự hỗ trợ chuyên môn của nhóm điều trị và đồng nghiệp tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, lực lượng tại đơn vị đã có điều kiện học tập, nâng cao kỹ năng điều trị, chăm sóc tích cực. Có sự hỗ trợ, các y sĩ, bác sĩ tuyến huyện vững vàng hơn, góp phần điều trị hiệu quả cho bệnh nhân” – Ông Phạm Trúc Thanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ba Tri, bày tỏ.

Nhóm điều trị họp giao ban và đề xuất phương án điều trị với Sở Y tế Bến Tre

Nhóm điều trị họp giao ban và đề xuất phương án điều trị với Sở Y tế Bến Tre

Tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch ở “điểm nóng” phía nam, các thành viên trong nhóm điều trị nói riêng và Tổ công tác nói chung xác định đây là cuộc chiến lâu dài. Tại Bến Tre, nhóm công tác chưa xác định ngày về, với vòng xoáy công việc, các thành viên của tổ hầu như không có thời gian để liên hệ nói chuyện với gia đình.

“Thật ra, đến Bến Tre là cái duyên. Theo kế hoạch, tôi cùng đoàn sẽ hỗ trợ tại tỉnh Bình Dương, nhưng có thay đổi nên chuyến đi dời lại một tuần. Khi nhận lệnh của Bệnh viện Trung ương Huế tham gia đoàn Bộ Y tế, lúc đó tôi chưa biết đi tỉnh nào và thực hiện nhiệm vụ gì nên bản thân cũng có chút lo lắng. Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, được cống hiến sức mình thì nơi nào tôi cũng đi. Nếu không là Bến Tre thì sẽ là tỉnh khác, với suy nghĩ đó, chúng tôi quyết tâm dốc sức để mong địa phương sớm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh” - BS Quang tâm sự.

Dù phải xa nhà nhiều ngày, nhưng với tinh thần cống hiến hết mình, các thành viên của nhóm đã ngày đêm tham gia tư vấn, hỗ trợ công tác cứu chữa bệnh nhân, giúp nhiều người bệnh vượt qua những thời điểm nguy kịch để trở về với cuộc sống bình thường.

Tính đến ngày 31/8, các ca F0 trong cộng đồng tại Bến Tre liên tục có xu hướng giảm, toàn tỉnh đã có 1.214 bệnh nhân COVID-19 được điều trị thành công. Bến Tre giờ đây đang dần làm chủ trận địa, có thể khẳng định “ánh sáng cuối đường hầm” đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Đây là thành quả góp sức không mệt mỏi của Tổ công tác cùng sự nỗ lực của y sĩ, bác sĩ tại địa phương. Những hình ảnh đẹp của họ đã tô thắm thêm truyền thống bao đời nay của ngành y tế “lương y như từ mẫu”.

Biệt đội ICU


Trung Sơn
Ý kiến của bạn