Theo lời kể của gia đình chị Nh, trước đó, ngày 14/6 trong lúc gia đình sửa nhà, chị Nh phụ giúp thì bất ngờ một tấm tôn lao từ trên mái xuống, làm đứt gần hoàn toàn cổ chân trái của chị Nh.
Sau khi băng bó tạm thời, chị Nh được gia đình đưa vào bệnh viện đa khoa Mộc Châu cấp cứu trong tình trạng sốc do mất nhiều máu. Kết quả thăm khám cho thấy. bó mạch chầy trước và chầy sau, xương sên và hoàn toàn gân cơ bao khớp khu vực trước ngoài và trong của cổ chân bị đứt.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, một cuộc hội chẩn nhanh đã được diễn ra, các bác sĩ nhận định, với trường hợp thương tích như của chị Nh nếu chuyển về Hà Nội, nguy cơ cắt cụt bàn chân là rất cao do thời gian di chuyển dài nên nếu bệnh nhân được mổ ngay thì vẫn còn hy vọng giữ lại chân cho bệnh nhân.
Sau đó,bác sĩ bệnh viện đã giải thích các nguy cơ của bệnh nhân với gia đình nếu chuyển đi hoặc ở lại. Gia đình chị Nh quyết định để bệnh nhân phẫu thuật tại BV, mặc dù gia đình cũng xác định nguy cơ có thể cuộc phẫu thuật thất bại.
Bàn chân gần đứt lìa của cô giáo đã được nối thành công tại bệnh viện huyện miền núi
Ths.Bs Vũ Giang An, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu cho biết, sau hơn 3 giờ đồng hồ phẫu thuật, kíp mổ đã nối hoàn toàn 2 động mạch và 5 tĩnh mạch kèm theo 2 thần kinh và toàn bộ các gân cũng được nối thành công. Trước khi nối, các bác sỹ đã phải bắn các ty để cố định các xương vỡ vào với nhau và cố định khớp cổ chân để mạch không bị di chuyển, vị trí nối mới liền được.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được dùng thuốc chống đông, dùng đèn hồng ngoại sưởi ấm. Thăm khám lại hàng ngày, thấy bàn chân của chị Nh có dấu hiệu phục hồi. các mạch máu nuôi dưỡng, bàn chân và ngón chân đã hồng, bàn chân ấm. Sau 4 ngày phẫu thuật bàn chân đã sống, các mạch máu đang lưu thông qua các mạch nối.
Chia sẻ về khó khăn khi phẫu thuật ca bệnh này, Ths. An cho biết, cái khó nhất trong phẫu thuật ca này là bệnh viện không có đầy đủ trang thiết bị cho nối mạch máu mà phải sử dụng các dụng cụ của đồ phẫu thuật chung. Thứ hai là các hệ thống để lấy máu tụ trong các mạch bị đứt cũng chưa có đầy đủ và thứ ba nữa là kinh nghiệm sử dụng thuốc chống đông sau khi mổ nối mạch cũng chưa có. Do vậy, để thực hiện được ca phẫu thuật, chúng tôi đã tham khảo ý kiến và được các thầy ở tuyến trên chỉ dẫn tận tình cách sử dụng thuốc cho bệnh nhân và những chỗ nối các mạch không bị đông vón lại gây tắc.