Toàn tỉnh có 1.231 em có hoàn cảnh đặc biệt và 19.213 em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 13.191 em sống trong gia đình hộ nghèo.
Nhằm tăng cường các hoạt động giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cuộc sống ổn định, có cơ hội thực hiện quyền trẻ em và hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp các em vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Triển khai thực hiện Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã tích cực khảo sát nhu cầu thực tế, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em của tỉnh, đồng thời phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, các tổ chức phi Chính phủ triển khai các chương trình hỗ trợ cho trẻ em.
Cụ thể như, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam triển khai gói dinh dưỡng, gói đồ ấm cho trẻ em các xã đặc biệt khó khăn huyện Pác Nặm, Ba Bể và Ngân Sơn; triển khai chương trình "Quỹ Sữa vươn cao Việt Nam" cho 5 trường học thuộc xã đặc biệt khó khăn các huyện Chợ Đồn, Na Rì, Ba Bể và Ngân Sơn; chương trình Gói mì hạnh phúc cho Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh và 2 trường học tại xã Xuân La, huyện Pác Nặm…
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tiếp nhận, phối hợp với Tổ chức VinaCapital Foundation triển khai chương trình hỗ trợ khám sàng lọc và mổ tim cho trẻ em; phối hợp với tổ chức Kinderhilfe - Cộng hòa liên bang Đức thực hiện chương trình hỗ trợ cho trẻ em được nuôi dưỡng chăm sóc tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh với tổng số tiền trên 280 triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, tổ chức hội đoàn thể và UBND các huyện, thành phố đã tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động nhiều nguồn lực hỗ trợ, tặng quà, học bổng, khu vui chơi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhằm động viên, góp phần giúp các em vươn lên trong học tập. Trong đó tiêu biểu như chương trình "Điều ước cho em" của Sở Giáo dục và Đào tạo; chương trình "Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em tới trường vì em hiếu học" của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Hội Khuyến học tỉnh; phong trào "Áo ấm mùa đông"; "Nuôi heo đất", "Hũ gạo tình thương", "Xe đạp giúp bạn đến trường", "Ấm áp mùa đông", "Vì bạn nghèo" của Tỉnh đoàn…
Vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu hằng năm, dịp khai giảng năm học mới..., trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đều được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương ưu tiên thăm hỏi, tặng quà; tổ chức các chương trình trao tặng học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó học tốt.
Hiện nay, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng tại cộng đồng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ; có 37 trẻ đang nuôi dưỡng tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh miễn phí theo quy định; trẻ em bị khuyết tật được quan tâm khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 60 trẻ em khuyết tật vận động được phẫu thuật tại Bệnh viện Chỉnh hình Thái Nguyên; 20 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật tại Bệnh viện tim Hà Nội; 19 em bị sứt môi, hở hàm ếch được phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên; 22 em có bệnh về mắt được phẫu thuật tại Bệnh viện mắt Hà Nội…
Cùng với sự quan tâm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, việc huy động, tổ chức tốt các nguồn lực xã hội đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo cơ hội phát triển bình đẳng, toàn diện cho trẻ em.