Chỉ 2 ngày sau ca mổ u não, bé Nhi 10 tuổi, quê Hải Phòng đã có thể ngồi, nói chuyện, đi lại. Nhìn cháu gái hoạt bát, tủm tỉm cười, người bà ngoại chăm sóc Nhi từ khi lọt lòng không giấu nổi những gọt nước vui mừng.
Đây cũng chính là món quà đền đáp công sức của tập thể y bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện K hơn một tháng qua. Ít ai biết, trước đó gia đình đã có lúc nghĩ sẽ lìa xa con mãi mãi vì đã hết cách để cứu bé.
Bác sĩ "cân não" trước ca phẫu thuật
TS. BS Nguyễn Đức Liên chỉ cho phóng viên hình ảnh khối u có kích thước lớn trong não bệnh nhi
Bà Vũ Thị Quế, 70 tuổi, bà ngoại bé kể lại năm nay Nhi lên lớp 5. Đúng ngày khai giảng 5/9, bỗng dưng cháu bị nôn nên phải ở nhà. Thời điểm đó gia đình chỉ nghĩ đơn giản con bị cảm thông thường. Sau đó thấy cháu thi thoảng đau đầu, ăn hay nôn sợ bị thương hàn nên đưa con đi khám nhiều lần, nhưng chưa tìm ra bệnh. Lần thứ hai, sau khi đến một bệnh viện ở Hà Nội vì nôn suốt cả một ngày, trẻ mệt lả các bác sĩ phát hiện khối u trong não.
“Các bác sĩ nói 95% thất bại, khối u lớn, nguy cơ cao ác tính nên gia đình chần chừ không dám mổ. Mổ ra đúng khối u ác tính lại phải hóa trị, xạ trị với sức khỏe hiện tại của cháu làm sao chịu nổi. Nghĩ không còn cách nào để cứu, không muốn cháu chị thêm đau đớn nên gia đình đưa cháu về nhà cho uống thuốc nam”, bà Quế rớm nước mắt nói.
Đã không biết bao nhiêu lần bà Quế khóc thầm vì thương cháu nhưng bế tắc, không biết phải làm sao.
Cuối tháng 9, cô bé rơi vào hôn mê, gia đình đưa vào Bệnh viện K (Hà Nội) cấp cứu như một phép thử cuối cùng, thử vận may ở một bệnh viện chuyên về ung bướu.
TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện K cho biết, khối u lớn, kích thước 6x7cm nằm ở vị trí trung tâm não, ảnh hưởng rất nhiều chức năng quan trọng, khối u gây ứ nước trong não. Các bác sĩ đã quyết định mổ dẫn lưu dịch não tủy. Rất may chỉ sau 3 ngày hồi sức trẻ đã tỉnh táo.
Song bài toán đặt ra lúc này là có nên mổ lấy khối u lớn cho trẻ. Gia đình bệnh nhi lo lắng vì sợ rủi ro cao, khối u mổ ra nếu là ác tính thì cũng không có tác dụng. Vì thế, bệnh nhi được chỉ định sinh thiết để xác định tính chất của u. Với những kết quả thu được, các bác sĩ nghĩ nhiều đến khối u máu khổng lồ ở vị trí giữa não, một trong những bệnh hiếm gặp ở trẻ nhỏ.
TS Nguyễn Đức Liên cho hay: Biện pháp duy nhất cứu bé là mổ song rủi ro quá lớn. Mổ không cẩn thận có thể để lại những biến chứng như đi tiểu hàng chục lít một ngày, có trường hợp bỏ ăn, thờ ờ với việc ăn hoặc nguồn lại cuồng ăn. Thậm chí có thể khiến trẻ trở nên ngớ ngẩn, mất nhận định về thời gian, không gian
"Gia đình chúng tôi mừng vì các bác sĩ đã cứu được cháu"
Ngày 14/11, trẻ được mổ bóc tách khối u não. Ca mổ kéo dài 4 tiếng, các bác sĩ lấy được toàn bộ khối u mà không làm tổn thương đến các cấu trúc khác của não. Ca mổ được thực hiện dưới kính hiển vi có hệ thống dẫn đường đảm bảo độ chính xác cao nhằm không làm tổn thương đến các tổ chức khác của não. Đường mở xương sọ nhỏ chỉ khoảng 4 cm. Việc mổ bóc toàn bộ khối u sẽ giúp trẻ khỏi bệnh hoàn toàn.
"Thành công của ca mổ còn nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của kíp gây mê, hồi sức. Việc kiểm soát huyết động rất quan trọng vì tránh chảy máu tiến triển. Bản chất của u đã chảy máu, kích thước lớn, ở vị trí sâu trong não. Nhờ đường mổ ít xâm lấn, làm tốt công tác hồi sức sau mổ nên khả năng hồi phục của bệnh nhi rất nhanh"- TS Nguyễn Đức Liên nói.
Sau một trẻ ngày tỉnh táo, ăn uống được, không có bất kỳ dấu hiệu liệt tiến triển nào, nhận biết được người thân trong gia đình. Ngày thứ 2,3 trẻ hồi phục rất nhanh có thể ngồi, nói chuyện được. Ngày thứ 4 sau mổ, bé đã có thể đi lại, dự kiến một vài ngày tới có thể xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Kết quả sinh thiết đây là khối u máu thể hang khổng lồ, là một bệnh lý u lành tính.
Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của cháu bé đã phục hồi nhanh chóng
“Trước mổ cháu yếu, người oặt oẹt, mềm nhũn như không xương thế mà mổ xong khỏe rất nhanh. Cháu nó vui lắm vì sắp khỏi bệnh, gia đình cũng mừng vì bác sĩ đã cứu được cháu”- bà Quế vừa nói vừa nắm tay cháu.
Sự bình phục nhanh chóng của cô bé chính là thành quả ngọt ngào đối với tập thể các y bác sĩ. Đó cũng là phần thưởng cho sự quyết tâm của gia đình. Khi người bệnh, gia đình bệnh nhân “trao hy vọng” sẽ “nhận niềm tin”.