Rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em và cả người lớn. Bệnh rubella lành tính nhưng lại nguy hiểm cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, vì có thể để lại nhiều dị tật cho thai nhi. Tuy nhiên, đây là một bệnh có thể phòng tránh được.
Nguyên nhân gây bệnh rubella
Nguyên nhân gây bệnh rubella là do rubella virus, thuộc họ Togaviridae. Cho đến nay chỉ có 1 type huyết thanh của virus rubella được phát hiện và người là ổ chứa duy nhất của chủng virus này. Vì vậy, người đang mắc bệnh rubella là nguồn truyền nhiễm duy nhất.
Virus rubella bất hoạt bởi nhiệt độ cao và các loại dung dịch sát khuẩn thông thường. Tùy thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm không khí, virus có thể tồn tại trong trạng thái gây bệnh ngoài môi trường từ một đến vài giờ. Những khu vực đông người như trường học, bệnh viện, nhà máy… là môi trường lây bệnh thường gặp nhất.
Bệnh rubella lây truyền khi người lành hít phải những giọt nước bọt của người mang mầm bệnh phát tán vào không khí khi hắt hơi, ho hoặc nói chuyện. Ngoài ra, rubella cũng có khả năng lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi hoặc cổ họng của người bị nhiễm bệnh.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus rubella nhân lên trong các tế bào đường hô hấp, lan đến các hạt lympho rồi vào đường máu. Virus rubella có khả năng lây truyền cao nhất vào giai đoạn phát ban. Tuy nhiên, bệnh có thể lây nhiễm từ 1 tuần trước khi phát ban và 1 tuần sau khi phát ban. Phụ nữ mang thai có thể lây truyền virus rubella cho con thông qua nhau thai. Tùy thuộc vào nhiễm virus trong giai đoạn nào của thai kỳ sẽ có những ảnh hưởng khác nhau lên thai nhi.
Ở trẻ bị hội chứng rubella bẩm sinh có thể lây truyền virus trong khoảng thời gian 1 năm hoặc lâu hơn. Dịch tiết từ đường hô hấp và nước tiểu trẻ sơ sinh mắc bệnh rubella bẩm sinh chứa lượng lớn virus trong nhiều tháng. Vì vậy, bệnh rubella bẩm sinh có thể lây truyền từ trẻ cho những người xung quanh chăm sóc trẻ.
Triệu chứng và dấu hiệu để nhận biết rubella
Dấu hiệu đặc trưng nhất có thể nhận thấy ở người bệnh rubella là những ban đỏ xuất hiện từ 14 đến 21 ngày sau khi virus rubella đi vào cơ thể.
Ở thể rubella điển hình, những dấu hiệu bệnh thường nhẹ và lành tính, tỷ lệ tử vong và biến chứng thấp. Bệnh nhân thể rubella điển hình thường sốt nhẹ, biểu hiện ban đỏ, có các dấu hiệu ở cơ quan bạch huyết.
Ngoài dấu hiệu điển hình là ban đỏ xuất hiện đầu tiên ở mặt, cổ và lan khắp toàn thân, người bệnh rubella còn thường gặp tổn thương bạch huyết ở vùng sau tai, vùng chẩm, cổ sau. Ở người lớn mắc bệnh rubella thường sốt và phát ban nhiều hơn, kèm theo các biểu hiện điển hình là mệt mỏi, biếng ăn, đau khớp...
Triệu chứng bệnh có thể kéo dài khoảng 5 ngày. Với phát ban nhẹ, mờ nhanh, sau khi khỏi ban biến mất hoàn toàn. Người bệnh sốt nhẹ, không có giai đoạn tiền triệu chứng.
Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh rubella?
Tất cả những người chưa có miễn dịch với rubella đều có nguy cơ mắc bệnh. Sống ở nơi đông dân cư là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc loại bệnh lây lan theo đường hô hấp này.
Ở nước ta nhóm người có nguy cơ mắc rubella cao là trẻ em, thanh thiếu niên và ở một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh rubella cao hơn những người khác như:
- Những người chưa từng tiêm vaccine phòng bệnh rubella.
- Những người chưa từng mắc bệnh rubella.
- Người đi đến những quốc gia khác, đặc biệt là những nơi đang thịnh hành dịch rubella.
Biến chứng của bệnh rubella
Biến chứng của bệnh rubella thường gặp ở người lớn nhiều hơn ở trẻ em. Khoảng 70% phụ nữ bị nhiễm trùng có thể đau hoặc viêm khớp, viêm não có thể xảy ra ở 1/5000 trường hợp, thường gặp nhất là ở phụ nữ, xuất huyết có thể xảy ra ở trẻ em với tỷ lệ 1/3000 trường hợp.
Rubella còn đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai. Nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này có nguy cơ cao mắc hội chứng rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng như dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển… Một số trường hợp trẻ tử vong do hậu quả của hội chứng rubella bẩm sinh.
Phòng bệnh rubella
Để phòng bệnh rubella, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine rubella đầy đủ và đúng lịch cho trẻ em từ 1 tuổi đến 14 tuổi, phụ nữ nên tiêm phòng trước khi có thai ít nhất 3 tháng, khi đã mang thai thì không nên tiêm.
- Không tiếp xúc gần với người nghi mắc bệnh rubella.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Cần giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng hàng ngày.
- Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ.
- Tăng cường dinh dưỡng.
Đối với nhà trẻ, mẫu giáo, trường học... là nơi tập trung đông trẻ em, vì vậy cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi mắc bệnh rubella cần được cách ly và đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Qua kết quả điều tra lấy mẫu của các cơ sở y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn vừa tiếp nhận 2 mẫu nghi ngờ mắc rubella, trong đó 1 mẫu tại huyện Ngân Sơn, 1 mẫu tại huyện Pác Nặm. Cả 2 mẫu nghi ngờ mắc Rubella được gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy mẫu tại huyện Pác Nặm dương tính với rubella.
Trước tình hình đó Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế trong tỉnh tăng cường công tác giám sát các trường hợp nghi mắc sởi/rubella tổ chức điều tra, lấy mẫu gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn.
Duy trì công tác tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi và vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi, đảm bảo không bỏ sót đối tượng, nhằm nâng cao hiệu quả phòng bệnh.