Vào mùa xuân, nấm mọc tự nhiên ở bìa rừng, ven suối rất nhiều. Nhiều bà con dân tộc thiểu số ở tỉnh Bắc Kạn thường hái nấm về làm thực phẩm. Trong số đó, nhiều trường hợp hái nhầm phải nấm độc về nấu ăn, gây chết nhiều người, thậm chí cả nhà hoặc may mắn sống sót cũng trở nên tàn phế.
Ăn nấm rồi…tử vong
Mới đây nhất, ngày 30/11/2009, anh Nông Văn Hướng ở Bản Eng, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn hái nấm mọc tự nhiên về cho gia đình và hàng xóm nấu ăn. Chỉ sau hơn một tiếng đồng hồ, 10 người ăn nấm đều có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi toàn thân. May mắn là cả 10 người đều được đưa vào viện cấp cứu kịp thời, cho nên thoát chết.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe (Sở Y tế Bắc Kạn), từ năm 2004 đến hết năm 2009, trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn xảy ra 15 vụ ngộ độc nấm, làm 65 người mắc, trong đó có 57 người phải vào viện, làm chết 15 người. Điều đáng nói sau Tết Nguyên đán hằng năm, nấm mọc tự nhiên ở bìa rừng, ven suối rất nhiều. Người dân tộc thiểu số thường hái về ăn thay rau, nhiều người hái phải nấm độc về nấu ăn, cho nên năm nào trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra ít nhất từ hai đến ba vụ ngộ độc nấm gây chết người.
Cán bộ y tế đang truyền thông hướng dẫn đồng bào dân tộc huyện Na Rì về phòng chống nấm độc. |
Bác sĩ Tạc Văn Nam, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Bắc Kạn cho biết: Nấm độc chứa độc tố cao gây chết người, với loại này chỉ cần ăn nửa lạng nấm tươi có thể làm chết một thanh niên trẻ, khỏe mạnh mà không có thuốc nào cứu chữa được. Nấm độc mọc nhiều ở nơi ẩm ướt, có người năm trước hái nấm ở vị trí ấy về nấu ăn thì không hề gì, nhưng năm sau vẫn hái ở chỗ đó về ăn thì ngộ độc chết người. Trong những năm qua, ngành y tế Bắc Cạn đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, in ấn tờ gấp, tờ rơi, áp-phích bằng tiếng phổ thông và phiên âm ra tiếng các dân tộc để nhân dân nhận biết đâu là nấm độc. Nhưng bác sĩ Tạc Văn Nam cho rằng: "Trên địa bàn tỉnh rất khó có thể kiểm soát được tình hình ngộ độc nấm, vì nhiều nơi nhân dân sống rải rác trên núi cao, không hiểu tiếng Việt, không biết đọc cho nên khó tiếp cận để tuyên truyền. Trong khi đó, nhân dân không trồng rau, thường hái nấm về nấu ăn và có thể xảy ra ngộ độc bất cứ lúc nào".
Cấp cứu ban đầu còn yếu
Xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn có gần sáu nghìn nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có hàng nghìn người dân tộc Mông, Dao từ 45 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết và không nói được tiếng phổ thông. Trạm y tế xã Nghiên Loan có sáu cán bộ, nhưng không ai nói được tiếng Mông. Trạm trưởng Chu Thị Phương cho biết: Cán bộ y tế xã chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với đồng bào Mông, Dao trong việc tuyên truyền phòng tránh nấm độc, vì họ không nói được tiếng phổ thông và cán bộ y tế lại không nói được tiếng dân tộc. 60% số dân ở huyện Pác Nặm là đồng bào dân tộc Mông, Dao, ngành y tế huyện có 94 cán bộ y tế, nhưng chỉ có một cán bộ là người Dao, không có cán bộ dân tộc Mông, không ai nói được tiếng Mông cho nên khó tuyên truyền, vận động. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm Nguyễn Văn Dưỡng nói: Với hạn chế nêu trên và tập quán hái nấm mọc tự nhiên về làm thực phẩm thì có thể xảy ra ngộ độc bất cứ lúc nào. Phần lớn các xã trong huyện đều ở vùng sâu, vùng xa, nhân dân sống phân tán, giao thông đi lại khó khăn, huyện lại cách xa tỉnh gần bốn tiếng đường ô-tô cho nên khi xảy ra ngộ độc nấm rất khó cứu chữa.
Một hạn chế khác là, các thiết bị y tế và thuốc men cấp cứu ban đầu khi bị ngộ độc nấm ở tuyến y tế xã trên địa bàn tỉnh thiếu thốn hoặc không có. Ngành y tế Bắc Kạn cần có kế hoạch bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ y tế xã biết nói tiếng Mông, tiếng Dao, vì đó là phương tiện cán bộ y tế cơ sở tuyên truyền, giáo dục sức khỏe nói chung, vận động, hướng dẫn nhân dân nhận biết, phòng tránh nấm độc nói riêng. Cần vận động nhân dân trồng rau, từ bỏ tập quán hái nấm mọc tự nhiên về làm thực phẩm để không còn xảy ra những vụ ngộ độc thương tâm chết người, hoặc trở nên tàn phế khi ăn phải nấm độc.
Bài và ảnh Thế Bình