Hà Nội

Bắc Kinh sẽ điều 42.000 máy bay không người lái án ngữ bầu trời Biển Đông?

13-05-2015 14:38 | Quốc tế
google news

Giới chuyên gia Mỹ nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ phát triển và triển khai hàng chục nghìn máy bay không người lái tự sản xuất tới Biển Đông để tăng cường yêu sách lãnh thổ tại vùng biển này.

Theo bản báo cáo trình Quốc hội mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ về quân sự và các diễn biến an ninh của Trung Quốc, Bắc Kinh hiện đang mạnh tay đầu tư phát triển một hạm đội máy bay không người lái (UAV) có khả năng hoạt động tầm xa.

Trung Quốc đang đẩy mạnh các kế hoạch nghiên cứu chế tạo và triển khai các UAV. Một số nguồn tin cho biết ước tính, nước này sẽ tự sản xuất tới 41.800 thiết bị không người lái hoạt động trên biển và trên bộ, trị giá khoảng 10,5 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2023”, báo cáo của Lầu Năm Góc viết.

Bắc Kinh có thể sẽ điều 42.000 máy bay không người lái tới Biển Đông. (Ảnh: Flickr)

 

Cũng theo báo cáo này, trong năm 2013, Trung Quốc đã tiết lộ rằng họ đang sản xuất 4 UAV, mang tên Xianglong, Yilong, Sky Saber và Lijian. Ngoài máy bay Xianglong, 3 chiếc còn lại được cho là được trang bị các vũ khí có khả năng tấn công chính xác. Lijian, chiếc UAV đã có chuyến bay thử đầu tiên vào ngày 21/11/2013, là thiết bị bay tàng hình đầu tiên của Bắc Kinh.

Báo cáo v
Báo cáo về Trung Quốc trình Quốc hội của Lầu Năm Góc Mỹ. (Ảnh: TheDiplomat)

Trong một buổi phỏng vấn, nhà nghiên cứu của Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS) Kelley Sayler nhấn mạnh rằng các thiết bị không người lái của Trung Quốc được sản xuất với các mức chi phí và các loại công nghệ khác nhau.

“Chúng ta cần phải xác định rõ gần 42.000 UAV của Trung Quốc là các máy bay tuần tra thương mại được sản xuất đại trà hay các phi cơ chất lượng cực cao được sản xuất theo các đơn đặt hàng chuyên biệt và thậm chí là có khả năng tàng hình”, ông Sayler nhấn mạnh.

Học giả Slayer cho biết: “Xác định được loại UAV của Trung Quốc sẽ giúp đưa ra các đánh giá chính xác về mức độ nguy hiểm mà chúng mang lại. Với mức chi phí vừa phải là 10,5 tỷ USD cho gần 42.000 máy bay trong khoảng 10 năm, ta có thể thấy các UAV của Trung Quốc sẽ thuộc hạng bình dân và hạng trung”.

Trong khi đó, chuyên gia về công nghệ vũ khí Paul Scharre cảnh báo chưa nên rung hồi chuông báo động về hạm đội UAV đang được Trung Quốc xây dựng.

Ông Scharre cũng chỉ ra rằng, không giống các máy bay không người lái của Mỹ, các UAV của Trung Quốc chủ yếu sẽ được triển khai trong khu vực, do đó cần ít các công nghệ cao và nhiên liệu để vận hành hơn.

“Nếu họ sử dụng các máy bay không người lái cho công tác tuần tra, họ sẽ không cần tới 90 chuyên gia phân tích cho mỗi UAV. Trung Quốc cũng không cần thực thi ảnh hưởng trên toàn cầu, do đó không cần cử UAV đến Afghanistan như Mỹ đang làm”, ông Scharre nói. “Họ chỉ cần tạo sức ép trong khu vực, bởi vậy, họ chỉ cần áp dụng công nghệ radio và trang bị các bộ truyền và phát sóng cho các máy bay này”.

Ngoài ra, chuyên gia Scharre phát biểu rằng các UAV của Trung Quốc thường sao chép lại các công nghệ nước ngoài, và rằng Bắc Kinh có thể sẽ “nẫng tay trên” những thành quả công nghệ do người Mỹ dày công nghiên cứu.

“Tôi không trông đợi Trung Quốc tự nghiên cứu những công nghệ hiện đại hơn Mỹ, nhưng họ có thể nghiên cứu tiếp những công trình mà chúng tôi còn đang làm dang dở. Nếu làm được, Trung Quốc sẽ sở hữu những sản phẩm khiến cả thế giới phải trầm trồ”, chuyên gia Scharre nhận định.

Phản bác lại đánh giá của chuyên gia Mỹ, chuyên gia hải quân Ni Lexiong của Đại học Khoa học chính trị và luật Thượng Hải nói rằng: “Dù công nghệ của chúng tôi còn kém so với phương Tây nhưng chúng tôi cũng sẽ không vứt bỏ những thành tựu nghiên cứu của mình”.

Tờ AP mới đây đưa tin Tập đoàn hàng không Avic chuyên sản xuất các máy bay không người lái lớn nhất Trung Quốc, được dự đoán sẽ trở thành nhà sản xuất các thiết bị quân sự không người lái lớn nhất thế giới vào năm 2023.

Thoa Phạm

Theo The Diplomat, AP

 


Ý kiến của bạn