Bác sĩ bày cách sơ cứu khi bị chấn thương mắt do đốt pháo trong ngày Tết

BSCKII Trần Ánh Dương

BSCKII Trần Ánh Dương

03-02-2019 14:11 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Mỗi dịp Tết đến, tình trạng đốt pháo lại xảy ra ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Nhiều trường hợp đốt pháo dẫn tới các tai nạn nghiêm trọng, trong đó nhiều tai nạn gây chấn thương mắt, mù mắt rất đáng tiếc. BS CK II Trần Ánh Dương, Trưởng khoa Mắt, BV Việt Nam Cuba Đồng Hới hướng dẫn cách để sơ cứu cho người bị chấn thương mắt do pháo nổ.

Năm nào cũng vậy, mặc dù các phương tiện truyền thông liên tục đưa ra khuyến cáo về tình trạng đốt pháo bừa bãi trước trong và sau Tết Nguyên đán, nhưng nhiều người đã “phớt lờ” quy định cấm đốt pháo nổ để chơi với…. “tử thần”. Hậu quả là nhiều ca tai nạn thương tích do pháo nổ đã xảy ra.  Nhiều trường hợp tai nạn thương tâm dẫn tới mù mắt, hỏng mắt chỉ vì …. đứng xem đốt pháo.

Trong dịp Tết, tai nạn do pháo nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu người đốt pháo và cả người đứng xem bất cẩn. Pháo gây thương tích ở người có rất nhiều loại trong đó có cả pháo tự chế, pháo nổ và pháo hoa.

BSCKII Trần Ánh Dương, Trưởng khoa Mắt, BV Việt Nam Cuba Đồng Hới

Theo BSCKII Trần Ánh Dương, Trưởng khoa Mắt, BV Việt Nam Cuba Đồng Hới, mức độ tổn thương do pháo rất khác nhau tùy vị trí tổn thương, diện tổn thương. Tổn thương mắt do pháo từ mức độ từ nhẹ đến nặng như bỏng kết giác mạc, rách giác mạc, xuất huyết nội nhãn, nặng hơn có thể vỡ nhãn cầu dẫn đến mù vĩnh viễn, BS Dương cho hay.

Tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm bởi ngoài sức công phá gây ra các vết thương ở tất cả các vị trí trên cơ thể, pháo còn gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng lớn. Ngoài ra, trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh….  và người đốt sẽ phải tiếp xúc rất gần nên dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay.... BS Dương  cho biết, tai nạn do đốt pháo thường  gặp các tổn thương vùng mặt  như bỏng mặt, cháy lông mi, lông mày...

Pháo tự chế hay pháo nổ nói chung đều có thể gây sát thương đối với người đốt pháo.

Dấu hiệu mắt bị tổn thương do pháo

Theo BS Dương, nhiều tổn thương do pháo, bệnh nhân không phát hiện sớm để xử trí kịp thời. Có người  cảm thấy đau nhức mắt nhưng vẫn cố chịu một thời gian dài, đến khi đau quá không chịu được mới đi khám, lúc đó tổn thương nặng xử trí rất phức tạp. Người có nguy cơ bị tai nạn do pháo nổ là những người đứng xem hoặc trực tiếp đốt pháo.

Dấu  hiệu cảnh báo mắt bị tổn thương do pháo:

-Đau nhức mắt.

-Chảy máu mắt.

-Nhìn mờ….

Nếu có những dấu hiệu trên cần đến ngay các bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám và xử trí đúng.  BS Dương cho biết, nhiều bệnh nhân khi bị pháo bay vào mắt, nghĩ là có dị vật trong mắt, tìm mọi cách gắp dị vật ra. “Điều này cực kỳ nguy hiểm, người dân tuyệt đối không nên tự ý gắp dị vật ra khỏi mắt, vì không phân biệt được đâu là dị vật, đâu là tổ chức mắt khi bị tổn thương”- BS Dương khuyến cáo. Đã có những trường hợp người thân của bệnh nhân tự ý gắp dị vật ra ngoài, găp luôn mống mắt ra ngoài, hậu quả là bệnh nhân bị mù vĩnh viễn.

Một nạn nhân bị vỡ nhãn cầu do đốt pháo đầu năm 2019

Cách sơ cứu đúng khi bị chấn thương mắt do pháo nổ :

BS CKII Trần Ánh Dương cho biết, tổn thương mắt do pháo thường là bỏng nhiệt, trong pháo còn có hóa chất, nên khi bị tai nạn do pháo nổ, cần khẩn trương sơ cứu cho nạn nhân. Dưới đây là một số bước sơ cứu mà mọi người có thể áp dụng khi bị chấn thương mắt do pháo:

-         Nếu bị bỏng hoặc dị vật vào mắt khi đốt pháo, cần úp mặt nạn nhân vào chậu nước sạch, chớp mắt, để loại dị vật ra. Khi đốt pháo, dị vật vào trong mắt có thể  thuốc pháo, rất nguy hiểm.

-         Nếu dị vật không trôi ra khỏi mắt cần đến ngay bệnh viện. Hoặc nếu nạn nhân bị chảy máu mắt, người giúp đỡ có thể băng gạc rồi đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và chăm sóc đúng.

-         Người dân tuyệt đối không tự ý dùng các dụng cụ gắp dị vật, vì có thể gây tổn thương nặng thêm cho người bệnh.

Theo các bác sĩ, trong những năm gần đây, tình trạng chấn thương mắt do pháo gia tăng trong các dịp lễ, Tết. Nhiều trường hợp để lại hậu quả đáng tiếc do chấn thương hoặc bỏng. Tốt nhất người dân cần tuân thủ pháp luật không buôn bán hoặc sử dụng các loại pháo nổ,  bởi pháo không chỉ gây tai nạn cho bản thân người đốt pháo mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh.  Các cơ quan chức năng cần có biện pháp cứng rắn hơn để hạn chế tình trạng đốt pháo trong các dịp Tết.


Hải Yến
Ý kiến của bạn